Người Việt ở New York và "kho báu" dành tặng quê hương

ANTĐ - Khi trò chuyện với kỹ sư Trần Thắng - một người trẻ ở New York (Mỹ), có lúc tôi liên tưởng đến ông ngoại anh, nhà thơ Tế Hanh để tìm những điểm tương đồng. Hơn nửa thế kỷ trước, câu thơ của Tế Hanh “Anh xa nước nên yêu thêm nước” đã làm lay động tâm hồn bao nhiêu người trẻ yêu nước sống xa Tổ quốc, thì giờ đây, việc làm của Trần Thắng cũng đã khơi dậy ở thế hệ trẻ Việt Nam khát khao hành động để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. 

Người Việt ở New York và "kho báu" dành tặng quê hương ảnh 1
Đón tàu ra thăm đảo Đá Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)


- Lý do nào thôi thúc anh bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi sưu tầm những tấm bản đồ về Trường Sa - Hoàng Sa?

- Trong năm 2012 có nhiều tranh cãi quốc tế về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước khác như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines... Cuối tháng 7-2012, TS. Mai Xuân Hồng tặng tấm bản đồ từ thời nhà Thanh 1904 cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho thấy miền nam Trung Quốc dừng lại tại đảo Hải Nam. Thông tin này lan tỏa rất nhanh, lúc ấy tôi đang đọc tin trên Internet và cũng đang tìm vài món đồ cổ trên mạng Ebay. Tôi thấy vài bản đồ Trung Hoa do các nước Tây phương vẽ giống với bản đồ nhà Thanh 1904. Tôi gửi vài ảnh về cho người bạn là TS. Trần Ðức Anh Sơn. Sau khi anh Sơn thẩm định và đánh giá là tốt, tôi quyết định mua. 

Khi ấy tôi chỉ sưu tầm các bản đồ Trung Hoa do các nước phương Tây phát hành. Khi số lượng bản đồ cổ Trung Hoa lên đến gần 60 cái, tôi mới nhận ra rằng chưa có bản đồ cổ Ðông Dương bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi tiếp tục sưu tầm bản đồ cổ có Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ cổ Ðông Dương vẽ Hoàng Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam. Các bản đồ này nguồn gốc từ các nhà sưu tầm và cửa hàng sách cổ từ các nước Mỹ, Anh, Ðức, Ý, Hà Lan, Pháp, Canada. Nguồn bản đồ tôi thu thập rất đa dạng từ nguồn gốc, đến nhà xuất bản và năm xuất bản. Giá mỗi bản đồ trung bình từ 15 USD - 75 USD. Mỗi khi phát hiện bản đồ nào là tôi vui mừng như mình vớ được kho báu cổ!

Trong thời gian thu thập bản đồ cổ, tôi phát hiện 2 sách Atlas Trung Hoa Dân Quốc Bưu Chính Dư Ðồ quý hiếm do nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh vào năm 1919 và 1933, 1 sách Atlas rất cổ vào năm 1908 do Phái bộ truyền giáo Trung Hoa phát hành tại London. Sách Atlas 1933 tôi mua lần đầu tiên tại New York. Sách này có nguồn gốc từ Ðài Loan (Trung Quốc), vừa chuyển đến New York được 2 tuần. Khi sách vừa xuất hiện trên Ebay tôi đến cửa hàng họ xem và quyết định mua ngay với giá 4.000 USD. Sách Atlas 1908 nguồn gốc từ London, tôi mua với giá 1.000 USD. Sách Atlas 1919 nguồn gốc từ Ba Lan, tôi mua với giá 5.000 USD.

Tổng số tôi sưu tầm được 150 bản đồ cổ kéo dài 400 năm từ 1626 đến 2008 bao gồm 80 bản đồ cổ Trung Hoa, 50 bản đồ có Hoàng Sa, 20 bản đồ hàng hải và châu Á tổng thể và 3 sách bản đồ Atlas. Tổng chi phí mua bộ sưu tập này là 13.000 USD.

Tôi cho rằng đây là cái duyên tôi sưu tầm tài liệu bản đồ cổ. Bộ sưu tập với số lượng bản đồ có thể nói lớn nhất nếu so sánh với bất kỳ cơ quan hay thư viện đại học nào trên thế giới. Tôi tặng toàn bộ tài liệu bản đồ cho thành phố Ðà Nẵng nơi có chương trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tôi tin rằng các bản đồ cổ Tây phương có giá trị lịch sử và tính khách quan khi định vị về lãnh thổ Trung Hoa ngày xưa chỉ dừng lại tại đảo Hải Nam. Thêm vào đó, sách bản đồ Atlas 1919 và 1933 do nhà nước Trung Hoa phát hành cũng khẳng định lãnh thổ và biển đảo của Trung Hoa chỉ dừng lại tại đảo Hải Nam. Mỗi bản đồ là một chứng cứ lịch sử, khoa học để nói về chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa và đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Là người Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Có một lực đẩy, một sự thôi thúc nào đó khiến tôi làm việc với niềm hân hoan và nhận thức được chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là thiêng liêng nhất.

