Người rung trống đón tháng Mười

ANTĐ - Có một cảm giác như thiếu vắng, khi dịp này, Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng lại vắng nhạc sĩ Nguyễn Thành, tác giả của “Qua miền Tây Bắc”, “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội”. Ông ra đi đã 12 năm, nhưng những giai điệu của ông thì vẫn còn đây. Ngân rung trong tim người, giữa nắng vàng và heo may Hà Nội: “Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung 36 phố phường...”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành hồi trẻ… và khi về già

Ấp ủ suốt 20 năm 

Tôi không còn nhớ lần đầu gặp ông là khi nào nhưng lần gặp cuối cùng với ông thì tôi vẫn nhớ. Bữa đó Hà Nội mưa phùn, ông bắt “xe ôm” tới dự cuộc gặp các nhạc sĩ ở phía Bắc do NXB Thanh Niên tổ chức. Hà Nội hôm ấy mưa và rét nhưng Nguyễn Thành đến sớm nhất. 

Tôi cũng chưa quên lần đến nhà ông. Khi ấy ông cùng cả gia đình mới từ tập thể Thanh Xuân Nam chuyển về, ở trong một căn hộ mới, tiện nghi hơn tại một con hẻm sâu ngoắt ngoéo trong ngõ Thanh Lương 2 (Hà Nội). Tôi ngồi với ông bên chén trà nghi ngút khói và lắng nghe ông trong mạch hồi ức về “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội”: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca…”. 

Thời gian hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng lần trò chuyện ấy vẫn còn khắc ghi nguyên vẹn trong tâm trí. Giờ ngồi giữa lòng Hà Nội, buổi gặp gỡ ấy như cuộn phim sống động trở về. Tiếng nhạc sĩ Nguyễn Thành vẫn như thì thầm bên tai: 

- Tôi là người Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà 35, phố Lê Văn Hưu. Khi kháng chiến nổ ra, như nhiều thanh niên thời đó tôi rời Hà Nội lên đường. Năm tháng ở chiến trường cứ nối tiếp nhau. Rồi đến ngày được trở về tiếp quản Thủ đô xúc động không tưởng tượng được. Tôi ấp ủ viết một ca khúc về Hà Nội sao cho xứng với sự kiện lịch sử này…

Tuy nhiên, từ chiến thắng Điện Biên Phủ, chứng kiến tướng Đờ-cát giơ tay xin hàng đến ngày giải phóng Thủ đô niềm vui đến dồn dập quá khiến Nguyễn Thành bối rối, ông không biết viết thế nào. Nhạc sĩ kể tiếp: 

- Phải đợi 20 năm sau. Đó là năm 1974, khi ấy nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng Thủ đô, Hà Nội phát động cuộc thi sáng tác văn học-nghệ thuật về sự kiện lịch sử này, lúc ấy, tôi và anh Tạ Hữu Yên cùng công tác ở Phòng Phát thanh binh vận thuộc Cục Nghiên cứu Tổng cục chính trị. Anh Yên biên tập thơ, còn tôi biên tập nhạc cho buổi phát thanh “Hướng theo ngọn cờ cứu nước”. Khi có cuộc vận động sáng tác ca khúc này, tôi bàn với Yên, anh ấy cũng thấy tâm đắc và chỉ trong một đêm, anh đã hoàn thành bài thơ để đưa cho tôi vào sáng hôm sau. Và từ bài thơ ấy, từ cảm xúc tháng Mười ấy, tôi đã một mình hoàn thành ca khúc ấp ủ 20 năm. Đó là những ngày mùa thu tháng Tám năm 1974 để kịp có mặt trong ngày lễ kỷ niệm 10-10-1974. Sau đó, bài hát đã được giải A cuộc vận động.

Kể từ khi đó đến nay, mỗi dịp Thủ đô có ngày kỷ niệm là “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội” lại vang lên qua giọng ca của nhiều thế hệ: Kiều Hưng, Lê Dung, Tường Vi... Nguyễn Thành như người rung trống chào đón tháng Mười Hà Nội. 

Bài hát ra đời trên vỏ bao thuốc lá

Bây giờ, có thể lớp nhạc sỹ trẻ không mấy người biết về nhạc sĩ Nguyễn Thành. Nhiều người có thể vẫn nghe “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội” hay “Qua miền Tây Bắc”… nhưng không biết tác giả Nguyễn Thành là ai, dù có thể, họ vẫn lên truyền hình để tranh luận ồn ào quanh những ca khúc rất đỗi tự hào.

