Người sử dụng đất được mở rộng quyền

ANTĐ - Nhằm cụ thể hoá những quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, sáng 28-2 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời phân tích những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Việc triển khai các dự án được quy định một cách chặt chẽ hơn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)       (Ảnh minh họa)

Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai

Ông Lê Thanh Khuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Cụ thể, trong Chương II quy định quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai: Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức, thời hạn sử dụng đất, quyết định thu hồi đất, trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, định giá đất…Về trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, cơ quan quản lý đất đai và tổ chức dịch vụ công về đất đai, công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn; những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất…

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Chương V cũng có nhiều điểm mới. Theo đó, quy định việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ trên còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng thu hẹp đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và các trường hợp còn lại; Sửa đổi thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ thẩm quyền chung của UBND sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND (Điều 57).

Tạo quỹ đất “sạch”

Ông Lê Thanh Khuyến cho biết, hiện nay một trong những vấn đề được người dân và dư luận quan tâm đó là việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, tại chương VI đã dành hẳn 3 mục, 32 Điều từ Điều 59 đến Điều 90 để quy định về những vấn đề trên. Cụ thể, các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất, trong đó có các trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, đồng thời khắc phục tình trạng tuỳ tiện trong thu hồi đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn bổ sung thêm các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gồm “sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, hải đảo”, “sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. UBND cấp tỉnh lập Quỹ phát triển đất để ứng vốn nhằm chủ động tạo quỹ đất “sạch” theo kế hoạch sử dụng đất, ứng vốn để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất, xây dựng khu tái định cư, thực hiện đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất bị thu hồi; Quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và huy động từ các nguồn vốn khác (Điều 106).