Người tâm thần bị lạm dụng tình dục: Lỗi lầm của người tỉnh

ANTĐ - Liên tiếp xảy ra các vụ hiếp dâm người tâm thần, gây hậu quả nặng nề cho các nạn nhân. Tuy nhiên, lỗi lầm nhiều khi lại thuộc về những người làm cha mẹ không có ý thức trông nom, bảo vệ con cái mình. 

Cười trong nước mắt

Em Lê Thị Hòa (Hà Nội) đã 19 tuổi nhưng vẫn hồn nhiên như đứa trẻ lên 3. Từ lúc còn nhỏ, em đã bị viêm màng não, tuy không bại liệt nhưng lại ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, ai nói gì cũng lại cười hềnh hệch, chỉ nói được vài từ. Ban ngày, em đi tha thẩn khắp xóm trên, làng dưới, chơi đùa với trẻ con, chiều tối lại về. Vì thế, cha mẹ cũng để mặc. 

Dáng vẻ phổng phao của em lại “lọt mắt” một cậu thanh niên mới lớn trong xóm. Chỉ với cái kẹo, cậu ta đã rủ em vào lò gạch cũ và giở trò đồi bại. Đến khi phát hiện con gái cứ ngồi đấm bùm bụp vào cái bụng lùm lùm, cha mẹ Hòa mới giật mình. “Sinh con bị ngớ ngẩn, tôi cũng đành chấp nhận nuôi báo cô cả đời. Nó lang thang, bẩn thỉu, ai nghĩ rằng lại có kẻ khốn nạn đang tâm cưỡng bức nó”. 

Theo bà Trịnh Thị Lê - cán bộ dự án Xương rồng vẫn nở hoa (Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng), trường hợp người khuyết tật nói chung và người tâm thần nói riêng bị lạm dụng tình dục không ít. Có em bị lạm dụng nhiều lần, mang thai lớn gia đình mới phát hiện nên phải sinh con. Có em chỉ bị động kinh thể nhẹ nhưng sau khi bị hiếp dâm thì bệnh trở nặng, điên loạn, la hét, cha mẹ phải đưa đi bệnh viện. Đối với những trường hợp tâm thần nhẹ, khi cán bộ dự án hỏi “đã quan hệ tình dục chưa” thì đa số các em đều trả lời “chưa”. Nhưng khi cán bộ dùng cử chỉ để “miêu tả” thì các em cho biết: “thằng A, ông B hay làm thế”. 

Bà Lê cho biết, đa số các vụ lạm dụng người tâm thần, thậm chí khuyết tật đều không được tố cáo. Một mặt, mọi người thường không có bằng chứng, không có lời tố cáo của người bị hại, thậm chí biết mười mươi thì cũng giấu đi cho đỡ xấu hổ. Không ít cha mẹ cho rằng người khuyết tật, tâm thần là vết nhơ của gia đình, là nỗi xấu hổ của dòng tộc nên không muốn có việc ầm ĩ. “Nếu bắt được quả tang thì họ thường tự giải quyết với nhau, đòi bồi thường tiền bạc chứ ít khi lo lắng đến tổn hại tinh thần, sức khỏe của người bị hại” - bà Lê cho biết. 

Cần quan tâm hơn đến người tâm thần

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga - Trưởng văn phòng Luật sư Hằng Nga (Hà Nội) cũng chia sẻ, theo điều 111 Bộ Luật Hình sự, tội hiếp dâm sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm, nhưng hiếp dâm người tâm thần có thể bị xử phạt nặng hơn vì đó là hành vi trái đạo đức. Tuy nhiên, không  ít thanh thiếu niên sau khi phạm tội hiếp dâm đều hối hận và sợ hãi. Các em có hiểu biết pháp luật hết sức nông cạn, hời hợt, không lường trước được hậu quả. Một số em không nghĩ “đi tù lại đáng sợ như vậy”, em khác thì lại nghĩ “hiếp dâm mà bị phát hiện thì chỉ bị lên án, phê bình là cùng”, có em lại cho rằng “người bị hại sẽ không dám tố cáo, không thể tố cáo”. “Ngoài thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều em phạm tội hiếp dâm do bị tác động của phim ảnh sex khi lang thang suốt ngày trên mạng. Trong khi đó, cha mẹ lại không quan tâm, để ý đến những thay đổi tâm sinh lý của con để kịp thời uốn nắn, hướng dẫn hành vi của con” - bà Nga cho biết. 

Bà Trịnh Thị Lê chia sẻ, để bảo vệ người khuyết tật nói chung và người tâm thần nói riêng, gia đình cần phải chú trọng chăm sóc và hướng dẫn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho con. Người khuyết tật vẫn có nhu cầu yêu thương, nhu cầu tình dục và gặp các vấn đề sức khỏe sinh sản như người bình thường. Họ lại ít cơ hội tiếp xúc với các kênh thông tin nên cha mẹ vẫn là người chia sẻ gần gũi nhất. 

“Người tâm thần tuy không nhận thức được đầy đủ những lời người khác nói, tuy nhiên, tùy từng mức độ nhận thức, đối với các hành động lặp đi lặp lại, họ vẫn nhận biết được. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho con biết một số hành vi, cử chỉ mà người khác “không được phép” làm đối với mình hoặc nếu có ai “làm như thế” thì con phải mách cho bố mẹ biết để kịp thời ngăn chặn. Đồng thời, gia đình cần quan tâm, quản lý chăm sóc đến người tâm thần nhiều hơn” - bà Lê cho biết. 

“Cần giáo dục cho thanh thiếu niên mới lớn những kiến thức về sức khỏe sinh sản và kiến thức pháp luật để các em có thể kiểm soát hành vi và biết được hậu quả việc mình làm. Tuy nhiên, việc hướng dẫn phải thông qua các vụ việc cụ thể, phân tích hành vi nào không được, hành vi nào nên tránh, hậu quả trực tiếp là gì. Nếu chỉ tuyên truyền kiểu “đọc văn bản” thì sẽ chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi” - Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga.