Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

ANTĐ - Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vốn đã mong manh lại đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang hiện rõ

Theo ông M. King, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nước đang tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế của họ bằng cách thao túng tiền tệ để có lợi thế thương mại, đặc biệt là xuất khẩu. Ông dự báo: “Năm 2013 có thể là một năm nhiều thách thức khi nhiều nước cố gắng hạ tỷ giá”.

Những năm gần đây, hạ giá đồng nội tệ được coi là công cụ hữu hiệu để giành ưu thế trong cạnh tranh xuất khẩu. Chẳng hạn như Trung Quốc, mặc dù đồng nhân dân tệ liên tục tăng giá so với đồng USD nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì tỷ giá thấp của đồng nhân dân tệ. Nếu so với đồng USD, hàng Trung Quốc sản xuất ra giá sẽ rẻ đi, nhờ đó mà nước này gia tăng được khối lượng xuất khẩu, luôn đạt mức thặng dư thương mại với nước khác. 

Không chịu thiệt thòi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khuyến khích đồng USD yếu để kích thích xuất khẩu, ngăn đà thâm hụt thương mại với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Thời gian gần đây, để kích thích tăng trưởng và tiêu dùng, FED đã bơm thêm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Hàng loạt nước khác như Brazil, Nhật Bản, Thụy Sỹ… cũng đồng loạt hạ giá nội tệ.

Khỏi phải nói hiểm họa mà công cụ tài chính này tạo ra với nền kinh tế thế giới. Thủ tướng Đức A. Merkel từng cảnh báo, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kiềm chế đồng nội tệ thấp giả tạo là hết sức thiển cận và nguy hiểm mà hậu quả là gây tổn hại cho các nền kinh tế. Nếu nước nào cũng tìm lợi thế bằng cách như vậy, một cuộc chiến tiền tệ là điều không thể tránh khỏi. Hệ quả là bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện.

Có một vấn đề căn bản khác là hệ thống tiền tệ quốc tế đã trở nên không hoàn hảo do chúng ta đang sử dụng tiền tệ của một quốc gia (đồng USD) như là đơn vị tiền tệ dự trữ chủ yếu của thế giới. Vì vậy chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đương nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần còn lại của thị trường thế giới. Những dòng vốn sẽ chảy mạnh vào các nước đang phát triển, làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai, dẫn tới hiện tượng bong bóng giá tài sản và điều này đã từng xảy ra trong quá khứ dẫn đến các cuộc khủng hoảng trước đây.

Chính vì thế mà gần đây, các thành viên G-10 gồm các nước Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phải tính đến việc can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu. Để đo mức độ sẵn sàng can thiệp thị trường, các chuyên gia đã lập ra một chỉ số “can thiệp” với thang điểm từ 0-10. Nếu chỉ số này càng thấp nghĩa là can thiệp chỉ ở mức “phát biểu”, nhưng chỉ số càng cao cho thấy sự sẵn sàng đưa ra chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu tỷ giá hối đoái nào đó.

Tuy nhiên, liệu các nước có vượt qua được lợi ích trước mắt để chấp nhận hy sinh như dự định trên của G-10 (kể cả các nước G-10) thì chưa ai có thể trả lời. Nguy cơ chiến tranh tiền tệ vẫn hiển hiện.