Nguy cơ chết người từ bạo hành do ghen tuông

ANTĐ - Ngày 10-7 tại huyện Thạch Thất - Hà Nội, chị L.T.T đã bị chồng dùng dao chém trúng mặt, hở xương hàm, gãy răng, gần đứt lìa 4 ngón tay, lý do vì ghen tuông. Trước đó, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra vụ chồng chém lìa tay vợ ném xuống kênh, cũng vì lý do trên. Những vụ việc này cho thấy nạn bạo hành gia đình vì ghen tuông để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.

Nhiều phụ nữ không dám lên tiếng dù bị chồng bạo hành

Bạo hành đến... bệnh hoạn

Thời gian qua, đã có không ít nạn nhân của nạn bạo hành gia đình tìm đến Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tìm sự trợ giúp. Trong số những người đến đây có chị N.T.H (SN 1974) ở Đông Anh, Hà Nội. Tính đến nay, gần 20 năm chung sống nhưng chị H đã phát hiện chồng mình ngoại tình từ… 10 năm trước.

Từ chỗ lén lút, chồng chị công khai mối quan hệ với “bồ”. Mỗi khi chị H lên tiếng phản đối lại bị chồng đánh đập không thương tiếc. Không chỉ vậy, do được bênh ra mặt nên cô “bồ nhí” của chồng chị H vô cùng ngang ngược. Thay vì xấu hổ, cô ta liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa, lăng mạ chị H khiến chị sợ đến mức không dám nghe điện thoại mỗi khi thấy số lạ gọi đến.

Chị H đã trình báo chính quyền địa phương nhưng lần này qua lần khác, kẻ gây thương tích cho chị chỉ bị nhắc nhở rồi cho về. Lần gần đây nhất, chị H bị chồng đánh đến mức chấn thương sọ não, phải đưa vào viện cấp cứu. Do phẫn uất trước sự vô nhân tính của người con rể vũ phu, gia đình chị H đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo. Nghe được thông tin này, chồng chị H đã tức tốc đến bệnh viện gặp vợ nhưng không phải để xin lỗi mà ép vợ yêu cầu người nhà rút đơn để “giải quyết nội bộ”. 

Cũng bị bạo hành trong thời gian dài, nhưng trường hợp của chị T.T.N (SN 1976) ở quận Tây Hồ, Hà Nội lại ở trong hoàn cảnh khác. Do cuộc hôn nhân với người chồng trước không hạnh phúc, chị N đã quyết định ly hôn. Sau đó, chị tình cờ gặp một người đàn ông đã góa vợ. Qua tiếp xúc, hai bên có nhiều điểm tương đồng nên cả hai đã dọn về sống chung nhưng không đăng ký kết hôn.

Những tưởng sau đổ vỡ từ cuộc hôn nhân trước, chị N đã tìm được bến đỗ mới cho cuộc đời mình, song mọi hy vọng của chị lại nhanh chóng tắt ngấm. Dù là người phụ nữ trẻ đẹp, thông minh, có vị trí trong xã hội và hoàn toàn tự chủ về kinh tế nhưng nhất cử nhất động của chị N bị ông “chồng hờ” kiểm soát chặt chẽ.

Ông ta không cho chị N giao lưu với bất cứ người bạn nào mà còn sẵn sàng nghỉ việc đi theo để tiện kiểm soát mỗi khi chị N đi công tác và sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi có nghi ngờ. “Có một lần ông ta gọi điện lúc tôi đang họp nên tôi không tiện nghe máy.

Thế là ông ta lập tức đến cơ quan tôi, lôi tôi xềnh xệch ra ngoài phòng họp và tát túi bụi. Thậm chí, ông ta còn ép tôi quan hệ tình dục theo lịch đã định sẵn! Do cuộc sống quá ngột ngạt, tôi đề nghị chia tay thì ông ta dọa sẽ tung những hình ảnh, clip nhạy cảm của 2 người lên mạng” - chị N đau đớn chia sẻ.

Cần phá vỡ sự im lặng

Bạo lực gia đình liên quan đến ghen tuông gây hậu quả rất nặng nề. “Do sự bất bình đẳng về giới nên người đàn ông thường tự cho mình có nhiều quyền như dạy dỗ, đánh đập, trừng phạt vợ (người yêu) đặc biệt là khi nghi ngờ người kia có quan hệ ngoài luồng. Đối tượng thực hiện hành vi này có thể là bất kỳ ai, không phụ thuộc vào trình độ văn hóa, vị trí xã hội, điều kiện kinh tế…

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, người phụ nữ phải ý thức được rủi ro, sự nguy hiểm của bản thân khi ở cạnh người có hành vi bạo lực. Họ cần phải biết bạo lực lần thứ nhất nếu được bỏ qua sẽ có lần hai và những lần tiếp theo. Do đó, phải giải quyết triệt để vấn đề này ngay từ đầu” - bà Lê Thị Ngọc Bích - nhân viên tham vấn Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết.

Điều đáng nói là khi phụ nữ bị bạo hành, đánh đập, các cơ quan chức năng thường giải quyết theo “tình”, luôn cố gắng để hòa giải 2 bên. Điều này càng khiến người đàn ông coi thường pháp luật, thách thức những người xung quanh bằng cách gia tăng hành vi bạo lực. Trong khi đó, không ít nạn nhân cứ bỏ qua hết lần này đến lần khác, thậm chí khi người chồng của họ bị cơ quan chức năng triệu tập, họ còn viết đơn xin tha cho chồng về, khiến đối tượng thực hiện hành vi bạo lực sẽ ngày càng ngông nghênh. 

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, vướng mắc trong xử lý các vụ bạo hành gia đình hiện nay là chính quyền địa phương thường cho rằng đó là việc nội bộ gia đình, nếu khởi kiện ra tòa thì thương tích của nạn nhân phải trên 11%. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân cũng xin tự giải quyết nội bộ. Do vậy, biện pháp tốt nhất để phòng, chống bạo lực gia đình, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, điều quan trọng nhất là cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để người phụ nữ hiểu được thế nào là bạo lực gia đình và biết cách ứng phó với nó. 

Với bất cứ lý do gì, việc sử dụng bạo lực đối với người khác là không được phép (trừ một số trường hợp luật định). Để ngăn ngừa tái bạo lực gia đình cần thay đổi nhận thức của nạn nhân. Khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng, cần phá vỡ sự im lặng, nhanh chóng lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của người thân, tập thể…

Nạn nhân của bạo lực gia đình cần được giúp đỡ hãy đến Ngôi nhà Bình yên - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội để được tham vấn và hỗ trợ miễn phí. Điện thoại liên hệ:  

043. 7280936 hoặc 09468 333 80/82 hoặc 1900969680.