Nguyễn Thành là bút danh, tên thật của ông là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1931, quê gốc ở Hà Nam. Từ ngày 19-8-1945, khi ấy mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Thành đã theo dòng người từ Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội đến Bắc Bộ Phủ. Vào trại Bảo An Binh, ông ở luôn tại đấy và tuổi quân cũng tính từ ngày 19-8-1945 đó. Sau đó, Nguyễn Thành tham gia công tác tuyên truyền văn hoá. Mùa xuân 1947, ông là đội viên Võ trang tuyên truyền Tây Tiến liên quân Việt - Lào. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Thành về học khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước Nguyễn Thành làm Trưởng đoàn Văn công Trường Sơn 559.

Tôi vẫn còn nhớ ngày ông mãi mãi chia tay Hà Nội. Đó cũng là một ngày tháng Mười, ngày 

4 năm 2002. Chỉ còn ít hôm nữa Hà Nội kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô nhưng bệnh gan đã không cho phép ông nấn ná thêm ít ngày. Ở tuổi 71, Nguyễn Thành ra đi, ông để lại một sự nghiệp âm nhạc với hơn 500 bài hát. Con số ấy cho thấy một sức làm việc không ngơi nghỉ của một nhạc sĩ đã đi qua những cuộc chiến tranh, đi qua những thăng trầm của lịch sử. Nhưng với khán giả, nếu chỉ nhớ “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội”, “Tôi không muốn lòng súng bốc khói”, “Nhớ một thời Tây Tiến”… hay thậm chí chỉ nhớ ca khúc “Qua miền Tây Bắc” thì đó cũng đã là thành công của người nhạc sĩ. 

Vào một đêm mưa năm 1952, trên đường hành quân trong chiến dịch Tây Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Thành khi ấy mới 21 tuổi, thuộc Đoàn văn công 308. Đêm khuya rất lạnh, Nguyễn Thành không sao chợp mắt được, ngồi sưởi bên đống lửa. Nhìn những đốm lửa bập bùng, Nguyễn Thành nhớ lại trên đường hành quân mình đã chứng kiến đồn bốt giặc ở khắp nơi, những hàng rào dây thép gai bao bọc, nhân dân đói khổ, đất nước bị kẻ thù chiếm đóng. Lòng căm thù ngùn ngụt khiến anh nóng người lên giữa đêm lạnh, và thoáng hình ảnh đoàn binh Tây Tiến trong thơ Quang Dũng, những nét nhạc đầu tiên đã hiện ra trong đầu: “Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/ Về đây giải phóng quê nhà…”.

Cứ thế, rất nhanh, bài hát như một mạch nguồn chảy ào ra và Nguyễn Thành chỉ kịp ghi lại trên mảnh giấy từ… vỏ bao thuốc lá. Nhưng khi viết xong, anh cảm thấy bài hát chưa chuyển tải được hết ý nghĩa của chiến dịch, nhất là Sư đoàn 308 của anh lại được Bác Hồ đến thăm và động viên trước khi vào trận, vì vậy phải làm sao để xứng đáng với sự quan tâm tin tưởng của Bác và nhân dân là điều mà tất cả các chiến sĩ trong Sư đoàn phải đau đáu. Thế là Nguyễn Thành vò mảnh giấy đó và vứt vào chân đống lửa rồi quay vào lán cố chợp mắt vài phút cho cuộc hành quân ngày mai.

Nhưng may mắn, ngọn lửa đã không đủ bén để thiêu cháy bài hát đầy dũng khí mà lại… rơi vào tay mấy anh em Phùng Đệ, Nguyễn Phúc, Trần Chất. Họ nhặt lên xem, kêu hay quá và lẩm nhẩm tập hát cả đêm. Sáng ra, khi tỉnh dậy trong tiếng đàn ghita bập bùng của ca sĩ Trần Chất, Nguyễn Thành lặng đi không tin ở tai mình... Bài hát với những giai điệu khỏe khoắn, như bước hành quân trên đường đèo, đã nhanh chóng lan truyền đi khắp các đoàn quân. Cái lạ của bài hát này là chưa phát sóng trên Đài mà anh em bộ đội đều thuộc. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thành, ban đầu ông đặt tên bài hát là “Tiến quân vào Tây Bắc”, với cái ý thể hiện được khí thế của quân ta. Sau đó, ông đã sửa còn “Vào Tây Bắc”. Nhưng đến khi anh em đồng đội, chiến sĩ hát đã sửa lại thành “Qua miền Tây Bắc” - đó là 4 chữ đầu tiên của bài hát.