Người thường uống C2, Rồng đỏ phải làm gì?

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng tin về việc Công ty URC bị phạt hơn 5,8 tỷ đồng do bán nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc đã từng sử dụng sản phẩm này bày tỏ sự lo lắng, hoang mang về nguy cơ bị nhiễm chì.

Một số người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm mang nhãn hiệu C2, Rồng đỏ

“Chờ được vạ thì má đã sưng”

Là người đã sử dụng sản phẩm C2 trong thời gian khá dài và coi đây là loại nước giải khát chính của cả gia đình, chị Đặng Thị Ngọc Lan ở đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, hầu như ngày nào gia đình chị cũng uống từ 3-5 chai C2, trong đó 2 cháu bé con chị uống nhiều nhất. Do nghĩ sản phẩm này trước khi đưa ra thị trường đã được kiểm định về chất lượng nên chị Lan khá yên tâm.

Đùng một cái, thông tin sản phẩm này bị cơ quan chức năng mang đi kiểm nghiệm, rồi nhà sản xuất bị phạt hơn 5,8 tỷ đồng vì phát hiện sản phẩm nhiễm chì vượt mức cho phép khiến chị Lan rất lo lắng. 

“Dù số tiền phạt khá lớn nhưng nó chỉ giải quyết được phần ngọn và chưa tương xứng với nguy cơ về sức khỏe mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Kết quả này cũng đồng nghĩa với thời gian qua chúng tôi đã mất tiền mua “thuốc độc” về uống.

Đành rằng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ bị thu hồi, song với những người dân đã sử dụng những chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì thì ai có trách nhiệm bồi thường cho họ? Đáng thương nhất là các cháu nhỏ, nếu cơ thể bị nhiễm chì sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đối với thể chất lẫn trí tuệ. Tới khi thấy được hậu quả, chúng tôi biết tìm ai mà bắt đền, hay “chờ được vạ thì má đã sưng”, chị Lan bức xúc.

Không chỉ chị Lan mà nhiều người tiêu dùng khác cũng tỏ ra bất bình. Chị Nguyễn Thu Thủy, ở Vĩnh Phúc, Ba Đình bức xúc: “Nếu như ăn phải thực phẩm kém chất lượng, ngộ độc ngay tại chỗ thì cũng còn biết được nguyên nhân tại đâu và truy cứu được trách nhiệm của ai. Đằng này dùng một thứ tưởng là an toàn suốt một thời gian dài, nhiễm độc từ từ, thì ngay cả khi sự việc đã bung bét ra thế này cũng khó mà quy trách nhiệm được”.

Chính vì vậy, mối quan tâm chung của họ trong thời điểm này là cần làm gì để biết cơ thể có bị nhiễm chì hay không, nếu có thì cách thải loại ra sao?

“Doanh nghiệp thì tự tung tự tác bày bán sản phẩm tràn lan, dùng mọi hình thức để quảng cáo, thổi phồng giá trị sản phẩm nhằm thu lợi. Chúng tôi bỏ tiền ra để mua và sử dụng một loại sản phẩm gây hại cho sức khỏe của bản thân mà không hề biết. Bây giờ có bị nhiễm chì thị chắc gì họ đã nhận là do sản phẩm của họ, vì người tiêu dùng còn ăn, còn uống những thứ khác trong suốt thời gian qua. Thế nên chỉ biết hỏi trách nhiệm của các nhà quản lý. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm hình sự người liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng đối với những cá nhân đã sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng”, anh Vũ Bảo Nam ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên đề xuất.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng về việc bảo vệ quyền lợi của họ khi phải sử dụng sản phẩm kém chất lượng, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Việc URC bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật này.

Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về phía người tiêu dùng, họ có thể lựa chọn một trong các phương thức: Thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện ra tòa.

Người tiêu dùng đã mua, sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng sau khi đi kiểm tra sức khỏe nếu phát hiện có lượng chì cao hơn mức cho phép do việc uống các loại nước trên cần lưu giữ toàn bộ kết quả lại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường. Bởi, theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải có mối quan hệ nhân quả, việc chứng minh cần căn cứ trên các xét nghiệm, kết luận về y khoa của cơ quan y tế có thẩm quyền hay trưng cầu giám định.

Thực tế, điều này không hề đơn giản. Bên cạnh đó, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng là lâu dài nên khó chứng minh mức độ thiệt hại của người tiêu dùng tại thời điểm hiện tại.

Ngoài người tiêu dùng, các đối tác, doanh nghiệp, đại lý… của nhà sản xuất đồ uống trên nếu bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng có thể khởi kiện công ty này và yêu cầu đòi bồi thường. Bằng chứng họ đưa ra là hóa đơn nhập, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền…

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, Bộ luật Hình sự hiện hành mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Do đó, cơ quan chức năng có thể xác định trách nhiệm cá nhân có liên quan để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đáng buồn là đến thời điểm này, nhà sản xuất các sản phẩm trên vẫn chưa có phản hồi tới người tiêu dùng về những lô hàng có hàm lượng chì cao hơn mức công bố. Sự việc trên cho thấy tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức đáng báo động, không chỉ diễn ra tại những hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà còn với cả những doanh nghiệp lớn.

Nó thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cơ quan chức năng. Và thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng, những người vừa bị mất tiền, mất niềm tin, hàng ngày vừa ăn uống vừa nơm nớp lo.

“Khi uống phải nước nhiễm chì, người lớn chỉ hấp thụ khoảng 3-10%, song trẻ em sẽ hấp thụ khoảng 40-50% lượng chì hòa tan trong nước vào cơ thể. Tình trạng nhiễm độc trên người được chẩn đoán bằng xét nghiệm lượng chì trong máu.

Do vậy, những người đã từng sử dụng các sản phẩm C2, Rồng đỏ cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế  để làm các xét nghiệm tổng quát, nếu phát hiện các triệu chứng y khoa thì cần khẩn trương chữa trị kịp thời”, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E tư vấn.

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Doanh nghiệp phải bồi thường cho người tiêu dùng

Đứng trên góc độ của người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn - đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, do nguyên liệu đầu vào không đảm bảo nên nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép.

Sau khi bị phát hiện những lô sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp thu hồi, song một lượng lớn sản phẩm đã được tiêu thụ.

“Rõ ràng, Công ty URC đã không cung cấp sản phẩm đáp ứng chuẩn mực chất lượng theo quy định, gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở 2 khía cạnh. Một là người tiêu dùng đã phải bỏ một khoản tiền ra mua sản phẩm không đúng với giá trị của nó. Hai là họ bị ảnh hưởng sức khỏe vì sản phẩm không an toàn. Theo Điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp có trách nhiệm phải bồi thường cho người tiêu dùng”- ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Theo đại diện của VINASTAS, số tiền hơn 5,8 tỷ đồng xử phạt URC chưa nói lên được mức độ thiệt hại thực sự của những người đã tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp này. Mức phạt này có thể hiểu đã bao gồm cả số tiền thu hồi từ thiệt hại vật chất của người mua, nhưng để trả lại cho từng cá nhân cụ thể thì không khả thi.

Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ việc người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không thể bồi thường cho từng cá nhân, chẳng hạn việc cây xăng gắn chip để gian lận xăng dầu hay thực phẩm chức năng có chứa chất độc hại. Vì vậy, để công bằng với người tiêu dùng, số tiền này nên được trích một phần để phục vụ các hoạt động bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, như thông qua các hiệp hội, tổ chức…

“Cơ quan quản lý nên trích một phần tiền phạt vào một quỹ phục vụ các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, trong đó VINASTAS là một ví dụ”- ông Vương Ngọc Tuấn kiến nghị.