Nguồn tài sản cho vay phải hợp pháp

ANTĐ - Bức xúc trước những vụ đòi nợ thuê gây ảnh hưởng đến ANTT xã hội, ông Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về một số vấn đề liên quan.

- PV: Pháp luật đã có quy định bảo vệ quyền lợi của những người cho vay tiền như thế nào?

- Ông Đinh Xuân Thảo: Quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người có tài sản cho vay rất đầy đủ, thể hiện bằng các nguyên tắc trong những hợp đồng, giao dịch dân sự liên quan đến lĩnh vực cho vay tài sản. Trong các hợp đồng có giá trị đã quy định hai bên ký kết với nhau bằng văn bản, đưa ra công chứng hoặc có sự xác nhận của chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo xác thực về mặt pháp lý để khi xảy ra tranh chấp, đó là chứng cứ để các cơ quan chức năng xử lý. Thông thường, sau khi tòa án xét xử và có bản án, cơ quan thi hành án thực thi nhiệm vụ của họ là thu hồi nợ theo đúng trình tự pháp luật. 

 - Quy định cụ thể như vậy, sao vẫn có nhiều trường hợp người có tài sản cho vay thuê mướn người khác đòi nợ thuê, gây mất ANTT?

- Một phần do người dân vì thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc có gì đó vướng mắc không muốn nhờ đến cơ quan thừa hành pháp luật như cho vay nặng lãi… thì đương nhiên chủ nợ không thể đưa vụ việc ra pháp luật phân xử được. Những trường hợp đó rơi vào các giao dịch bằng lời nói, giấy viết tay mà người ta thường nói là “giao dịch bằng niềm tin”, cũng thiếu cơ sở pháp lý để đưa vụ việc ra pháp luật. 

- Có thể giải quyết vấn đề này như thế nào, theo ông?

- Cần phổ biến sâu rộng đến mọi người dân những quy định của pháp luật, để người có tài sản cho vay và người đi vay hiểu rõ trước khi thực hiện các giao dịch “nhạy cảm” này.

- Có nên hình thành một cơ quan dân sự, có đủ quyền lực đứng ra thụ lý các vụ việc liên quan đến vay mượn tài sản, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người cho vay?

- Hiện nay có quy định về Thừa phát lại, đang thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và vừa rồi Quốc hội đã cho gia hạn để tiếp tục thực hiện ở thành phố này, cũng như tại một số nơi khác. Lực lượng Thừa phát lại hoạt động có hiệu quả, có thể thay thế lực lượng thi hành án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản cho vay. 

- Theo ông, lực lượng Thừa phát lại có đủ sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ trong những giao dịch dân sự không? 

- Hiện tại, lực lượng này mới chỉ thực hiện việc tống đạt các loại giấy tờ liên quan đến vay và cho vay tài sản. Các giao dịch vay mượn tài sản lớn mà để lực lượng Thừa phát lại thực hiện, theo tôi là chưa đủ sức. Sau này, khi cho phép thành lập lực lượng Thừa phát lại, phải tính toán mọi khả năng và xây dựng lực lượng này lớn mạnh, đủ quyền hành để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người dân thì nguồn tài sản phải hợp pháp và tuân thủ các quy định, thủ tục một cách chặt chẽ. Đây chính là điều kiện tiên quyết, để các cơ quan thừa hành pháp luật giải quyết các vụ việc liên quan đến cho vay tài sản thuận lợi và đạt hiệu quả như người dân mong muốn. Các cơ quan thi hành pháp luật cần xử lý nghiêm những đối tượng vay với dụng ý xấu, gây thiệt hại về kinh tế cho cá nhân, tổ chức. Đây chính là biện pháp răn đe, ngăn ngừa các vụ việc liên quan đến những giao dịch vay và cho vay tài sản đang diễn biến phức tạp hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!