Người viền nét xanh dải đất hình chữ S 

(ANTĐ) - Những ngày đầu tháng 8-2008, tin vui đã đến với giới khoa học trong nước khi Giải thưởng Quốc tế Cosmos Prize dành cho những người có cống hiến đặc biệt trong lĩnh vực môi trường của thế giới lần đầu tiên được trao cho một nhà khoa học Việt Nam. GS.TSKH.NGND Phan Nguyên Hồng đã vượt qua 4 lần tuyển chọn và trở thành người duy nhất đoạt giải thưởng năm 2008 trong số 131 ứng cử viên đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Người viền nét xanh dải đất hình chữ S 

(ANTĐ) - Những ngày đầu tháng 8-2008, tin vui đã đến với giới khoa học trong nước khi Giải thưởng Quốc tế Cosmos Prize dành cho những người có cống hiến đặc biệt trong lĩnh vực môi trường của thế giới lần đầu tiên được trao cho một nhà khoa học Việt Nam. GS.TSKH.NGND Phan Nguyên Hồng đã vượt qua 4 lần tuyển chọn và trở thành người duy nhất đoạt giải thưởng năm 2008 trong số 131 ứng cử viên đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Sở dĩ ông vượt qua được các ứng cử “nặng ký” đến từ Mỹ hay nước chủ nhà Nhật Bản... để giành giải thưởng lớn này là bởi những nghiên cứu của ông đã đóng góp vào kho tàng kiến thức thế giới về hệ sinh thái đặc biệt của rừng ngập mặn, cũng như kinh nghiệm quản lý ở khu vực.    

Những tình cảm đong đầy

Một ngày đầu tháng Tám, theo lời chỉ dẫn từ một học trò cũ của GS Phan Nguyên Hồng, chúng tôi tìm đến con ngõ nhỏ sâu hút trên con phố Sinh Từ cũ. Một ngôi nhà nhỏ bình dị nằm tận cùng không có gì khác biệt ngoài những chiếc tủ sách được chủ nhân của nó sắp xếp một cách ngăn nắp với những chồng sách, tài liệu nghiên cứu chất cao. Căn nhà riêng này cũng mới thuộc về GS Phan Nguyên Hồng gần 10 năm nay.

Chàng trai thuở nào được bố mẹ vợ thương yêu như con ruột đã gắn bó cuộc đời với gia đình nhà vợ hơn 25 năm và cũng chính tại ngôi nhà này, Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn đã từng bước hình thành. Hàng loạt đề tài được triển khai, vô vàn những ứng dụng nghiên cứu của ông về cây đước, cây sú, cây vẹt… đầy lạ lẫm với người dân đồng bằng Bắc Bộ đã hiện hữu giữa lòng Thủ đô.

Nhà giáo Ngô Kim Thu, vợ của GS Phan Nguyên Hồng chậm rãi kể về những ngày đầu ấy một cách đầy trân trọng: “Ngày đó, có lúc nhà như một cái xưởng in, toàn bộ nhân viên trung tâm, rồi cả con, cháu, các em trong gia đình cùng bị ông ấy cuốn vào việc in tài liệu, đóng sách. Còn trên sân thượng nhà thì ông ấy biến thành một khu vườn ươm thí nghiệm các cây con.

Nhìn ông ấy cùng nhân viên kỳ công mang từng can nước biển chở từ Hải Phòng về, chật vật trèo lên trần nhà để tưới cho hàng dãy cây con mới ươm, nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi công việc này sẽ đi đến đâu…”. Chuyện trò với nhà giáo Ngô Kim Thu, chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của bà ngày đó và nay, sự trân trọng đam mê của chồng với khoa học trong bà vẫn vậy.

Cũng như vậy, sự cảm phục chân thành là tình cảm của những người từng làm việc với GS Phan Nguyên Hồng dành cho ông. Nói về giáo sư, ông Trần Phú Cường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau nhớ lại: “Cũng đã 30 năm trôi qua, tôi đã chứng kiến, để nhớ, để khắc ghi cái buổi tối hôm đó tại xóm Cà Nảy, muỗi nhiều và đốt đến phồng da nhưng tôi vẫn ngồi nghe đến mê mẩn khi thầy Hồng chia sẻ những hiểu biết về rừng ngập mặn Việt Nam.

