Người sở hữu kho tiền cổ nặng 6 tấn

ANTĐ - Vì quá đam mê tiền cổ anh Nguyễn Văn Thạo (50 tuổi, trú phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) đã bỏ công việc là một cán bộ thủy lợi để đi mua tiền cổ. Sau hơn 20 năm sưu tầm, anh đã sở hữu trong tay một khối lượng tiền cổ nặng gần 6 tấn.

Người sở hữu kho tiền cổ nặng 6 tấn ảnh 1Anh Thạo và những đồng tiền cổ anh sưu tầm được

Kho tiền cổ

Căn nhà nơi gia đình anh Thạo đang sinh sống được bạn bè anh ví là một kho tiền cổ. Nhà 3 tầng, anh Thạo dành một khoảng diện tích lớn ở cả 3 tầng sắp xếp gọn gàng, tươm tất từng loại tiền cổ theo từng niên đại, thời kỳ mà anh sưu tầm được. 

Niềm đam mê sưu tầm tiền cổ với anh cũng thật tình cờ, ngày nhỏ mỗi khi thấy ai đi đâu đào được tiền cổ, anh đều tìm cách mua bằng được rồi mang về nhà cất giữ. Sau này, khi trở thành một cán bộ ngành thủy lợi, trong một lần đi qua điểm buôn bán đồng nát, thấy những đồng tiền cổ méo mó, gỉ sét đang được cân đo, đóng vào bao để bán sang Trung Quốc, anh Thạo đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại bằng được rồi mang về nhà cất. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, anh bảo: “Loại tiền đồng xu này quý lắm, nó là cả một kho tàng lịch sử của dân tộc, thấy họ bán sang Trung Quốc tôi tiếc lắm, lúc đó chỉ nghĩ phải mua lại cho bằng được. Mua về lau chùi sạch sẽ, mỗi lúc đi làm về mang ra ngắm thấy sướng lắm”.

Tranh thủ sau những giờ làm việc ở cơ quan, anh đi xe máy tìm đến những điểm buôn bán phế liệu tìm mua tiền cổ. Để mua được nhiều, anh tìm cách đi gặp từng người buôn đồng nát cho họ số điện thoại của mình, khi mua được tiền cổ họ sẽ gọi anh đến lấy. “Lúc đó mỗi kg tiền cổ giá chỉ 10.000 đến 20.000 đồng, mình bỏ tiền ra mua với giá cao hơn chủ buôn đồng nát nên cứ có là họ lại gọi cho mình”, anh Thạo kể.

Số tiền cứ thế ngày một nhiều lên. Để hiểu hết giá trị của từng đồng tiền, anh Thạo đã dành thời gian nghiên cứu sách vở, tìm hiểu lịch sử để xác định cho bằng được, đồng tiền cổ mình tìm được có từ niên đại, thời kỳ lịch sử nào. Càng tìm hiểu, máu me mê tiền cổ càng ngấm sâu, thế rồi đầu năm 1990, anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian đi sưu tầm tiền cổ trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè, làng xóm. Anh kể: “Thấy mình nghỉ việc đi tìm tiền cổ ai cũng bảo điên, cả nhà ai cũng lo vì bỏ việc rồi lấy tiền đâu mà nuôi con, thế nhưng niềm đam mê nó ngấm rồi, không dứt ra được. Mỗi lúc cầm đồng tiền cổ lên soi, tìm hiểu về lịch sử của từng đồng tiền thấy sướng, hạnh phúc vô kể. Mới đó mà đã hơn 20 năm tôi theo cái đam mê này rồi”.

Hành trình đi tìm tiền cổ

Hành trình lang thang lang tìm tiền cổ của anh Thạo không hề đơn giản, để có kinh phí phục vụ cho cái thú đam mê điên rồ của mình, anh phải làm đủ thứ việc để kiếm tiền, ăn tiêu cực kỳ tiết kiệm, dè xẻn để lấy tiền xăng đi đây, đi đó. Ban đầu là những xã, huyện lân cận. Về sau, cứ nghe ở đâu đào được tiền cổ, dù xa thế nào anh cũng đánh xe đến tận nơi để tìm mua cho bằng được. Có những chuyến đi sưu tầm tiền cổ kéo dài cả tháng. 

