Người tiêu dùng tin tưởng sẽ thúc đẩy thanh toán trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tiêu dùng trực tuyến là khuynh hướng được nhiều người dân lựa chọn cho tương lai. Kéo theo đó, thanh toán trực tuyến cũng được dự báo sẽ nở rộ nếu được người dùng tin tưởng.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng để thúc đẩy thanh toán trực tuyến

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng để thúc đẩy thanh toán trực tuyến

Chia sẻ tại hội thảo “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” diễn ra sáng 20-8, bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho hay, 75% người được Nielsen khảo sát cho rằng công nghệ giúp cuộc sống dễ dàng hơn; 43% người được hỏi muốn sử dụng ứng dụng (app) để mua sắm trực tuyến.

“Điều này cho thấy người tiêu dùng đã cởi mở hơn với mua sắm trực tuyến và xu hướng mua sắm này đang tăng nhanh”- bà Đặng Thúy Hà nhận định.

Liên quan đến thanh toán trực tuyến, khảo sát của Nielsen cho biết, năm 2020, cứ 10 người thì 3 người sở hữu tài khoản tài chính nào đó. Tỷ lệ này được đánh giá là còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực, nhưng đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM.

Với tỷ lệ 58% dân số trẻ, nhu cầu mua sắm cao, bà Đặng Thúy Hà cho rằng, mua sắm và thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.

Theo ông Lê Anh Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đến hết quý I/2020, số ví điện tử đã mở, kích hoạt sử dụng đạt gần 13 triệu ví với tổng số dư gần 1.400 tỷ đồng. “Số đơn vị chấp nhận thanh toán ví cũng ngày càng tăng, góp phần tích cực phổ cập tài chính tại Việt Nam”- ông Lê Anh Dũng nhận xét.

Nêu thực tiễn về vấn đề thanh toán điện tử, ông Hoàng Quốc Quyền- Giám đốc đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc cho hay, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới. Tuy nhiên, thanh toán trực tuyến tiêu dùng online vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.

Cụ thể, tại sàn thương mại điện tử Tiki, với khoảng 4,5- 5 triệu đơn hàng mỗi tháng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt.

Để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, đại diện Tiki cho rằng: “Cơ quan quản lý cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Như tôi thấy có sàn rao bán cả hàng cấm, nhưng chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên tình trạng này tái diễn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn sàn thương mại điện tử. Việc tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và đảm bảo tính tuân thủ. Phải làm cho người tiêu dùng tin tưởng thì họ mới thanh toán trực tuyến, nếu không thêm hàng nghìn ví điện tử nữa cũng không giải quyết được vấn đề này”- ông Hoàng Quốc Quyền nói.

Theo bà Đặng Thúy Hà, để thúc đẩy tiêu dùng và thanh toán trực tuyến, cần tạo thêm sự tiện lợi, tiện ích cho khách hàng từ trên sàn thương mại điện tử đến khâu thanh toán.