Người từng hạ sát voọc ở Khau Ca

ANTĐ - Vượt gần 400km từ Hà Nội, chúng tôi tìm đến Khu bảo tồn (KBT) Khau Ca thuộc tỉnh Hà Giang để tìm người đã từng bắn hạ 62 con voọc quý hiếm mà quốc tế đang lên tiếng, tìm cách bảo tồn. Ở chốn thâm sơn cùng cốc toàn đá xám ngoét ấy, khắc tinh của loài voọc quý đã “trần tình” về một thời lầm lạc.

Đi tìm xạ thủ

Chuyện có người từng bắn hạ một số lượng lớn voọc mũi hếch ở Hà Giang được bắt nguồn từ một cán bộ dự án tại KBT Khau Ca. Nhưng chính anh cán bộ trẻ này cũng chỉ nghe thông tin mơ hồ đó trong một lần đi công tác tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Tùng Bá để dò hỏi thông tin nhưng dường như không có ai biết. Ngay chính Chủ tịch UBND xã Tùng Bá - Phạm Huy Trà cũng chưa từng nghe thông tin này chứ chưa nói tới chuyện gặp gỡ tay xạ thủ bắn voọc và thực tế câu chuyện ra sao.

Việc tìm kiếm như đi vào ngõ cụt vì cả xã Tùng Bá không ai còn nhớ, thậm chí nhiều người chưa bao giờ nghe đến câu chuyện hạ sát voọc mũi hếch tại KBT Khau Ca.

Rất may trong chuyến đi thực tế trong thôn Khuôn Phà, ông Đán Văn Viết - Trưởng Công an xã Tùng Bá cho biết, có nghe và có nhớ tên người thợ săn ấy. Đó là xạ thủ có tên là Khoan, trú tại thôn Hồng Tiến. Chúng tôi lập tức cùng cán bộ xã đến tìm gặp ông Khoan nhưng một người hàng xóm, ông Khoan đã lên rừng từ sáng.

Sau nửa ngày chờ đợi, chúng tôi cũng gặp được ông Khoan khi trời nhá nhem tối. Tiếp khách là người đàn ông da ngăm đen, dáng người gầy cao dỏng tầm tuổi 40, có đôi mắt sắc như cỏ núi. Ông tự giới thiệu mình là Đán Văn Khoan, sinh năm 1968, thành viên Đội Kiểm lâm bảo vệ rừng Khau Ca.

Tuy vậy, ông Khoan không ngại ngần nhận mình từng là nỗi khiếp đảm của loài voọc mũi hếch. Việc săn bắt voọc thời ấy là một nghề để sống không chỉ đối với ông Khoan mà còn là kế sinh nhai của nhiều tay súng khác. Có một điều mà ông Khoan cố thanh minh, thời ấy chưa thành lập KBT Khau Ca, chưa có kế hoạch bảo tồn loài voọc nên thích thì vào rừng săn bắn.

Nước mắt voọc quý

Năm 16 tuổi, ông Khoan đã theo cha đi săn khắp các cánh rừng. Từ Khau Ca đến đỉnh Tây Côn Lĩnh, không nơi nào thiếu dấu chân cha con ông, thậm chí cả huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì chỉ cần nghe đến tên Khoan đã biết đó là cha con “đệ nhất xạ thủ”.

Ông Khoan còn nhớ như in con voọc đầu tiên bị hạ trước họng súng kíp vào năm 1989. Đó là con voọc bố rất lớn, khi đang ngồi trên cây để canh gác cho cả đàn thì nghe tiếng súng nổ. Cả đàn voọc ngơ ngác nhìn nhau rồi bỏ chạy tán loạn khắp nơi. Chúng tập hợp nhau lại cách khu vực cũ không xa và lại nhìn nhau ngơ ngác vì vắng bóng con đầu đàn.

Voọc trong Khu bảo tồn Khau Ca 

 Voọc trong Khu bảo tồn Khau Ca

Sau tiếng súng, con voọc bố lăn xuống đất, chạy được vài bước qua con suối rồi ngã khuỵu. Khoan và những người thợ săn hò nhau khênh “chiến lợi phẩm” về xẻ thịt, lấy xương nấu cao chia nhau…

Ông Khoan không giấu giếm: “Có chuyến đi kéo dài cả tuần lễ, phải mang theo rất nhiều đạn dược và lương thực để phục bắn loài voọc trên các đỉnh núi. Loài voọc mũi hếch rất khôn, chúng có thể phát hiện ra người cách xa hàng trăm mét và báo động cho nhau cùng chạy. Việc bắn hạ được chúng không hề đơn giản nên mỗi con voọc chúng tôi săn được đúng là một kỳ tích”.

