Nguy cơ cháy chợ tạm, chợ “treo”

ANTĐ - Sau loạt bài về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại các chợ Đồng Xuân, chợ vải Ninh Hiệp, chợ Vĩnh Tuy, phóng viên ANTĐ tiếp tục tìm hiểu công tác này tại một số chợ dân sinh, chợ tạm trên địa bàn thành phố và không khỏi giật mình…

Chợ Mơ (chợ tạm) họp dưới đường điện cao thế tại phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng

Họp chợ dưới lưới điện cao thế!

Gần 4 năm trước, toàn bộ các hộ kinh doanh ở chợ Mơ (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng), được di dời về dọc sông Kim Ngưu, thuộc địa bàn hai phường Thanh Lương và Thanh Nhàn. Từ đó đến nay, khu chợ tạm gồm 2 khu vực này luôn thường trực nguy cơ cháy, nổ cao. Đầu tiên là khu chợ nằm ở bờ Đông sông Kim Ngưu, thuộc phường Thanh Lương với khoảng 100 ki-ốt nằm… ngay dưới lưới điện cao thế, và tìm mỏi mắt cũng không thấy chỗ nào treo, cất bình bọt, phương tiện chữa cháy. Vì nó… tạm.

Có dáng dấp chợ hơn một chút là khu chợ ở bờ Tây sông Kim Ngưu, thuộc địa phận phường Thanh Nhàn. Khu đất này của một hợp tác xã, được quận Hai Bà Trưng thuê mượn để phục vụ chợ Mơ tạm. Có trên dưới 200 hộ kinh doanh trong chợ, từ rau củ quả đến chim chóc, hải sản, đồ vàng mã. Giống như chợ bên khu Đông, tại chợ Mơ tạm bên khu Tây trong buổi sáng 20-9, khi PV Báo ANTĐ đi khảo sát, rất khó tìm thấy phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Nhiều đoạn lối đi trong chợ chỉ vừa đủ cho 1 xe máy. Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn thừa nhận: “Việc trang bị phương tiện dập lửa trong chợ vẫn mang tính hình thức. Ngay cả công tác tổ chức tập huấn chữa cháy, cứu hộ, dù hàng năm đã tiến hành, nhưng ý thức người kinh doanh vẫn chưa cao”.

Dự kiến, tháng 6-2013, toàn bộ chợ Mơ tạm sẽ được chuyển về Trung tâm thương mại chợ Mơ. Nhưng thời hạn ấy bị lùi đến tháng 7, rồi đến tận thời điểm này vẫn chưa thấy rục rịch di chuyển. “Chợ Mơ tạm đang ở thời điểm “chợ chiều”, chính vì thế, tâm lý, ý thức đối với công tác PCCC càng chểnh mảng. Quan điểm của phường, dù chợ tạm và dù chỉ còn 1 ngày hoạt động, vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tài sản và tính mạng các hộ kinh doanh trong chợ”, Chủ tịch phường Thanh Nhàn khẳng định, và cho biết trong tuần tới, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổng rà soát công tác PCCC ở chợ Mơ tạm.

Chợ Ngã Tư Sở, ngày càng xập xệ

Chợ “treo“ đến bao giờ?

Có mặt tại chợ Ngã Tư Sở - chợ lớn nhất quận Đống Đa vào chiều 20-9, chúng tôi cảm nhận được sự sầm uất tại đây bởi lượng hàng hóa nhiều và  khách đến mua sắm rất đông, trong đó phần lớn sinh viên, học sinh trong khu vực. Tuy nhiên, nhìn cơ sở vật chất  trong chợ đã xuống cấp, hư hỏng và tạm bợ, như lối đi thì ẩm thấp, lồi lõm, mái nhà dột, nát được các tiểu thương dùng các vật liệu tạm để che mưa nắng, vách ngăn giữa các quầy, ki ốt cũng được làm bằng phên, xốp rất dễ cháy. Theo một số hộ kinh doanh tại đây, chợ này đã có tuổi thọ gần 30 năm nay, đã quá chật hẹp và xuống cấp, do được thành phố đưa vào diện cải tạo xây dựng lại nên bà con cứ thấp thỏm chờ đợi không biết đến bao giờ dự án mới được chính thức phê duyệt và triển khai. Trong khi chờ đợi, bà con vẫn tiếp tục kinh doanh trong điều kiện chợ xập xệ, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị hỏa hoạn cao vì hệ thống PCCC tại đây vừa thiếu vừa yếu, chỉ có 3 bề ngầm chứa nước mà không có hệ thống họng nước chữa cháy. Ông Trịnh Ngọc Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở cho biết, gần 800 hộ kinh doanh tại đây trong điều kiện không có tường rào bảo vệ bao quanh, trực tiếp tiếp giáp với 3 tổ dân phố của phường Ngã Tư Sở. Chính vì vậy nguy cơ xảy ra hỏa hoạn khá cao vì nếu không may một gia đình hàng xóm bị cháy thì sẽ đe dọa và  lan nhanh đến các hộ kinh doanh trong chợ. 

Ngoài hai chợ nêu trên, trên địa bàn Hà Nội, chợ được xây dựng kiên cố, hiện đại còn chiếm tỉ lệ khá nhỏ, phần lớn là các chợ được xây dựng bán kiên cố, hoạt động trong tình trạng cơi nới, chắp vá tạm bợ. Công tác PCCC tại các chợ này còn khá lỏng lẻo, hệ thống PCCC chưa đảm bảo, cần được thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đầu tư, nâng cao ý thức phòng cháy từ phía các hộ kinh doanh, khách hàng cũng như trang bị kiến thức, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng PCCC tại các chợ này, đảm bảo có thể dập tắt kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân…

Tin cùng chuyên mục