Người tử tế

ANTD.VN - Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến chữ tử tế. Và có lý do để tin rằng, khi cuộc sống thiếu thốn điều gì thì người ta nhắc nhiều đến nó hơn thì phải. 

Người tốt cũng như người tử tế, họ luôn được có chỗ đứng trong lòng mỗi người ở sự trân trọng

Gần đây nhất, PGS Văn Như Cương, người mà khi nằm xuống, trong lễ tang chỉ còn đề duy nhất một từ trang trọng: Nhà giáo Văn Như Cương, cũng từng nói về chủ đề này. Ông dặn dò học sinh: “Các em có thể trở thành người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác, nhưng trước hết phải là người tử tế”. 

Tôi rất tâm đắc lời dặn dò này, không chỉ bởi chữ tử tế mà ông để lại mà đằng sau đó là một quan niệm. Có nhiều bậc cha mẹ từng ước ao rằng: Con không cần phải là người giỏi giang, thành đạt, con chỉ cần là người tử tế và khỏe mạnh là được rồi. Tôi cũng đã từng đề cập trong một bài viết, đó chỉ là mong ước số hai. Mong ước số một của rất nhiều đấng sinh thành là muốn con vừa thành đạt vừa tử tế lẫn khỏe mạnh. 

Bởi vậy, lời dặn của nhà giáo Văn Như Cương không phải theo mô típ: “Các con không cần phải là người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ….”, mà ông dùng từ “có thể”. Người ta hoàn toàn có thể vừa thành đạt vừa thành công và cũng vừa là người tử tế được chứ. 

Người tử tế vẫn lẩn khuất giữa những người kém tử tế hơn, nhưng dần dần họ thu vén mình lại trong thế giới riêng, bởi thời bây giờ đôi khi nói ra việc tử tế mình làm sẽ nhận lại được những cái nhìn ái ngại.

Napoleon từng nói: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Người tốt cũng như người tử tế, họ luôn được có chỗ đứng trong lòng mỗi người ở sự trân trọng, đôi khi cái tốt và sự tử tế trở nên lạc lõng hoặc điên rồ. Nhưng nó ít nhiều đem lại những tác động thay đổi nào đó. 

Ra đường bây giờ, sự tử tế bị khỏa lấp bởi rất nhiều những va chạm và xung đột xã hội. Người tử tế đâu rồi nhỉ, họ vẫn ở đâu đó thôi. Tôi thấy người tử tế ở một con ngõ nhỏ nằm sau tít tắp. Nơi đó từng có đôi vợ chồng già, vợ mù lòa và chồng bệnh tật. Ông nuôi bà bằng nghề thu mua đồng nát. Nhưng ông bảo, lâu rồi có mua được cái nào đâu, vì “Các chị ấy toàn gọi lên cho. Lúc bìa carton, lúc giấy tờ… có lúc còn cả tiền nữa. Nhưng tiền thì lúc tôi lấy lúc không”. 

Người tử tế vẫn lẩn khuất giữa những người kém tử tế hơn, nhưng dần dần họ thu vén mình lại trong thế giới riêng, bởi thời bây giờ đôi khi nói ra việc tử tế mình làm sẽ nhận lại được những cái nhìn ái ngại. 

Đinh Hữu Dư, bạn học của tôi, đồng thời cũng là đồng nghiệp được coi là một người tử tế. Thế nhưng, người tử tế đó giờ đã nằm dưới ba tấc đất. Nó ra đi khi chưa có được một mái ấm riêng mình, nó ra đi khi bao nhiêu dự định về những thư viện nhỏ, những đôi ủng bé cho trẻ em nghèo miền núi vẫn còn dang dở. 

Ai đó đã thốt lên trên trang cá nhân của mình: Tại sao những người tử tế cứ ra đi mãi thế. Thật ra, có rất nhiều người không tử tế cũng ra đi theo cách của mình. Chỉ khác một điều những người không tử tế thường ít được nhắc đến hơn. Cái “Dư” của Đinh Hữu Dư chính là sự tử tế được nhắc đến và được tiếp nối bởi những bàn tay đưa ra. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhưng không phải hành động tử tế nào cũng được thực hiện bởi những người tử tế. Hầu hết chúng ta đều nhớ những câu nói của người xưa: Kính lão đắc thọ. Yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho. Câu tục ngữ ấy nghe qua có vẻ như là lời khuyên về cách đối nhân xử thế. Nhưng ngẫm kỹ lại, nó chỉ là một vế mà thôi. Vế thứ hai, hóa ra kính lão hay yêu trẻ suy cho cùng là vì cái lợi của người thực hiện nó. Cái lợi đó là đắc thọ, là sống lâu, là được trẻ quý. 

Lại có những người làm việc thiện nhưng việc thiện đó không chỉ hướng đến người nhận, nó hướng đến người thực hiện hành vi. Đôi khi chỉ là để mua về cho mình sự thanh thản, đôi khi còn là để thể hiện ra ngoài sự lương thiện và tương thân tương ái, đôi khi cũng chỉ là để cầu mong đổi chác lại một sự ghi nhận của các đấng thiêng liêng. Rất lâu sau trong sự vị kỷ của cá nhân, tôi mới nhận ra rằng, có nhiều việc ngỡ như mình làm cho người khác, cho cộng đồng nhưng thực ra là để cho mình trước tiên. 

Ngày nay có rất nhiều người nhận mình là người tử tế, nhưng họ dùng sự tử tế của mình rất tiết kiệm, thậm chí gần như họ chẳng dùng đến bao giờ. Tôi chẳng biết xếp họ vào loại tử tế nào. 

Tin đọc nhiều