Người Việt Nam đầu tiên băng qua Thái Bình Dương bằng… bè

ANTĐ - Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng ông Lường Viết Lợi vẫn không thể nào quên được cuộc hành trình có một không hai của cuộc đời mình. Cuộc hành trình kéo dài 6 tháng vượt Thái Bình Dương bằng chiếc bè mảng làm bằng tre, luồng và dây mây.

Ông Lường Đức Lợi từng vượt Thái Bình Dường bằng bè luồng

500 cây luồng, 100km dây mây làm mảng

Mảnh đất Sầm Sơn đầy nắng gió nổi tiếng với bãi biển đẹp cùng những con sóng lừng đang trở thành tâm điểm du lịch của xứ Thanh. Nơi đó có một người đàn ông tên là Lường Viết Lợi hàng ngày vẫn lặng lẽ với gánh nặng mưu sinh như bao người lớn lên nhờ biển cả. Nhưng ít ai biết rằng ông Lợi từng là 1 trong 7 thành viên của đoàn thám hiểm do Tim Tim Severin (một nhà thám hiểm nổi tiếng) làm Trưởng đoàn, dùng bè mảng vượt 5.500 hải lý để chứng minh cho nhân loại thấy sự giao lưu văn hóa và kinh tế của người Việt cổ với châu Mỹ bằng những chiếc bè là sự thật.

Để tìm lại hành trình vượt qua Thái Bình Dương, chúng tôi đã tìm gặp ông Lường Viết Lợi (55 tuổi, phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong căn nhà của gia đình ông Lợi đang sinh sống, dù không gian không chật hẹp nhưng ông vẫn dành vị trí trang trọng của phòng khách để trưng bày những tấm ảnh kỷ niệm về quá trình làm mảng và vượt Thái Bình Dương đầy tự hào. Thấy chúng tôi đến, ông Lợi rất vui vẻ mời vào nhà. Vừa pha ấm trà, ông Lợi vừa nói chuyện về cuộc sống vất vả của gia đình ông hiện nay. Gánh nặng kinh tế vẫn đang đè nặng lên đôi vai ông, nhiều lúc ông thấy mệt mỏi khi nhìn lại thời trai trẻ hùng dũng bao nhiêu thì giờ lại bị gánh nặng mưu sinh đè nén xuống bấy nhiêu. Rót chén nước mời khách, bỏ qua mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống thực tại, ông Lợi nhớ lại chuyến vượt biển sang đất châu Mỹ.

Năm 1993, ngày ấy gia đình ông Lợi nghèo lắm. Nghề chính của ông là làm mộc, song những ngày rảnh rỗi ông lại theo bố đi biển. Cho đến một ngày ông gặp người ngoại quốc có tên Tim Severin (Tim), quốc tịch Ireland là một nhà thám hiểm tài ba và cũng là nhà văn nổi tiếng đến Việt Nam đề cập vấn đề làm bè mảng để vượt đại dương với ông Lợi. Khi nghe lời mời đó, ông Lợi cho rằng người ngoại quốc kia chỉ nói đùa, bởi ông nghĩ chẳng có cái bè thô sơ nào mà lại vượt qua được đại dương lớn như Thái Bình Dương. “Tôi cứ nghĩ ông ấy đùa, bởi đến tàu lớn đôi khi vượt qua Thái Bình Dương còn khó khăn huống gì chiếc bè mảng bé nhỏ, nếu đi như thế có thể bỏ mạng nơi biển khơi bất cứ lúc nào”. Nhưng khi nghe ông Tim nói về ý nghĩa của chuyến hành trình: “Trên thế giới có rất nhiều nhà khoa học nhận thấy di chỉ văn hóa ở châu Mỹ gần giống với di chỉ văn hóa ở Đông Nam Á, nhất là nền văn hoá Đông Sơn của Việt Nam. Và tôi tin rằng từ lục địa xa xôi người Việt đã vượt đại dương bằng chiếc bè thô sơ để giao lưu kinh tế, văn hóa. Tôi muốn ông giúp sức để tìm được câu trả lời” - ông Lợi nhớ lại câu nói của Tim.

