Người Việt chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2021 do Bộ Công Thương mới công bố cho thấy, người Việt đã chi mạnh tay cho điện thoại nhập khẩu, đặc biệt là iPhone.

Cụ thể, trong năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta đạt 21,4 tỷ USD, tăng 28,8% so với năm 2020 và chiếm trên 6,55% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong đó, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt 20,3 tỷ USD, tăng 31,1% so với năm 2020 và chiếm 94,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Người Việt nhập nhiều điện thoại và linh kiện nhất từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta.

Tuy vậy, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng mạnh ở hầu hết các thị trường khác như: Hồng Kông (tăng 430,7%), Đài Loan (tăng 85,1%)...

Cũng theo báo cáo này, người Việt đã chi 3,16 tỷ USD để nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc trong năm ngoái, tăng 70,8% so với năm 2020, chiếm khoảng 14,8% giá trị nhập khẩu của nhóm hàng.

Đáng chú ý, với nhóm điện thoại nguyên chiếc, kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng cao do tăng nhập khẩu điện thoại Iphone, đặc biệt là Iphone 13 (với mức tăng 159,6%). Kim ngạch iPhone nhập khẩu đạt trên 1,234 tỷ USD trong năm qua.

Đứng thứ hai là Samsung với kim ngạch 863,3 triệu USD; Oppo đạt 426,12 triệu USD. Điện thoại Xiaomi và Vivo của Trung Quốc cũng có kim ngạch nhập khẩu tăng vọt và tăng mạnh về tỷ lệ so với năm trước đó do liên tục đưa ra các mẫu mới giá rẻ, tính năng phù hợp với đông đảo giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Khoảng cách giữa kim ngạch nhập khẩu của 5 hãng điện thoại trên với các hãng sau khá lớn. Chẳng hạn, nhập khẩu điện thoại Nokia ở vị trí số 6 chỉ đạt 23,5 triệu USD - bằng 1/10 so với hãng đứng liền trước, tiếp tục giảm mạnh cho các vị trí tiếp theo như Itel (12,3 triệu USD), Masstel (8,6 triệu USD), Motorola (3,13 triệu USD), Asus (1,94 triệu USD), Sony (1,24 triệu USD).

Thực tế cho thấy, trong khoảng 2-3 năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các thị trường có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất của Apple. Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu hãng này cao do Apple chủ yếu cung cấp điện thoại ở phân khúc trung và cao cấp, khác các hãng còn lại. Trong các buổi công bố báo cáo doanh số quý, CEO Apple Tim Cook đã nhắc về Việt Nam, Ấn Độ như là những ví dụ tiêu biểu cho việc tăng trưởng tốt.

Trong đợt mở bán iPhone 13 chính hãng hồi cuối tháng 10 năm ngoái, hầu hết đại lý lớn đều báo doanh số đặt hàng kỷ lục - mặc dù hãng gặp khó khăn lớn về chuỗi cung ứng khiến tình trạng khan hàng diễn ra trên diện rộng.