Kể về kỷ niệm những lần đi sưu tầm ấy, anh Thạo vẫn nhớ như in chuyến đi lên Hà Giang. Lần đó, nhờ một người quen báo tin, một người dân ở Hà Giang đào được một hũ tiền cổ, đường sá xa xôi, mưa gió, rất khó đi nhưng anh đã chạy “con” xe máy Minsk lên đến nơi để hỏi mua, khổ nỗi lên đến nơi già làng lại quyết định không bán. Không nản chí, anh tìm cách ở lại thuyết phục nhưng không kết quả gì, đến lúc tiền trong người sắp hết anh đành đánh xe về xuôi, còn bao nhiều cá cơm anh biếu lại hết cho dân bản. Nhưng về đến nhà anh tiếc nuối vẫn thôi thúc anh khiến anh thao thức không thể nào ngủ được. Gom được ít tiền anh Thạo quyết định ra chợ mua một ít cá khô để lên biếu bà con, rồi ở lại tìm cách thuyết phục già làng mua cho bằng được. Lần này, hiểu được tấm lòng của anh, già làng đã quyết định biếu anh. “Lúc đó tôi vui mừng đến không cầm được nước mắt, lần đầu tiên tôi thấy được một chum tiền nhiều và giá trị đến như vậy, ban đầu già làng và người dân không bán cho tôi vì họ sợ tôi mua về để bán sang Trung Quốc, họ sợ mất đi những đồng tiền quý giá mà cha ông để lại”, anh Thạo nói.

Chỉ tay vào một hũ tiền cổ được lau chùi sạch sẽ, được để trang trọng trên chiếc bàn ở phòng khách, anh Thạo kể, hũ tiền đó được anh mua tận trên Lạng Sơn từ gần chục năm trước, đây là loại tiền cổ của thời nhà Nguyễn, ngày đó khi vừa nhận được thông tin từ một người bạn, trên Lạng Sơn có một đôi vợ chồng đào được hũ tiền cổ. Nghe vậy, anh khăn gói lên đường, tìm đến tận nhà đôi vợ chồng kia để nài nỉ mua cho bằng được. “Nhận được thông tin tôi phải đánh xe đi mua luôn vì sợ họ bán mất, nhiều lần nhận được tin nhưng khi đến người ta bán mất rồi nên tiếc lắm”, anh Thạo tâm sự.

Lưu giữ để con cháu biết về lịch sử dân tộc

Cho đến nay, anh Thạo đã sưu tầm được gần 6 tấn tiền cổ. Giới chơi tiền cổ ở Bắc Ninh thường gọi anh là “ông vua tiền cổ”. Anh Thạo chia sẻ: “Trong gần 6 tấn tiền cổ mà tôi sưu tầm được có đủ các mệnh giá, nhiều đồng tiền rất quý, đó là những đồng tiền từ ngày mới sơ khai lập nước. Từ những đồng tiền thời Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh, đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của Vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn”. Có những đồng tiền anh cất đặt cẩn thận trong tủ kính, có thứ anh để trong chum, trong ché. Dẫn chúng tôi đi xem tiền cổ, anh Thạo chỉ tay vào từng đồng tiền rồi giới thiệu, đây là đồng tiền thời Lê, đây là đồng tiền thời nhà Đinh, đây là đồng tiền thời nhà Nguyễn, rồi vui vẻ nói về sự ra đời của những đồng tiền ấy.

Nói về việc bỏ cả một công việc ổn định để đi sưu tầm tiền cổ, anh Thạo cười xòa: “Cũng chỉ vì đam mê thôi, phần nữa là vì tôi sợ những đồng tiền đó sẽ bị bán sang Trung Quốc mất, nếu bán hết thì làm sao thế hệ sau hiểu được những đồng tiền mà trước đây cha ông mình sử dụng như thế nào, làm sao con cháu sau này hiểu hết về lịch sử, nghĩ vậy nên tôi mới bỏ công sức ra sưu tầm”.

Biết anh Thạo sở hữu một khối lượng tiền cổ lớn, rất có giá trị, nhiều đại gia, người mê tiền cổ ở khắp nơi tìm đến mua với giá rất cao nhưng anh Thạo không đồng ý. Với anh Thạo, thời điểm khó khăn nhất, sau khi anh bỏ việc để thực hiện đam mê đã trôi qua, ở thời điểm đó có những lúc trong nhà không còn tiền, không còn gạo ăn, anh đã phải mang sổ đỏ đi cầm cố để vay tiền đi mua đồ cổ. “Cuộc sống bây giờ không giàu có gì về vật chất nhưng tình thần rất thoải mái, có được khối lượng tiền này trong tay tôi rất yên tâm, yên tâm vì mình đã giữ được một phần lịch sử của dân tộc cho con cháu đời sau”.

Ngoài ra, anh Thạo còn sưu tầm nhiều loại tiền giấy ở những thời kỳ lịch sử sau này và những loại tiền vua chúa dùng ban thưởng, rất quý hiếm. Bên cạnh đó, nhiều tem, phiếu cũng được anh sưu tập về dán ép, cất đặt rất cẩn thận. Mới đây, anh Nguyễn Văn Thạo đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề xuất kỷ lục “Người giữ và bảo vệ kho tiền cổ lớn nhất Việt Nam qua các thế kỷ”.