Khi ông Lợi quyết định góp sức làm bè mảng và tham gia hành trình cùng đoàn thám hiểm, mọi người trong thôn, xóm đều nghĩ ông Lợi dại dột, những lời cảnh báo về sự nguy hiểm của biển đã khiến gia đình ông Lợi như “ngồi trên đống lửa”, nhất là vợ con ông khóc lóc, nài nỉ thậm chí ngăn cấm ông tham gia đóng bè. Vượt qua những ngăn cản của gia đình và xã hội, ông Lợi khát khao được vượt biển lớn để chứng minh sức mạnh, nền văn hóa của người Việt  rộng mở đến nhiều nơi trên thế giới. “Ngày đó, tôi phải quyết tâm lắm, bỏ sau lưng tất cả để có thể tham gia cùng đoàn! Tuổi trẻ mà, phải làm gì lớn lao một chút chứ. Còn bây giờ thì chịu rồi, nhiều cái trong cuộc sống hàng ngày còn khó khăn và gian nan hơn hành trình vượt Thái Bình Dương ấy chứ”, ông Lợi cười nói.

Khi tham gia cùng đoàn thám hiểm, ông Lợi  được giao nhiệm vụ phụ trách phần mộc và kiểm tra đôn đốc tổ thợ. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi vượt sóng dữ, ông Lợi và tổ thợ đã đóng thử nghiệm một chiếc bè nhỏ bằng 50 cây luồng để thử sức chịu đựng của tre luồng trong những điều kiện tồi tệ nhất.

Sau khi chiếc mảng thí điểm đã được chạy thử nghiệm với sức gió lớn và sóng dữ thành công. Nhóm thám hiểm bắt tay vào “dự án” làm mảng vượt Thái Bình Dương. Ông Lợi cho biết để làm được chiếc mảng khổng lồ, hơn 40 người thợ làm việc không kể ngày đêm gép 500 cây luồng và khoảng 100km dây mây dùng để buộc bè mảng. 

Sau một thời gian dài tích cực của những người dân vùng biển Sầm Sơn cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến tháng 3-1993 chiếc mảng đã được hoàn thành. Thiết kế mảng có kích thước dài 20m, rộng 6m, cao gần 1m với 4 lớp luồng và cứ một lớp luồng có một lớp gỗ, được buộc bằng hàng nghìn mối lạt mây. Riêng những cánh buồm được đóng ở Quảng Ninh. Điều đặc biệt là chiếc mảng không dùng một chiếc đinh sắt hay dây nilon nào.

Đến ngày 16-3-1993, chiếc mảng được làm lễ hạ thủy tại đền Độc Cước, thị xã Sầm Sơn với sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Sau khi làm lễ hạ thủy, chiếc mảng được một con tàu khác kéo ra Quảng Ninh để lắp buồm. Từ Quảng Ninh, tháng 4-1993, mảng được đưa lên tàu chở sang Hồng Kông (Trung Quốc). Đến tháng 5-1993, chiếc mảng mang hai Quốc kỳ là Việt Nam và Ireland, cùng các nhà thám hiểm bắt đầu khởi hành chinh phục Thái Bình Dương. 

110 ngày vượt Thái Bình Dương

Đã hơn 20 năm trôi qua, chuyến vượt Thái Bình Dương vẫn in sâu vào tâm trí ông Lợi. Với ông, đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân mà của người dân Sầm Sơn nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung, bởi ông là người Việt Nam duy nhất đi cùng đoàn. Ngày 17-5-1993, chiếc bè mảng mang Quốc kỳ Ireland và Việt Nam bắt đầu vượt chặng đường đầu tiên Hồng kông - Đài Loan (Trung Quốc). Ban đầu đoàn thám hiểm chỉ có 6 người, do ông Tim làm trưởng đoàn, ông Rô bác sĩ người Anh, ông Giép Phi, ông Mác là người Hồng Kông (Trung Quốc) cùng đi. Khi đến Đài Loan (Trung Quốc) đoàn thám hiểm tăng lên 7 người, bởi một người Nhật Bản tên là NiNa xin tham gia cùng đoàn. Để có thể duy trì hướng lái cũng như tránh những nguy hiểm trên hành trình, các thành viên trong đoàn phải phân chia công việc với cường độ cao. “Việc ăn ngủ, sinh hoạt trên bè chúng tôi có thời khóa biểu, thực đơn hàng ngày, phân công nhau nấu cơm và rửa bát, rất bình đẳng, còn ban đêm thì thay ca nhau trực, cứ ngủ 2 giờ thì thức 4 giờ, lúc nào cũng có 2 người thức trực” - ông Lợi nói.

