Người trẻ tìm việc: Khi mọi ngả đường đều dẫn đến… nghề bán hàng

ANTĐ - "Nhân viên kinh doanh”, “nhân viên truyền thông”, “nhân viên marketing”… là những vị trí công việc phổ biến nhất đang được tuyển dụng hiện nay. Nhưng dù mang tên gọi thế nào, hầu hết mọi chỗ trống đều chỉ dành cho công việc… “bán hàng” (sale), khiến không ít bạn trẻ vỡ mộng.

“Chỉ sale mới cần người, càng nhiều… càng tốt!”

Vào dịp giáp Tết, nhiều sinh viên tranh thủ xin việc làm thêm để tận dụng khoảng thời gian nghỉ dài ngày và có thêm chút thu nhập, cũng như sẵn sàng cho thời gian thực tập về sau. Vậy nhưng, lướt qua nhiều trang thông tin tuyển dụng, Thúy Ng. (sinh viên năm thứ 3 của trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận thấy đa phần các công ty đều chỉ tuyển nhân viên kinh doanh, để thúc đẩy mảng tiếp cận và lôi kéo khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của họ.

“Trước đó, em từng xin làm thêm ở những nơi cần tuyển nhân viên truyền thông, với hy vọng thử sức ở lĩnh vực mới. Nhưng công việc chính thực ra vẫn chỉ là tìm danh sách khách hàng tiềm năng để gọi điện, mời chào họ dùng dịch vụ của công ty. Chung quy vẫn chỉ là nghề sale!”, Ng. chia sẻ.

Không chỉ có sinh viên, nhiều bạn trẻ đi xin việc hiện nay cũng rơi vào tình cảnh “đụng đâu cũng chỉ thấy mỗi… sale”.

Bạn Lê V. (23 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Học quản trị kinh doanh, học luật thương mại, học kinh tế quốc tế… gì gì chăng nữa thì rồi cuối cùng cũng chỉ đi làm sale, vì đó là việc dễ được tuyển nhất. Nhưng chỉ được một thời gian, những ai không phù hợp sẽ bị đào thải, mà đặc thù nghề này, đã không làm được thì cũng chẳng có mấy thù lao và công ty lại tuyển tiếp”.

Dù bán sản phẩm trực tiếp hay các loại dịch vụ theo hợp đồng, nhân viên sale luôn phải rất... "khéo mồm"

Trên thực tế, do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp nên bộ phận kinh doanh luôn được coi như “nồi cơm” của mỗi công ty, buộc những người làm sale phải rất năng động, sáng tạo và khéo léo thì mới đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả đề ra.

Trong khi đó, ở những bộ phận nghiên cứu, kỹ thuật, sản xuất…, những người đã được tuyển luôn ở trong tình trạng công việc ổn định, khác với sự biến động của bộ phận kinh doanh.

Anh Nguyễn Quốc Dân (quản lý nhân sự của một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) chỉ rõ: “Chỉ có sale thì mới cần nhiều người, người có mới mẻ, lại đông thì mới dễ có hiệu quả! Tuyển sale cũng khác với các bộ phận còn lại ở công ty. Vì ban đầu, chỉ phải trả một khoản lương cứng rất thấp, thậm chí không phải trả gì cả nếu đó là cộng tác viên sale. Còn thu nhập chính của sale dựa vào hiệu quả công việc của họ. Đó là hợp đồng mang về, cứ từ đấy mà tính ra % được hưởng. Hợp đồng càng giá trị, người làm sale càng được lợi và ngược lại”.

Cũng chính vì đặc thù như vậy nên không ít bạn trẻ chấp nhận bị đào thải, vì không làm sao kiếm được hợp đồng về.

Nghề sale: Lúc hay, lúc dở

Không thể coi “chỉ có cơ hội làm sale” là một điều dở, bởi trên thực tế, những bạn trẻ sắp hoặc mới ra trường rất cần những kỹ năng của nghề sale để làm tốt hơn công việc về sau của mình.

Anh Dân chia sẻ: “Muốn sale thành công, người làm phải có tinh thần học hỏi rất cao. Tìm hiểu xem thế mạnh, ưu điểm của sản phẩm/dịch vụ của mình là gì, điểm thiếu sót là gì, từ đó tìm ra cách tiếp thị hiệu quả. Cùng với đó, là những yêu cầu về kỹ năng mềm, cách tư duy, biết quan tâm phản ứng của người đối diện, phản ứng nhanh… Nói chung, tất cả những đòi hỏi đó của nghề sale giúp cho người làm đáp ứng tốt nhiều công việc khác về sau, dù họ không làm sale nữa”.

Cũng theo anh Dân, ở môi trường giáo dục tiên tiến, người ta thường đào tạo kèm các kỹ năng của sale vào nhiều ngành nghề, bởi kể cả khi đạt tới những vị trí cao trong công việc, như giám đốc điều hành, thì các kỹ năng sale vẫn rất cần thiết.

Để làm tốt nghề sale, đòi hỏi nhiều yếu tố như kỹ năng mềm, có bản lĩnh và biết nắm bắt tâm lý người đối diện

Bạn Dương Thu Thủy (20 tuổi, sinh viên báo chí) nói rằng, từ khi được tuyển vào vị trí cộng tác viên kinh doanh ở một cửa hàng máy tính trên phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bạn học hỏi được rất nhiều điều.

“Trước đó, em là người khá nhút nhát, luôn gặp khó khăn khi phải giao tiếp với người lạ. Nhưng một khi đã làm sale, thì không thể ‘ngậm hột thị’ mãi. Em được hướng dẫn và có nhiều cơ hội va chạm thực tế, để không chỉ bắt chuyện, mà còn phải tìm ra cách nói chuyện hợp gu với người lạ, từ đó mời chào các hợp đồng”, Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, do áp lực và đặc thù của công việc là mọi đánh giá hiệu quả đều thông qua số lượng và giá trị của hợp đồng mang về nên không ít người làm sale rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Kim Ng. (22 tuổi, nhân viên kinh doanh của công ty chuyên về dịch vụ mạng) cho hay: “Ngay từ khi được tuyển, em đã thấy ngờ ngợ. Vì công ty ưu tiên cho ứng viên là nữ, trẻ trung và có ngoại hình dễ nhìn. Trong quá trình đào tạo, chị trưởng phòng cũng thể hiện phong cách có thể gọi là lả lướt, mời chào các mối khách quen của chị ấy, cốt sao để họ đặt bút ký vào hợp đồng. Bọn em không phải ai cũng thích ứng được với cách làm việc đó”.

“Có lần, em tiếp cận một vị giám đốc cơ quan với hứa hẹn có hợp đồng giá trị mang về. Nhưng đeo bám mãi không được, vì lần nào em gọi điện liên hệ, ông ấy cũng báo bận, đang họp… nên không có dịp bàn chi tiết. Thế rồi tự nhiên vào một chiều Chủ nhật, ông ấy chủ động gọi cho em, nói là tới để… bàn hợp đồng. Địa chỉ gặp lại là một nhà hàng ăn uống chứ không phải cơ quan nào cả. Đến nơi là cuộc nhậu của các ông, và em bất đắc dĩ rơi vào cảnh làm ‘tay vịn’ cho vị giám đốc đó thể hiện trước mặt bạn bè. Sau lần ấy, em quyết từ chối vì không muốn đánh đổi quá nhiều thứ cho bản hợp đồng, dù có giá trị tới đâu”, Ng. bày tỏ.

Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, sự cạnh tranh giữa các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng lên, đòi hỏi những người làm sale phải luôn hoàn thiện mình, để vừa đáp ứng được yêu cầu công việc, vừa có bản lĩnh tránh những cạm bẫy giăng sẵn. “Nếu chỉ có cơ hội làm sale đến với mình, đừng e ngại, vì khi làm được nghề sale thì sẽ có hàng loạt cơ hội khác mở ra trước mắt”, như lời anh Dân chia sẻ.