Người phụ nữ 10 năm đi tìm 100 hài cốt liệt sĩ

ANTĐ - Gần 10 năm nay, bà Trần Thị Xanh (1950, ở thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn âm thầm với công việc đi tìm hài cốt của đồng chí, đồng đội đã ngã xuống tại chiến trường Đại Lộc. Qua chừng ấy thời gian, bà đã tìm, quy tập và bàn giao gần 100 bộ hài cốt liệt sĩ (HCLS).

Chiến tranh đã lùi xa, quê hương ngày càng thay da đổi thịt, thế nhưng trong lòng người phụ nữ ngoài 60 tuổi ấy vẫn còn mang nặng nỗi day dứt về hình ảnh của những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống tại chiến trường Đại Lộc khi tuổi xuân, nhựa sống mới đến độ căng tròn. Những đêm trăng sáng thanh bình, nghe tiếng côn trùng rỉ rả khắp vườn nhà, bà Xanh trằn trọc không ngủ được. Bà lại nhớ đến những đêm trăng của chiến trường ngày ấy, nơi đó tập trung những người lính còn rất trẻ, với cây đàn ghi-ta, trái cây rừng họ quây quần bên nhau ca hát suốt đêm. Ánh trăng hòa tiếng hát, tiếng đàn khi ấy khiến thực tại của chiến tranh khốc liệt dường như đã lùi đi rất xa. Những đêm trăng như thế đã “nhắc” lại những ký ức, những hoài niệm về tình đồng chí đồng đội của một thời hoa lửa để rồi nó thôi thúc bà đến với hành trình 10 năm đi tìm hài cốt đồng đội đã ngã xuống tại quê hương Đại Lộc.

Bà Trần Thị Xanh với hành trang đi tìm mộ liệt sĩ của mình.

Bà Trần Thị Xanh
với hành trang đi tìm mộ liệt sĩ của mình. 

Bà Xanh kể: Năm 14 tuổi bà đã hăng hái tham gia làm giao liên của xã Lộc Quang (nay là xã Đại Đồng), nhận trách nhiệm phối hợp thu mua lương thực, xây dựng cơ sở tiếp tế lương thực cho chiến trường Đại Lộc, tham gia bám địch, làm du kích mật phối hợp với anh em an ninh địa phương diệt ác tại Khu Dồn (Hà Nha). Năm 1970, bà bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An.

Một năm sau bà được thả, sau đó bà được tổ chức đưa về làm việc tại Ban Tài mậu H. Đại Lộc, tổ chức thu mua lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường và chuẩn bị cho trận đánh Thượng Đức lịch sử. Cũng chính trong trận đánh Thượng Đức này, hàng nghìn đồng chí, đồng đội của bà đã ngã xuống...

Sau khi đất nước giải phóng, bà Xanh trở về với cuộc sống thường nhật.  Khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn, bà quyết định thực hiện công việc thiêng liêng nhưng cũng nặng nghĩa tình: tìm kiếm hài cốt những đồng chí đồng đội đã hy sinh trên chiến trường xưa. Hằng ngày, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đàn bà mặc đồ bà ba, đạp xe đi lân la khắp nơi trong địa bàn huyện để hỏi thăm tin tức từ những người đi rừng, đi than, rà sắt, săn thú... nhằm thu thập thông tin về các ngôi mộ mà họ phát hiện trong rừng.

Khi nhận được thông tin về nơi có mộ, bà Xanh nhanh chóng sắp xếp hành trang, theo sự chỉ dẫn của nguồn tin mà bà đến nơi phát hiện mộ, nhiều khi bà bỏ tiền túi trả công cho người cung cấp tin để họ dẫn đến tận nơi. Sau khi đến kiểm tra, đánh dấu bà Xanh về báo chính quyền, phối hợp cùng với các ban, ngành chức năng của H. Đại Lộc tổ chức lễ bốc mộ, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ địa phương, đưa về với thân nhân của liệt sĩ. “Chỉ tính riêng năm 2010, bà Xanh đã phát hiện và phối hợp cùng các ban, ngành chức năng của H. Đại Lộc tiến hành bốc, quy tập hơn 43 HCLS tại các vùng núi của huyện”- ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết.

Hành trang tìm mộ liệt sĩ của bà Xanh thật đơn sơ chỉ với chiếc ba lô con cóc, bộ đồ bà ba, chiếc mũ tai bèo, đôi găng tay, cái rựa nhỏ cùng với nỗi lòng đau đáu hướng về nơi các đồng đội đã hy sinh. Và từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của bà Xanh đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với thân nhân liệt sĩ khắp các nơi như Thanh Hóa, Hà Nội... Từ bà, nhiều thân nhân đã tìm được hài cốt của con em mình, nhưng hãy còn đó rất nhiều gửi gắm, trông đợi của thân nhân có con em hy sinh tại chiến trường Đại Lộc mà chưa tìm được hài cốt.

Lật cuốn sổ tay bé nhỏ với chi chít những thông tin về nhân thân liệt sĩ, đơn vị công tác, ngày hy sinh, số điện thoại và địa chỉ liên lạc, bà Xanh tâm sự: “Hơn 10 năm qua, tôi đã phối hợp cùng với các ban, ngành địa phương bốc, quy tập vào nghĩa trang, bàn giao cho thân nhân liệt sĩ gần 100 bộ hài cốt. Nhưng còn rất nhiều thân nhân các liệt sĩ đang chờ đợi tin tức, chờ ngày được tìm thấy xác để đưa các anh về với quê hương. Điều đó càng thôi thúc, tiếp thêm quyết tâm cho tôi trên hành trình đi tìm mộ của các đồng chí, đồng đội đã hy sinh trên quê hương Đại Lộc”.

Cảm kích trước tấm lòng của bà Xanh, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, một gia đình thân nhân liệt sĩ ở Hà Nội đã mời bà ra thăm thủ đô, viếng lăng Bác. “Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời tôi, sẽ chẳng thể diễn tả hết bằng lời, chỉ thầm mong mình còn đủ sức khỏe, đôi chân mãi cứng cáp, dẻo dai để tiếp tục cuộc hành trình đưa các anh về với quê hương”- bà Xanh tâm sự.