Dự định chuyến đi 100 ngày nhưng phải mất 110 ngày mới tới nơi. Trên đường đi, NiNa ở lại Nhật Bản. Trong chặng đường này ông Lợi và các thành viên trong đoàn liên tục gặp những khó khăn. Và chuyến đi này đã được nhà thám hiểm Tim Severin ghi lại chi tiết trong cuốn sách “Hành trình băng ngang Thái Bình Dương bằng tre luồng”. Nhớ lại những kỷ niệm gian khó, ông Lợi nói: “Trên hành trình vượt Thái Bình Dương, chúng tôi đã gặp 4 trận bão, 2 lần suýt đụng tàu lớn và một lần gặp hải tặc. Theo phân công thì mỗi đêm một người trực 2 tiếng, tôi nhớ hôm đó là giờ của tôi trực, nhưng Tim bảo để ông ấy trực cho. Do mảng chúng tôi không có điện, không có sắt thép nên tàu đi ngược chiều không thể phát hiện, khi kịp phát hiện thì nó đã ở gần rồi. Khi đó, tôi liền chạy lại nhấc tay lái cho mảng chệch sang một bên sườn của con tàu đang lao tới, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Còn lần đụng độ với hải tặc, nó lặn xuống biển rồi leo lên thuyền của chúng tôi nên không ai biết. Rất may cho chúng tôi khi lên thuyền không có thứ gì đáng giá để cướp với lại trông chúng tôi lúc đó như người nguyên thủy nên chúng tha cho, không sát hại một ai”. Lênh đênh trên biển hàng tháng nên thực phẩm dự trữ không đủ đáp ứng cho cả đoàn, ông Lợi và các thành viên trong nhóm thám hiểm thường dùng cung để bắn cá, săn cá mập... để bổ sung năng lượng, duy trì sức khỏe tiếp tục hành trình vượt biển lớn.

Sau bao nhiêu khó khăn, đến ngày 29-9-1993 chiếc mảng chỉ còn cách bờ biển bang California, Mỹ khoảng 1.000 hải lý. Nhưng cả đoàn lại gặp phải bão lớn, trong khi đó chiếc mảng đã bị hư hỏng một phần, một số cây luồng đã bị tuột khỏi các nút. Vì chiếc mảng bị hỏng không thể điều khiển theo ý muốn được nữa, ông Lợi cùng các thành viên trong đoàn buộc phải rời mảng lên tàu trở về Tokyo kết thúc chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương. Tính từ thời điểm đi cho đến ngày 25-11-1993, đoàn thám hiểm đã  vượt qua 5.500 hải lý với quãng thời gian 6 tháng, trong đó gần 4 tháng lênh đênh trên biển cùng chiếc mảng mà 2 tháng ghé vào đất liền để tiếp tế lương thực.

Từ những cây luồng và những sợi dây mây, qua bàn tay của những người thợ thủ công mà chiếc bè mảng đã chịu đựng với sóng gió, giông bão suốt 6 tháng. Có thể nói đó là minh chứng cho sức mạnh của con người có thể chinh phục Thái Bình Dương dù chỉ bằng phương tiện thô sơ. Chắc chắn, người Việt xưa đã giỏi nghề đi biển, bằng những phương tiện thậm chí thô sơ từ thời tiền sử. Có lẽ, đây cũng là một dẫn chứng nữa về khả năng đánh bắt cá từ những vùng biển xa của người Việt cổ.