- Những thông tin về Trường Sa - Hoàng Sa có gây sự chú ý cho những người trẻ tuổi Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài không? 

- Kênh tin tức thời sự của Mỹ như CNN chỉ tường thuật những diễn biến mâu thuẫn xung đột về biển đảo giữa các quốc gia, quyền lợi của mỗi nước với biển đảo. 

Giới trẻ Việt kiều tại Mỹ cũng rất quan tâm tới thông tin về Hoàng Sa và Trường Sa.

- Lĩnh vực nghề nghiệp có liên quan hay bổ trợ gì cho hoạt động sưu tầm bản đồ của anh?

- Tôi làm việc cho Công ty Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ đầu năm 2000 đến nay. Các động cơ máy bay của Pratt & Whitney trang bị cho máy bay Boeing, Airbus và chiến đấu cơ tân tiến của Hoa Kỳ. Vì thế có thể nói công việc chuyên môn của tôi không liên quan gì với công việc sưu tầm bản đồ cổ. Tuy nhiên, tôi sưu tầm nhiều đồ cổ Việt Nam, cũng vì sưu tầm bản đồ Việt Nam cổ tôi mới phát hiện ra một số bản đồ cổ Trung Hoa trên mạng Ebay.

- Sưu tầm bản đồ cổ giờ đã trở thành một sở thích của anh. Chắc hẳn, công việc này cũng để lại cho anh nhiều kỷ niệm?

- Khi đọc thông tin sách Atlas 1933 giá 5.000 USD rao bán trên mạng Ebay, và lúc đó có ở New York nên tôi đi xem ngay không chút chần chừ vì đây chính là sách do nhà nước Trung Hoa phát hành. Đến trang của tỉnh Quảng Ðông tôi thấy đảo Hải Nam được vẽ to nằm phía cực Nam. Lúc ấy tôi rất vui mừng vì biết chắc chắn sách này khẳng định, Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Truờng Sa. Sau cùng, tôi mở xem phần mục lục địa danh và đảo của Trung Quốc cũng không thấy Hoàng Sa - Trường Sa.

Nhưng lúc ấy tôi không đủ tiền để mua sách này. Hàng ngày tôi đi làm về nhà sớm xem sách có ai mua chưa, tôi gọi vài bạn bè trong nước và tại Mỹ đóng góp. Khi nói chuyện với anh Bình (đạo diễn Nguyễn Quang Bình) tôi sướng run người vì anh Bình đóng góp 3.000 USD mua sách Atlas 1933. Vài tuần sau huyện Hoàng Sa, thành phố Ðà Nẵng cũng đóng góp 3.000 USD để mua. Khi đủ tiền tôi chạy xuống New York và ôm sách về, cảm giác sung sướng vô cùng!

Rồi việc mua sách Atlas 1919 cũng lắm gian truân. Tôi phát hiện sách này sau 1 tháng khi mua xong sách Atlas 1933. Sách nằm tại Ba Lan, người chủ đã giữ nó trong 10 năm. Họ rao bán 10.000 USD!  Tôi trả giá xuống 5.000 USD và họ đồng ý bán, nhưng tôi lại không có đủ tiền. Tình cờ lúc ấy có chị bên San     Francisco nhận được email của tôi về việc sưu tầm 150 bản đồ và 2 sách Atlas nên đã ngỏ lời đóng góp. Chị và bạn bè của chị đóng góp khá nhiều tiền cùng với một số bạn bè của tôi ở Việt Nam và tại Mỹ. Cuối cùng tôi có trong tay sách quý này.

Trong thời gian đầu, nhìn bản đồ tôi thấy rất vui nhưng không hiểu lắm. Mỗi tối tôi nhìn hàng chục bản đồ soi tới soi lui, so sánh cái này với cái kia, rồi dần dần mới hiểu rõ thêm. Tôi để ý thông tin trên bản đồ, sau mới chú ý đến việc in ấn, vẽ bản đồ, chất liệu giấy. Khi mua sách Atlas 1933, người bán là chuyên gia về bản đồ, ông ta chỉ cho tôi một số cách để nhận biết bản đồ cổ.

- Dự định tương lai của anh chắc hẳn là tiếp tục các hoạt động ý nghĩa này? 

- Tôi làm công việc hỗ trợ giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2000. Rồi sau năm 2005, tôi phát triển mạng giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các đại học Hoa Kỳ và thu được kết quả rất tốt. Tôi vẫn tiếp tục theo con đường làm giáo dục để góp phần giúp nền giáo dục Việt Nam ngày một hoàn thiện và mạnh mẽ hơn.

- Cảm ơn anh và chúc anh gặt hái nhiều thành công trong năm mới!

Người Việt ở New York và "kho báu" dành tặng quê hương ảnh 2

Kỹ sư Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh. 

- Công việc chuyên môn: Làm việc tại Công ty Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney - công ty hàng đầu thế giới về không gian và động cơ máy bay.

- Công việc phi lợi nhuận: Hiện là chủ tịch, người sáng lập Viện Văn hóa - giáo dục Việt Nam (IVCE); tổ chức các chương trình văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ, và tham gia vào chương trình giáo dục tại Việt Nam…

Tin cùng chuyên mục