Nguy cơ tai nạn từ… rạp đám cưới

ANTĐ - Cứ đến mùa cưới là ở bất cứ tuyến phố, con đường nào chúng ta cũng đều có thể bắt gặp những chiếc rạp rực rỡ sắc màu. Tuy vậy, có không ít rạp được gia chủ dựng ngay dưới lòng đường, trên vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn…

Nguy cơ tai nạn từ… rạp đám cưới ảnh 1Khá nhiều rạp đám cưới được dựng trên vỉa hè 
Ảnh minh họa

Cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị

Tối 21-11 vừa qua, một chiếc xe tải khi đang lưu thông trên đường Lê Thị Hoa (hướng từ KCN Sóng Thần về tỉnh lộ 43) đến đoạn gần cầu vượt Gò Dưa thì lái xe phát hiện phía trước có rạp đám cưới dựng dưới lòng đường nên đã đánh tay lái để tránh. Tuy nhiên, cú đánh lái đã khiến chiếc xe tải đâm vào 2 xe  máy đang lưu thông phía trước, sau đó đâm tiếp vào em N.T.D.T (16 tuổi, ở Kiên Giang) đang đi bộ trên đường khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Lúc này do quá hoảng loạn, lái xe đã bỏ chạy và tiếp tục gây tai nạn với 1 xe ba gác làm người điều khiển xe bị thương nặng. Tại cơ quan công an, lái xe khai nhận, nguyên nhân là do xe mất phanh và phải tránh rạp đám cưới.

Đáng buồn là sự cố trên không phải hy hữu. Trước đó, một vụ tai nạn liên hoàn cũng đã xảy ra trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) khiến người tham gia giao thông tại khu vực gặp phen hoảng loạn. Một chiếc xe tải khi lưu thông đến địa điểm trên thì gặp một đám cưới dựng rạp bên đường. Khi vượt lên để tránh đám cưới, chiếc xe tải đã đâm vào xe khách chạy ngược chiều. Tiếp theo đó, một chiếc xe tải khác chạy phía sau do bất ngờ nên đã đâm vào đuôi xe khách. Hậu quả là chiếc xe khách bị hư hỏng nặng. 

Thời gian qua, tình trạng rạp đám cưới được dựng trên lòng đường, vỉa hè diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành. Không chỉ dựng rạp, nhiều gia đình còn biến đường giao thông thành nơi trông giữ phương tiện cho khách. Do vậy, khách bộ hành chỉ còn cách chen chúc đi xuống lòng đường với phần diện tích rất nhỏ hẹp cùng các phương tiện giao thông khác. Thậm chí có gia đình còn chặn một đoạn ngõ lại để bắc rạp, ăn cỗ linh đình đến vài ngày khiến người dân phải đi vòng đường khác khá vất vả.

 Ông Đỗ Xuân Quang - cán bộ hưu trí phường Kim Mã, quận Ba Đình than phiền, nhà trong ngõ thì chiếm dụng ngõ, nhà mặt đường thì tận dụng vỉa hè hoặc một phần lòng đường làm nơi tiếp khách. Chưa hết, kéo theo đó là ô tô, xe máy đỗ la liệt, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

“Đành rằng gia đình nào cũng có việc hiếu, hỉ, song cần hạn chế làm phiền đến mức thấp nhất đến những người xung quanh. Có gia đình ngoài chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đón khách còn nấu nướng, xả rác bừa bãi hoặc biến nơi đây thành phòng hát karaoke công cộng tra tấn hàng xóm cả ngày lẫn đêm. Nhiều người trong khu vực dù không hài lòng, song cũng không dám góp ý vì e ngại và nghĩ “nhà nào chẳng có việc” nên đành tặc lưỡi cho qua” - ông Quang thở dài.

Vừa ăn cỗ vừa run

Việc tổ chức đám cưới và bắc rạp dưới lòng đường, vỉa hè không chỉ đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông mà ngay cả những người đi dự tiệc cũng lo nơm nớp. Bà Vũ Thị Hà ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh chia sẻ: “Được họ hàng, bạn bè, hàng xóm mời dự đám cưới đương nhiên là phải có mặt. Song có những đám do nhà cửa gia chủ chật chội nên đã bắc rạp ngay trên đường. Khách dự tiệc vừa ăn, vừa nghe tiếng xe cộ đi lại rầm rập hoặc bóp còi inh ỏi bên ngoài mà cứ giật mình thon thót. Nói dại miệng, chẳng may xe mất lái lao vào thì quan viên 2 họ vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp”.

Về hiện tượng trên, luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 203 - BLHS quy định, người nào có một trong các hành vi: Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm…

Do vậy, nếu việc dựng rạp làm đám cưới, đám ma, giỗ Tết… chiếm dụng lòng đường, vỉa hè dẫn đến tai nạn chết người thì tùy từng trường hợp sẽ có mức xử lý khác nhau. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chủ nhà, người dựng rạp sẽ bị xử lý về tội “cản trở giao thông đường bộ”. Vấn đề bồi thường được xác định dựa trên mức độ lỗi. Trong trường hợp những hành vi vi phạm nêu trên gây thiệt hại cho người thứ ba thì lái xe và chủ rạp phải liên đới bồi thường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Hiếu, hỷ là việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Song để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, thay vì tổ chức dựng rạp trên vỉa vè, lòng đường, người dân nên chọn nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc thuê, mượn những khu đất trống để thuận tiện cho việc tổ chức. Bên cạnh đó, các cán bộ cấp cơ sở, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền đến các gia đình tuân thủ những quy định chung, đảm bảo văn minh đô thị. Về lâu dài, để tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần sớm ban hành qui định cụ thể về vấn đề này, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy làm như hiện nay…