Người tiêu dùng “méo mặt” vì giá hàng hóa đồng loạt tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 9 lần tăng giá xăng dầu và hàng loạt nguyên nhiên liệu tăng giá kể từ đầu năm nay, giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã không thể giữ ở mức cũ mà tăng lên chóng mặt. Diễn biến này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Nhiều mặt hàng tăng giá chưa từng có

Nhận được thông tin về hàng loạt chương trình khuyến mại tại các siêu thị trong thời gian diễn ra Tháng Khuyến mại tập trung TP Hà Nội, chị Hải Vân (Nguyễn Trãi - Thanh Xuân) tranh thủ đến siêu thị mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhưng khi đứng trước các quầy hàng, chị Hải Vân lại đắn đo. “Nhiều mặt hàng dùng cho gia đình tăng giá mạnh nên dù có khuyến mại tôi vẫn phải cân nhắc. Thu nhập giảm sút do dịch bệnh nhưng chi tiêu lại tăng” - chị Hải Vân chia sẻ.

Dầu ăn và nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá mạnh, áp lực chi tiêu tăng

Dầu ăn và nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá mạnh, áp lực chi tiêu tăng

Theo chị Vân, tại các siêu thị, hóa mỹ phẩm phục vụ gia đình như: dầu gội đầu, nước giặt, nước rửa bát; giấy vệ sinh; một số loại sữa tươi; các loại trái cây và cả dầu ăn loại can 5 lít đang có giá tốt, nhưng những mặt hàng này các gia đình cũng phải mua sắm theo thời điểm. Chị Hải Vân cho biết: “Dầu ăn, muối mắm, gia vị, mì ăn liền... là các mặt hàng phải tiêu thụ hàng ngày thì giá lại đứng ở mức cao. Dịp gần đây, dầu ăn tăng giá mạnh nhất, siêu thị giảm giá nhưng là loại can 5 lít (giá bán khoảng 250.000 đồng/can, tiết kiệm được 78.000 đồng/can so với giá chưa khuyến mại - PV), gia đình dùng bình thường rất lâu mới hết, sợ ảnh hưởng đến chất lượng nên tôi không chọn. Hóa mỹ phẩm trong nhà còn nhiều cũng không cần mua tích trữ”. Vì thế, dù muốn tranh thủ mua sắm lúc khuyến mại nhưng giỏ hàng chị Hải Vân lựa chọn được lại không nhiều.

Lo lắng khi chi phí sinh hoạt tăng đang là tâm trạng chung của nhiều gia đình. Chị Thảo Trang (Đống Đa - Hà Nội) nói: “Bây giờ cái gì cũng đắt. Đổ đầy 1 bình xăng phải chi thêm khoảng 40.000 đồng so với trước kia. Thế nên mua 1 chiếc bánh rán cũng phải thêm 1.000 đồng, 1 suất ăn trưa cơm hộp cũng tăng thêm 5.000 đồng mà đồ ăn chỉ lèo tèo, không đủ nhu cầu dinh dưỡng. Lương tháng sắp không đủ chi tiêu”. Để tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh hơn, nhiều ngày chị Trang và đồng nghiệp trong cơ quan phải tự nấu cơm mang đi ăn trưa. Các nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, làm đẹp khác khi vào mùa nắng nóng của chị Trang cũng phải giảm bớt vì “thu giảm nhưng chi lại tăng”.

Theo khảo sát của phóng viên, dầu ăn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian vừa qua. Các đại lý điều chỉnh giá 3 lần trong hơn 4 tháng qua, từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít kể từ đầu năm. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000-55.000 đồng mỗi lít. Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000-85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020. Giá dầu tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ sự tăng vọt của giá nguyên liệu sản xuất. Hai năm qua, giá dầu cọ - nguyên liệu chiếm khoảng 80% giá thành dầu ăn đã tăng gấp 4 lần.

Bên cạnh đó, hàng hóa tăng giá còn có gạo, mì ăn liền, các loại gia vị, thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều người bán hàng cho biết, giá hàng hóa tăng do chi phí vận chuyển nhích lên dưới tác động của 9 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ đầu năm. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 và tình hình chính trị tại một số nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nguồn cung nguyên nhiên liệu sản xuất bị ảnh hưởng, có thời điểm đứt gãy. Chi phí sản xuất vì vậy mà tăng cao.

Để hạn chế mức tăng giá hàng hóa tiêu dùng, giảm áp lực cho người dân, theo các chuyên gia, cần thiết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh để tình trạng khan hiếm xảy ra. Cùng với đó, cần có thêm biện pháp để hạn chế mức tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào. Đối với giá xăng dầu, cần tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát lại giá cơ sở trong giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá, góp phần tạo tâm lý tiêu dùng tích cực trong nhân dân.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng; lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước như: phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng, giá xăng dầu, giá gas tăng so với trước đó. Ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương vẫn khẳng định: “Nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Xu hướng tăng giá chưa chấm dứt

Đưa ra nhận định về lạm phát xu hướng giá hàng hóa tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” vừa diễn ra, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga… gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia.

Đặc biệt, nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam là khi Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Việt Nam đang theo đuổi chính sách zero Covid, tăng trưởng của nước này chậm lại làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. “Đối với nước ta, giá xăng dầu càng tăng cao, thì càng gây khó khăn đối với nền kinh tế. Dự báo, trong năm 2022, giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Giới chuyên gia cho rằng, chỉ riêng giá xăng dầu, xu hướng tăng giá còn tiếp tục trong cả năm 2022 do thiếu hụt về nguồn cung. Theo ông Nguyễn Đức Trung - quyền Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thị trường đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ nguồn vật liệu của Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn cung rất căng thẳng, giá thì rất khó đoán.

Để hạn chế mức tăng giá hàng hóa tiêu dùng, giảm áp lực cho người dân, theo các chuyên gia, cần thiết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh để tình trạng khan hiếm xảy ra. Cùng với đó, cần có thêm biện pháp để hạn chế mức tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào. Đối với giá xăng dầu, cần tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát lại giá cơ sở trong giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá, góp phần tạo tâm lý tiêu dùng tích cực trong nhân dân.