Người thành thị Việt Nam ăn quá nhiều thịt

ANTĐ - Nếu như một người Nhật Bản ăn trung bình 26kg thịt mỗi năm thì người dân ở Việt Nam ăn bình quân 32,2kg thịt/năm, trong khi các khẩu phần khác như cá, rau xanh, quả chín lại đạt rất thấp. Khẩu phần ăn thiếu hợp lý đang khiến nước ta phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng.


Người thành thị Việt Nam ăn quá nhiều thịt ảnh 1
Ăn quá nhiều đạm, chất béo có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gout...

Bữa ăn bị… mỡ hóa
Kết quả điều tra quốc gia về dinh dưỡng lần thứ 4 ở nước ta vừa được Bộ Y tế công bố ngày 4-4 cho thấy, bữa ăn của người dân Việt Nam đang ngày càng mất đi tính đa dạng, thiếu cân bằng và bị… mỡ hóa, đạm hóa giống như tình cảnh mà nhiều nước phương Tây đang phải ứng phó. Điều quan ngại hơn là tổng năng lượng bình quân trong một bữa ăn của người dân nước ta còn thấp hơn rất nhiều so với khẩu phần năng lượng tối ưu mà nhiều nước đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc, song hàm lượng mỡ, đạm trong bữa ăn của người Việt Nam lại cao hơn. Cụ thể, người Việt Nam có tổng năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày đạt 877,2 gram thực phẩm (các nước tiên tiến đạt 1.200 gram thực phẩm/ngày), trong đó có đến 188 gram là từ thịt động vật, chỉ có 60,8 gram từ quả chín còn tỷ lệ rau xanh chỉ đạt khoảng 160gram/ngày, bằng một nửa so với khẩu phần rau xanh được khuyến cáo trong bữa ăn ( 300 gram/ngày). Tiêu thụ năng lượng do gluxit giảm dần, ngay vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi bữa ăn hàng ngày có năng lượng cung cấp do gluxit cao nhất cũng chỉ là 70%... TS. Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bữa ăn truyền thống của người Việt Nam vốn rất đa dạng, gồm nhiều chất xơ, rau xanh… tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập, chế độ dinh dưỡng của người Việt trong 10 năm qua đã thay đổi rất nhiều và ngày càng bất hợp lý. Khẩu phần ăn lành tính được các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế khuyến cáo là ăn nhiều rau, quả, cá, ít thịt song ở nước ta thì ngược lại. Trong 10 năm qua, lượng thịt tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi còn rau xanh lại giảm đi. Cách đây 10 năm, phần trăm năng lượng do protein chỉ chiếm 11% thì nay đã tăng lên hơn 15%, tỷ lệ năng lượng do lipid đã tăng lên gấp đôi. Đặc biệt ở vùng thành thị, bữa ăn hàng ngày của người dân có quá nhiều đạm, mỡ, số trẻ em sử dụng các đồ ăn nhanh nhiều thịt, mỡ ngày càng phổ biến… Cũng theo TS. Tuyên, hiện bình quân trong khẩu phần ăn của người dân nước ta có 84 gram thịt, 59,8 gram cá. Ở các nước tiên tiến, dinh dưỡng được khống chế ở mức dưới 20% chất đạm trong khẩu phần năng lượng bữa ăn hàng ngày, chất béo khuyến cáo ở mức dưới 20% và không được quá 25%, trong khi ở nước ta hàm lượng chất đạm và béo trong khẩu phần bữa ăn hàng ngày đã đến ngưỡng trên và rất khó kiểm soát, khống chế được. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất, sức khỏe của người dân.Gánh nặng kép về dinh dưỡng Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, vẫn còn đến 1/3 trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất trên thế giới. Cuộc điều tra cũng cho thấy có sự khác biệt về điều kiện kinh tế xã hội giữa các tỉnh, thành, nhất là với các vùng miền khó khăn trong tiếp cận đủ dinh dưỡng như miền núi, vùng thường xuyên gặp bão lụt, thiên tai. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng. TS. Tuyên cho biết, đây là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng xảy ra trong 1.000 ngày đầu đời, do đó nếu trẻ sinh ra tại các vùng miền bị lũ lụt, dinh dưỡng không đủ, nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất lớn và hầu như không thể khắc phục trong quá trình phát triển thể chất sau này. Trong khi đó, những năm gần đây chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng rất nhanh của tình hình thừa cân/béo phì, nhất là ở vùng thành phố. Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện gần 6% trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đang bị thừa cân và béo phì, tỷ lệ này đạt tới 12 - 15 % tại các thành phố lớn, cao hơn 6 lần so với kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2000. PGS.TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ này là 8,3%, cao nhất là TP Hồ Chí Minh lên tới 19%, có nghĩa cứ 5 trẻ trong độ tuổi học đường thì có 1 trẻ bị thừa cân béo phì. Không chỉ trẻ em, nhóm tuổi thanh niên trở lên cũng có tỷ lệ béo phì rất cao, tăng nhanh nhất ở nhóm 50-60 tuổi. Thực tế chỉ ra, tổng chi phí mà xã hội phải bỏ ra để điều trị các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì như tim mạch, rối loạn chuyển hóa… đang ngày càng tăng và là gánh nặng rất lớn cho xã hội.