Những năm 1980 đó, thời kỳ bao cấp khiến cuộc sống, điều kiện làm việc khó khăn lắm, nhất là địa bàn của thầy Hồng và nhóm nghiên cứu lại ở Minh Hải, một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến thầy lặn lội điều tra, khảo sát những khu rừng ngập mặn Cà Mau, nơi hàng chục nghìn héc-ta rừng ngập mặn bị chất độc hóa học hủy diệt từ hậu quả tàn khốc của chiến tranh để lại.

Thầy đã từng phải nhịn đói, nhịn khát khi lạc trong rừng sâu… Đã ngần ấy năm nhưng những kỷ niệm giữa tôi và thầy không bao giờ nhạt phai. Xin tôn ông và gọi ông một tiếng là thầy dẫu tôi không phải là học trò vì đạo đức nghề nghiệp, tính chịu khó, lòng bao dung và học vấn uyên thâm của ông”.

Hồi ức một chặng đường

50 năm, hơn nửa đời người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy về bộ môn Sinh học nhưng không phải ai cũng biết, “nghiệp sư phạm” không phải là sự chọn lựa đầu tiên của ông. Hòa bình lập lại, ông thi đỗ vào ĐH Y Dược và Sư phạm.

Ông chọn Dược, nhưng sau hai tuần học lớp Dược khóa I, chàng sinh viên ham học của khu IV ngày ấy đã phải từ bỏ ước mơ của mình chỉ bởi một lý do nhà nghèo mà trường lại không có học bổng. Ông chuyển sang học ĐH Sư phạm.

Muôn vàn khó khăn, vất vả trong chặng đường đầu tiên của cuộc đời, phải cuốc bộ suốt chặng đường từ Hà Tĩnh ra Thủ đô để theo học ĐH không thể phai nhạt trong ký ức của ông. Ông nhớ lại: “Biết bao kỷ niệm vui buồn trong thời gian tôi học ĐH.

Vào những năm hòa bình đầu tiên, cùng với khó khăn của đất nước, cuộc sống của sinh viên rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Với học bổng 40kg gạo/tháng, trừ tiền ăn của nhà bếp, mỗi người còn lại 2 đồng để chi tiêu cả tháng. Những hôm làm thí nghiệm buổi chiều, nhóm sinh viên khu IV mua mấy xu khoai, vào trong vườn cây ĐH Dược ăn thay cơm trưa...”.

Tiếp câu chuyện của ông, chúng tôi được sống trong những hồi ức như định mệnh trong cuộc đời một con người; những khó khăn ngày ấy đã trau dồi sự chăm chỉ, ham học, vượt khó để phấn đấu trong sự nghiệp khoa học của chàng sinh viên ngày ấy.

Ông kể tiếp: “Qua thực tế nghiên cứu vùng ven biển, tôi đã có dịp mở rộng tầm mắt đến một thế giới sinh vật kỳ lạ ở vùng “nửa mặn, nửa ngọt”, và thế là tôi say sưa lao vào thực tiễn. Trên chiếc xe đạp Follis, ngày nghỉ đêm đi, tôi đã vượt qua những chặng đường dài gần 6.000km trong thời kỳ chiến tranh ác liệt đến các vùng ven biển miền Bắc nước ta, với mong ước tìm ra bí ẩn thiên nhiên ở đó”.

Vào cuối những năm 1960, ít người nghĩ rằng có thể làm luận án PTS trong nước và GS Phan Nguyên Hồng cũng không dám mơ ước điều đó. Thế nhưng những nghiên cứu của ông đã thuyết phục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các nhà khoa học Liên Xô cũ trong một lần đến thăm Việt Nam.

Ông đã bảo vệ thành công một trong 3 luận án  PTS đầu tiên được bảo vệ trong nước năm 1970 với đề tài “Đặc điểm sinh thái và phân bố của thảm thực vật ven biển miền Bắc Việt Nam”. Tiếp tục thành công này, năm 1991, ông đã tự tìm  tòi, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ Khoa học Sinh học đầu tiên trong nước “Thảm thực vật rừng ngập mặn Việt Nam” mà không có giáo sư hướng dẫn.

