Nguồn cội nếp sống của người Hà Nội

ANTĐ - Theo nhiều nhà nghiên cứu, cốt cách gia đình chiếm phần quan trọng hình thành nên những nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Các gia đình, từ nông dân, trí thức cho đến những thương gia đều đề cao giáo dục và đặt danh dự lên hàng đầu.

Nếp sống người Hà Nội được thể hiện rõ qua bữa cơm hàng ngày

Đẹp từ lời ăn tiếng nói

Trước năm 1954, người Hà Nội hầu như sống quây quần trong một mái nhà, hình thành nên những gia đình “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường”. Người ông, hay người bà nắm vai trò quan trọng trong việc răn dạy, giáo dục con cháu. Người Hà Nội coi trọng tôn ti trật tự, “kính trên nhường dưới” và điều này được thể hiện rõ ràng trong bữa cơm hàng ngày. Vị trí ngồi quanh mâm cũng rất được coi trọng, trong đó, người phụ nữ, có thể là mẹ, là chị luôn ngồi đầu nồi. Khi xới cơm không được xới quá đầy. Trước khi ăn phải mời, khi những bậc cao tuổi trong nhà “đụng đũa” mới được phép ăn. Cách sắp xếp mâm cơm cũng vô cùng khéo léo. Tất cả những món ngon nhất, đầy đặn nhất đều được đặt về phía ông bà để bày tỏ sự kính trọng. Kể cả những nhà buôn hay những gia đình lao động nghèo, bữa ăn của người Hà Nội bao giờ cũng đầy đủ thành viên, tránh việc người ăn trước, người ăn sau. Trong những ngày giỗ Tết, tất cả con cháu trong nhà dù đi làm xa cũng trở về tề tựu đông đủ. Con cái dù lớn đến đâu luôn giữ lễ nghi chào hỏi, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, người Hà Nội coi trọng lời chào thể hiện tính lịch sự vốn có, kể cả với người lạ.

Đối với người con gái, việc giáo dục lời ăn tiếng nói đặc biệt được chú ý. Khi ra đường, thiếu nữ Hà thành luôn nói năng nhỏ nhẹ, khi cười phải ý nhị lấy tay che miệng... PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, người được giải thưởng Nhà nước về công trình nghiên cứu “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX” nhận định: “Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa e dè, khép nép, tuy không phải lý tưởng và có thể còn xa với lý tưởng nhưng có những nét đẹp đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị. Những phẩm chất ấy có được là do sự giáo dục chặt chẽ trong gia đình, một nền giáo dục “nghiêm” và “từ”. Ý thức sâu sắc về danh dự và lòng tự trọng không cho phép các thành viên làm việc xấu ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của gia đình”. 

Trọng cái cũ và thích nghi cái mới

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả hai cuốn sách “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”, đã từng có một cái lệ rất hay, đó là vào mùa nóng, rất nhiều nhà để một lu nước vối, kèm theo một bát trắng ngoài hè để ai đi qua khát tự động lấy uống. Tình cảnh thiếu thốn, đói khổ chung khiến cho quan hệ hàng xóm làng giềng gắn bó khăng khít. Cuộc sống cơ cực, dăm ba bữa chạy sang nhà nhau vay chút gạo để nấu cơm, rồi khi người kia thiếu cũng lại sẵn lòng san sẻ. Cội nguồn đạo đức truyền thống cộng thêm những tiếp thu nét văn minh của người Pháp giúp cho người Hà Nội sớm có ý thức giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện rõ đạo lý của người Việt “lá lành đùm lá rách”. Mọi người cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, dần dần trở nên thân tình như người nhà. Cũng bởi coi trọng lễ nghi, gia phong, người Hà Nội rất quý những người hàng xóm biết đạo lý. Nếu một người con, người cháu trong nhà có làm sai, được hàng xóm mách lại sẽ sẵn sàng tiếp thu. Con cháu có làm sai sẽ được người lớn trong nhà mang về dạy dỗ đến nơi đến chốn, hầu như không có chuyện bênh vực. Câu cảm ơn, xin lỗi được cho là khuôn phép, chuẩn mực trong cách cư xử, lời ăn tiếng nói. 

Ngay cả trong những mối quan hệ khác, người Hà Nội rất trọng chữ tín. Nếu gạt bỏ lương tâm, dùng thủ đoạn để đoạt được quyền lợi hay địa vị cũng sẽ bị coi thường. Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ hóm hỉnh bình luận, “người Hà Nội thường ghét những thứ đồ giả”. Những kẻ trọc phú, giàu lên nhanh chóng nhờ những việc làm không chính đáng bị coi thường. Tầng lớp nho sỹ có thể rất nghèo nhưng sống rất thanh tao, nên  được trọng vọng. Nói một cách hoài cổ, đây cũng là lớp người làm cho văn hóa Hà Nội khởi sắc. Ngày xưa, đời sống vật chất thấp, người ta tìm đến cái giá trị tinh thần cao. Thời hiện đại, khi đồng tiền lên ngôi, lối sống người Hà Nội phức tạp hơn, giá trị đạo đức đảo lộn, thậm chí xuống cấp, nhiều người lại viễn tưởng muốn quay về lối sống xưa là chưa đúng. Ta không nên quá khắt khe, than vãn so sánh với những nét đẹp cũ nay trở thành “của hiếm” mà chúng ta vừa thừa kế nét đẹp truyền thống, vừa phải thích nghi cái mới và đổi mới cho phù hợp thời đại. Có ý kiến cho rằng, sự thay đổi về thành phần dân cư, cùng với sự quá tải của hạ tầng đô thị đã phá vỡ lối sống của người Hà Nội xưa. Không nên đổ lỗi như vậy. Thời gian là quan toà xét xử, cái đúng sẽ được giữ lại và cái xấu dần dần sẽ bị triệt tiêu…

(Còn nữa)