Người trong ngõ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội có bao nhiêu ngõ? Trả lời câu hỏi ấy có khi còn khó hơn câu trên trời có bao nhiêu vì sao…
Ngõ sinh ra bởi nhu cầu sống của người dân

Ngõ sinh ra bởi nhu cầu sống của người dân

Tôi không thể hình dung nổi tư duy quy hoạch đô thị của các cụ thời xưa (xưa có tư duy quy hoạch đô thị đâu, ngay cả bây giờ, tư duy quy hoạch đô thị của chúng ta cơ bản cũng vẫn mù mờ cơ mà). Nhưng tư duy tổ chức không gian sống của các cụ nó lắt léo hóc hiểm đến mức độ nào mà thành phố lại có thể có nhiều con ngõ ngoằn ngoèo nhằng nhịt nhường ấy?

Phố cổ ngõ đã đành, phố mới cũng ngõ, cứ có xây dựng, có nhà nhảy dù vào đất xen kẹt, là có ngõ. Rồi từ ngõ, nhà lại mọc, bất kể không gian thế nào, bất kể những lối đi có khi chỉ có thể lách người dắt xe, ngõ to sinh ra ngõ bé… Những lối đi hình thành chẳng theo quy luật nào ngoài quy luật mang chữ “tiện”, “tiện thể” hoặc “tùy tiện”, thì cũng như nhau…

Có lẽ những cái ngõ sinh ra đầu tiên bởi nhu cầu sống của những cư dân trong ngõ, những người may mà kiếm được một mảnh đất khả dĩ sống được, ngả được một tấm lưng hay đặt được một cái bếp, trên cơ sở không đủ tiền ra mặt phố, nên nó riêng biệt, nó chủ tâm khép kín. Ai không sống ở ngõ, lạc vào một cái ngõ bất kỳ đều giống như lạc vào mê hồn trận. Và chỉ có người trong ngõ, cũng bởi tiện, tìm cách liên lạc với những ngõ khác bằng những cái ngách hay những con hẻm, nên độ ngoằn ngoèo ngõ ngách ngày một tăng, mới biết mình đi đâu về đâu trong cái lưới nhện lằng nhằng đan nhau sau những tuyến phố Hà Nội.

Ngõ ngách Hà Nội có lẽ cũng giống như hệ thống cống ngầm Paris trong tác phẩm của Victor Hugo, khác là nó nằm trên đất, lộ thiên. Tuy nhiên, phần trời trong các ngõ ngày càng ít ỏi dần bởi cái sự đua ban công hay tường nhà lấn chiếm khoảng không gian trong ngõ ngày càng nhiều. Nó cũng phức tạp hơn, hẳn thế. Cống ngầm Paris còn có tên và đánh số đàng hoàng, chứ tìm số nhà trong ngõ phố Hà Nội thì không một bộ óc vĩ đại nào trên thế giới làm nổi. Không có công thức nào cho chữ tiện thể, đang chẵn thì lẻ, đang đầu 9 vòng về đầu 1 rồi sang đầu 8 đầu 6 như không.

Nói chung, chỉ có sống lâu trong ngõ, thì mới biết ngõ là gì. Cái khép kín của ngõ, thì là một cái khép kín không dung người lạ, cơ bản chỉ cần đủ cho cộng đồng trong ngõ sinh sống, có lẽ vậy nên mỗi ngõ Hà Nội đều có xu hướng trở thành cái một, thậm chí vài chợ nhỏ theo lẽ rất thông thường. Rồi mỗi cái chợ con con ấy, theo năm tháng, bỗng dưng thành ra một thế giới mở, mở đến chẳng biết đằng nào mà lần.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Tôi có lần lao theo một ngõ khi đi chợ Nguyễn Cao, đi vào những lối bé tý chỉ người đi bộ mới qua được, rồi có lần ra phố Trần Khát Chân, có lần lên đê, dù chỗ xuất phát vẫn thế. Chỗ nào cũng chợ, ngõ đã bé, quang gánh, hàng quán hai bên chật chội hết cả. Mỗi ngõ là một chợ, độ dài của chợ tùy thuộc vào độ dài của ngõ.

Vài chục mét ngõ bao giờ cũng đủ cả hàng rau xanh các loại, hàng tươi sống bao gồm cá tôm gà vịt lợn bò; hàng quà sáng xôi bún phở bánh cuốn, hàng cơm trưa không thể thiếu, hàng tạp hóa bán lằng nhằng mấy gói mỳ tôm và bim bim cũng phải đôi ba, thêm hàng cắt tóc gội đầu, hàng làm móng, hiệu thuốc… Cứ thế, chẳng hiểu sao phải đủ, cho dù phố lớn ngay gần đấy, trung tâm thương mại to đùng ngay gần đấy, người ta vẫn cứ trong ngõ nuôi nhau, cãi nhau, ghét và yêu nhau trong một không gian bé tí.

Tôi cứ định có thời gian sẽ đi hết các ngõ của một quận mình đang sống, là quận Hai Bà Trưng thôi, mà không thể. Phố Minh Khai thôi, có khi đến cả tỷ ngõ, phố Bạch Mai còn nhiều hơn thế, bởi dài hơn…

Hôm trước, từ một ngõ của phố Võ Thị Sáu, tôi lang thang vào lối đi giữa mấy căn nhà, bỗng thấy một cái chợ, cái chợ này dẫn ra Bạch Mai. Ngõ bé chứ không phải to và có tiếng như ngõ Quỳnh. Một cái chợ đủ hết cả như tôi kể trên, với một hàng mỳ vằn thắn hình như có tiếng nên đông khách, một lò bánh mỳ mà gần đây các chợ ngõ cũng hay có. Hàng bún chả, hàng cháo sườn, hàng đậu phụ vừa làm vừa bán…, tất tần tật trong cái ngõ con, không thiếu thứ gì mà người Hà Nội có thể nghĩ ra để ăn trong đời mình ba bữa một ngày.

Chợ cũng có một bà cụ, ngồi một chỗ, chẳng nói câu nào nhưng cả chợ biết cụ ăn gì. Chỉ ăn bánh mỳ, của lò bánh mỳ trong chợ, không ăn đồ ăn đóng gói vì sợ hóa chất. Tiền xin được, bà nhờ người ta mua bánh mỳ cho để ăn và phải mua đúng thứ bánh bà hay ăn. Cô bán bánh mỳ còn nói thêm cho người mua biết chỉ nên mua năm nghìn hai cái bánh thôi, đừng mua thêm bà không nhận đâu, cũng đừng patê giò chả kèm bánh làm gì, nếu định cho…

Bà cụ không nói năng gì, nghe nói cụ khi xưa người đâu trong ngõ, nhà cửa con cái dọn đi chỗ khác rồi, nhưng cụ cứ quay về chỗ cũ để ngồi. Dân Hà Nội thế đấy, cứ quen chỗ xưa, chẳng chịu dời đi đâu, ngay cả về ngồi đây chỉ để ăn hai cái bánh mỳ nhỏ mỗi ngày. Bà cụ ấy là một thành phần của chợ trong ngõ, chẳng ai thắc mắc. Mỗi cái ngõ, là đầy những phận người mà chẳng mấy khi người ta gặp ở mặt tiền phố xá. Một thứ nhem nhuốc thân thương có lẽ chẳng thể nào thay đổi, dù Hà Nội đô thị hóa đến mức nào.