Người phá nhiều hơn người giữ

ANTĐ - Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng 28 - 47 cá thể và loài này đang đối mặt với nguy cơ biến mất do bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. Chị Bảo Ngọc (sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân) rất quan tâm đến vấn đề này.

- Việc bảo vệ môi trường thường xuyên được nhắc đến, có người còn chụp cả ảnh nude nhằm “bảo vệ môi trường” vậy mà động vật hoang dã ngày càng ít đi. Bạn nghĩ gì về điều này?

- Đúng là việc bảo vệ môi trường luôn được nhắc đến trên tivi, báo đài… nhưng trên thực tế nhiều việc lại diễn ra ngoài tầm kiểm soát. Trong khi có không ít nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thì cũng có rất nhiều kẻ phá hoại. Cách đây chưa lâu, việc con tê giác cuối cùng tại Việt Nam bị sát hại tại rừng Quốc gia Cát Tiên đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về nạn săn bắn trái phép cũng như xâm lấn môi trường của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, tiếng chuông cảnh báo rung lên rồi lại chìm vào quên lãng, những cuộc săn bắn vẫn âm thầm diễn ra. Nhiều loài động vật hoang dã như hổ, bò tót cũng đã được đưa vào danh sách có nguy cơ biến mất.

- Theo bạn lý do nào khiến môi trường sống của các loài động vật hoang dã bị xâm lấn và do đâu vẫn còn những cuộc truy sát động vật quý hiếm?

- Cũng có nhiều yếu tố, có những người vì miếng cơm manh áo nên phải đốt nương làm rẫy, nhưng cũng có người chỉ là thỏa mãn thú vui ích kỷ của bản thân hay vì lợi nhuận từ việc săn bắn rất lớn. Dù sao đi chăng nữa thì đó chỉ là vì lợi ích nhất thời. Tôi có những người bạn đang du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng thấy các bạn đưa ảnh đi tham quan khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã mà thấy chạnh lòng. 

- Bạn đã bao giờ thưởng thức đặc sản thú rừng chưa?

- Tôi thấy mình không phù hợp với những thứ đó và thực sự bản thân tôi cũng không thích. Trong khi chưa giúp sức được cho việc bảo vệ môi trường tự nhiên thì không nên tiếp tay cho việc phá hoại, tôi nghĩ vậy.