Nguồn cơn làn sóng biểu tình của nông dân Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Không chỉ tập trung ở Thủ đô New Delhi, cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ đến ngày 8-12 đã lan rộng ra khắp cả nước nhằm phản đối luật nông nghiệp mới mà họ cho rằng có thể phá hủy sinh kế của họ.

Nông dân từ khắp nơi đã dựng lều trại, “ăn chực nằm chờ” để biểu tình trên đường phố Thủ đô Ấn Độ

Nông dân từ khắp nơi đã dựng lều trại, “ăn chực nằm chờ” để biểu tình trên đường phố Thủ đô Ấn Độ

Khi nông dân bị tước đi sự bảo hộ về giá

Người biểu tình ở Ấn Độ phản đối luật vừa được thông qua vào tháng 9. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, luật sẽ cho người nông dân quyền tự chủ hơn trong việc tự định giá và bán trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng động thái này đã khiến nông dân Ấn Độ tức giận, họ cho rằng các quy tắc mới sẽ khiến cuộc sống của họ bấp bênh và khó khăn hơn.

Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra mức giá đảm bảo đối với một số loại cây trồng nhất định, giúp người nông dân yên tâm đầu tư cho vụ mùa tiếp theo. Theo luật trước đây, nông dân phải bán đấu giá hàng hóa của họ tại Ủy ban Thị trường Nông sản của bang với mức giá ít nhất là mức sàn tối thiểu được chính phủ chấp thuận. Nhưng luật mới phá bỏ cấu trúc của ủy ban nói trên, cho phép nông dân bán hàng hóa của họ cho bất kỳ ai với bất kỳ giá nào. Nông dân có nhiều quyền tự do hơn để bán trực tiếp cho người mua, kể cả ở các bang khác.

Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, yếu tố cạnh tranh trên thị trường là điều tốt vì nó đáp ứng nhu cầu của nông dân khi họ muốn có thu nhập cao hơn và các cơ hội mới. “Người nông dân nên tận dụng lợi thế của một thị trường lớn, toàn diện và mở cửa để đất nước vươn ra thị trường toàn cầu”, ông Modi nói.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng hy vọng điều này sẽ thu hút đầu tư tư nhân vào ngành nông nghiệp, vốn đã bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Nhưng nông dân Ấn Độ lại cho rằng các quy định này có thể giúp các công ty lớn ép giá. “Chúng tôi rất tức giận. Nếu không nhận được mức giá hỗ trợ tối thiểu, các biện pháp bảo vệ chúng tôi sẽ bị loại bỏ và các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn mua đứt chúng tôi”, ông Singh, một nông dân ở Uttar Pradesh chia sẻ.

Mối liên kết giữa nông nghiệp và chính trị

Nông nghiệp là nguồn sinh kế chính của khoảng 58% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ, có nghĩa là nông dân là khối cử tri lớn nhất nước này. Điều đó khiến nông nghiệp trở thành một vấn đề chính trị trọng tâm. Trong một nỗ lực lấy lòng cử tri nông dân, đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc của ông Modi trong tuyên ngôn tổng tuyển cử năm 2014 tuyên bố, tất cả giá cây trồng nên được cố định ở mức tối thiểu cao hơn 50% so với chi phí sản xuất. Năm 2016, Thủ tướng Modi hứa sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp của đất nước với mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập của nông dân vào năm 2022.

Ông Modi ca ngợi các luật mới là “thời điểm khởi đầu” cho sự chuyển đổi hoàn toàn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ Thủ tướng Ấn Độ không ngờ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người nông dân vì các biện pháp mới được áp dụng đúng vào thời kỳ đại dịch vốn đã khiến Ấn Độ phải hứng chịu cuộc suy thoái đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Hàng chục nghìn nông dân từ các bang lân cận Punjab, Haryana và Uttar Pradesh đã kéo về Thủ đô New Delhi của Ấn Độ tuần hành kéo dài để phản đối. Làn sóng biểu tình xảy ra trong bối cảnh New Delhi vẫn là điểm nóng của đại dịch Covid-19 và Ấn Độ đang đứng đầu thế giới với số người mắc là hơn 9,4 triệu người. Ông Mukut Singh, Chủ tịch một liên minh nông dân ở bang miền Bắc Uttar Pradesh cho biết: “Chúng tôi đang mệt mỏi vì dịch Covid-19 nhưng không có lựa chọn nào khác. Đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết”. Người dẫn đầu hàng nghìn người nông dân biểu tình ở quê nhà này nhấn mạnh: “Chúng tôi là những người đã cung cấp thực phẩm, sữa, rau khi cả nước bị phong tỏa và hiện vẫn vất vả trên những cánh đồng. Chính chính phủ đã khiến chúng tôi gặp rủi ro khi đưa ra những luật này trong thời gian xảy ra đại dịch”.

Bà Narendra Singh Tomar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân cho biết: “Chính phủ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi luôn cam kết giải quyết những vấn đề mà nông dân gặp phải và sẽ tiếp tục sát cánh cùng họ”. Bà Tomar kêu gọi nông dân từ bỏ các cuộc biểu tình và thay vào đó thảo luận với chính phủ, mặc dù cho đến nay, Thủ tướng Modi không có dấu hiệu nhượng bộ trước yêu cầu của những người biểu tình.

Làn sóng biểu tình xảy ra trong bối cảnh New Delhi vẫn là điểm nóng của đại dịch Covid-19 và Ấn Độ đang đứng đầu thế giới với số người mắc là hơn 9,4 triệu người. Ông Mukut Singh, Chủ tịch một liên minh nông dân ở bang miền Bắc Uttar Pradesh cho biết: “Chúng tôi đang mệt mỏi vì dịch Covid-19 nhưng không có lựa chọn nào khác. Đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết”.