Người tiêu dùng có quyền từ chối nhận tin nhắn, cuộc gọi rác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục này đã tiếp nhận và xử lý 220 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực điện thoại, viễn thông.
Người tiêu dùng có quyền từ chối tiếp nhận cuộc gọi rác

Người tiêu dùng có quyền từ chối tiếp nhận cuộc gọi rác

Theo Cục CT&BVNTD, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác) đã gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt thường ngày của nhiều người dân nói chung.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 220 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực điện thoại, viễn thông. Nội dung phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào việc bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn và cuộc gọi rác; quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng...

Để tránh bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhẳn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Cục CT&BVNTD lưu ý người tiêu dùng đang sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet về các quyền sau đây:

Một là, có quyền phản ánh, cung cấp bằng chứng, chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác với các doanh nghiệp.

Hai là, người tiêu dùng được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo. Do vậy, khi nhận được các tin nhắn quảng cáo không mong muốn, người tiêu dùng có thể thể hiện quyền từ chối bằng cách soạn tin theo cú pháp đã được hướng dẫn trong tin nhắn quảng cáo ban đầu.

Ngoài ra, người tiêu dùng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử, người quảng cáo và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Trong trường hợp nhận được các tin nhắn quảng cáo mà không đề cập nội dung hướng dẫn cách từ chối, người tiêu dùng có thể liên hệ tới các doanh nghiệp viễn thông để được hỗ trợ.

Cũng theo Cục CT&BVNTD, Khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hành vi “quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng” bị cấm.

Ngoài ra, từ ngày 1/10/ 2020, hành vi “gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo” có thể bị xử phạt hành chính từ 80 đến 100 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP mới được Chính phủ.