Ông Khoan kể tiếp, có chuyến săn ông bắn một phát trúng 3 con voọc. Con đực đầu tiên trúng đạn xuyên tim rơi xuống đất, con voọc con đang được voọc mẹ bế rơi ngay dưới gốc cây, con voọc cái trúng đạn nhưng chạy đi mất hút. Mấy ngày sau, đội săn mới tìm được xác con này bên bờ suối phía sâu trong rừng cách đó vài trăm mét.

Ông Khoan tiếp tục khoe “chiến tích”, con voọc lớn nhất bắn được nặng tới 22kg. Có đận, ông bắn được một con voọc cái, khi về xẻ thịt lại thấy một bào thai bên trong. Người xạ thủ hạ sát voọc kể tính ra mình ông đã hạ được 10 con voọc, còn nếu tính cả đội săn thì khoảng 62 con.

Năm 2003, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc cấm sử dụng súng và để đảm bảo an ninh cũng như đảm bảo cho loài voọc mũi hếch được an toàn trong khu rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang đã tích cực trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu sâu sắc về tác hại của việc săn bắn, xâm phạm đến rừng và các loài thú.

Ngay tại xã Tùng Bá, sau một thời gian tuyên truyền tới từng bản làng, từng hộ dân. Năm 2003, UBND xã đã tịch thu tổng số 165 khẩu súng kíp và súng tự chế. Nỗi lo “hàng nóng” không còn và sự đảm bảo an toàn cho loài voọc được nâng cao.

Tuy nhiên, để thu hồi được 165 khẩu súng ấy không hề đơn giản. Ông Đán Văn Viết, Trưởng Công an xã Tùng Bá cho hay: “Chúng tôi đã phải trường kỳ tuyên truyền tới từng nhà, từng người. Áp dụng pháp luật của nhà nước đan xen với tập quán và quan niệm sống của đồng bào dân tộc địa phương mới có thể thu hồi được bằng ấy khẩu súng lên UBND xã để niêm phong…”

Súng vẫn nổ trên đỉnh Khau Ca

 

Xạ thủ Đán Văn Khoan

Trở lại câu chuyện xạ thủ voọc Đán Văn Khoan, sau một thời gian săn bắn loài voọc quý hiếm này. Được sự tuyên truyền của các cán bộ kiểm lâm, ông Khoan đã từ bỏ nghề “sống bằng súng” và gia nhập đội kiểm lâm bảo vệ loài voọc mũi hếch.

Ông Khoan tổng kết, hiện ở KBT Khau Ca chỉ còn khoảng 92 con voọc mũi hếch. Với từng ấy cá thể voọc sống trong diện tích thì vẫn đủ để thực hiện kế hoạch bảo tồn.

Tuy nhiên, ông Khoan cũng thừa nhận công tác kiểm lâm bảo vệ loài voọc quý này vẫn không thể chu toàn. Hoạt động săn bắn voọc vẫn diễn ra ở KBT Khau Ca, năm 2010 đã có kẻ đem súng vào rừng bắn voọc trọng thương. Tuy nhiều khẩu súng đã bị tịch thu nhưng cách săn voọc thì vẫn tồn tại. Như cách bẫy voọc, hiện ở thôn Nặm Rìa vẫn có người sử dụng và khá hiệu quả trong việc “lừa” voọc vào bẫy.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho loài voọc quý ở KBT Khau Ca, UBND xã Tùng Bá tiếp tục phối hợp với Ban công an xã tuyên truyền về tác hại và sự nguy hiểm từ súng. Tuy nhiên, theo tập quán dân tộc tại địa phương, nhiều hộ vẫn xin làm cam kết không sử dụng súng mà chỉ để treo trong nhà, nhưng không ít hộ cố tình tránh “né” cam kết. UBND xã Tùng Bá quyết định ra tay thu hồi 13 khẩu súng kíp để đảm bảo an toàn cho loài voọc.

Ông Đán Văn Viết cho biết, hiện Đội Tuần tra KBT Khau Ca trên địa bàn gồm 9 người thay phiên nhau tuần rừng 24/24h. Tuy nhiên, do diện tích rộng, đường đi hiểm trở và ý thức người dân còn chưa cao nên việc xâm phạm tới KBT là không tránh khỏi.

Theo ông Viết, để đảm bảo an toàn cho loài voọc mũi hếch được sinh sống và phát triển không hề đơn giản. Nhà nước mà trực tiếp là Ban Quản lý KBT Khau Ca cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ dân. Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân được phát triển kinh tế, giảm tác động của con người tới rừng nhưng đồng thời người dân phải được hưởng lợi từ rừng theo tập quán sống từ ngàn đời nay.