Một đời vì khoa học

Hành trình cuộc đời cũng như tên tuổi của người thầy Phan Nguyên Hồng đã đi đến nhiều nơi - trong nước cũng như nước ngoài trên cương vị GS.TSKH.NGND. Nhưng hơn cả, ông là một nhà khoa học đam mê nghề nghiệp, đam mê những tìm tòi, nghiên cứu và khám phá. Từ niềm đam mê cá nhân ấy đến những dự thảo đề án, chương trình nghiên cứu khoa học mà ông tham gia đều vì cộng đồng và thế hệ sau.

Lặn lội với vùng đất ngập mặn từ miền biển Đông Bắc nơi phủ màu xanh những cây đước, cây vẹt, cây sú... rồi lại ra vào vùng sông nước miền Nam để lội nước, lội rừng Cần Giờ, Minh Hải để mê mải với cây đưng, cây bần, cây mắm. Đó là niềm say mê, một cuộc hành trình gần nửa thế kỷ của nhà nghiên cứu Phan Nguyên Hồng.

Nghiên cứu của ông đã đem lại cho những vùng miền ông đặt chân một sức sống kỳ kiệu không chỉ của rừng cây mà còn cả người dân ở nơi vốn sống dựa vào thảm thực vật ven biển.

GS Phan Nguyên Hồng cùng với các thành viên trong Trung tâm nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn do ông sáng lập đã giúp đỡ kỹ thuật cho các địa phương trồng được hơn 20.000 ha rừng ngập mặn trong đó có hơn 18.000 ha ở 138 xã của 98 huyện trong 8 tỉnh miền Bắc từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện.

Hiệu quả đem lại là các dải rừng phòng hộ ven biển đã bảo vệ các tuyến đê Quốc gia an toàn trong các cơn bão lớn. Cũng chính từ sự sống của hệ sinh thái rừng ngập mặn này mà đời sống của người dân các xã ven biển này đã được nâng lên khi nguồn hải sản tăng nhanh.

Đến nay, tuy thầy Hồng đã nghỉ hưu nhưng sâu thẳm trong con người ông vẫn luôn cảm thấy ấm áp, thanh thản và hạnh phúc khi truyền được niềm đam mê lẫn tri thức của mình cho các thế hệ học trò.

Nhiều cán bộ được thầy Hồng đào tạo hiện đang hoạt động tích cực trong công tác nghiên cứu và giảng dạy về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn như PGS.TS Trần Văn Ba, PGS.TS Nguyễn Hoàng Trí, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, TS Lê Xuân Tuấn…

- “Tôi đã nhân rộng được một tình yêu” - GS Phan Nguyên Hồng tâm sự - Và đến hôm nay, khi mái tóc đã bạc, hành trang của ông, người bạn đồng hành thân thiết và thủy chung của ông vẫn là thế: Rừng ngập mặn Việt Nam. Cuộc đời của một nhà khoa học, một nhà giáo cũng như thế: giản dị, trầm mặc nhưng hàm chứa biết bao bí ẩn về tri thức của loài người.

Rời ngôi nhà nhỏ, trong mỗi chúng tôi niềm vui như được nhân lên khi có dịp gặp một người thầy như thế - sẵn sàng đi trên con đường có nhiều trở ngại, chông gai để rồi có được hoa thơm, trái ngọt của niềm vui, thành công và hạnh phúc.

Và chúng tôi biết, hiện có rất nhiều học trò của ông đang nối dài những khát vọng cao đẹp về khoa học của những người đi trước như ông. Ông và đồng đội đã đem lại sự hồi sinh cho hàng chục nghìn ha rừng, để tô một dải màu xanh mạnh mẽ ven theo bờ biển Việt Nam.

Và rồi từ bờ biển Đông Bắc tới vùng rừng Cà Mau, nơi tận cùng đất nước, từng đàn chim, cò trắng lại bay về làm tổ với sự bật dậy của hàng đước, hàng đưng... Đó là bức tranh tươi đẹp mà những nhà khoa học, những người thầy như GS Phan Nguyên Hồng muốn dành tặng cho thế hệ sau.

Vinh Hương - Trần Quân