Người nuôi hay “quên”

ANTĐ - Thông tin gần trăm người ở Sóc Sơn bị đàn chó nghi dại cắn thu hút được khá nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô trong những ngày qua. Anh Phạm Văn Thắng, ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, những người có thói quen nuôi chó, mèo cần phải xem lại ý thức của mình từ vụ việc này.

- Anh có cho rằng vụ việc xảy ra tại xã Bắc Sơn là một hiện tượng lạ?

- Các cơ quan chức năng đã có những quy định, hướng dẫn khá cụ thể về việc nuôi chó mèo như: chó thả rông thì phải rọ mõm, tất cả chó nuôi đều phải được tiêm phòng dại… Thế nhưng theo tôi thấy, ý thức của những người nuôi chó hiện nay khá hạn chế. Ngay cả ở thành phố, tình trạng thả rông chó không rọ mõm vẫn còn phổ biến, nhiều người còn có thói quen dắt chó đi dạo ở các nơi công cộng nhưng “quên” rọ mõm cho chó, lại để chó phóng uế gây mất vệ sinh chung.

- Phải chăng đây là lý do khiến cho bệnh dại có xu hướng gia tăng trở lại?

- Tôi được biết, có một khoảng thời gian dài hàng chục năm liền, số người mắc bệnh dại được ghi nhận ở nước ta liên tục giảm, thế nhưng từ năm 2007 trở lại đây thì có xu hướng tăng nhanh. Bệnh này chủ yếu do bị chó dại cắn, nghĩa là có chó bị dại thì mới có bệnh nhân dại. Như vậy, bệnh dại tăng trở lại cũng cho thấy công tác quản lý đàn chó không tốt, người nuôi chó còn chủ quan với công tác phòng bệnh.

- Theo anh, những người nuôi chó để chó thả rông, cắn người như vậy có phải chịu trách nhiệm nếu chẳng may gây bệnh dại?

- Ngày trước, ở các vùng nông thôn, việc chó nuôi thả rông hết sức phổ biến, thường xuyên có những người bị chó cắn, họ coi đó là điều bình thường và cũng không thấy người bị nạn nào bắt đền hay kiện lại người nuôi chó. Tuy nhiên tôi cho rằng, trong xã hội ngày nay, khi ý thức chấp hành pháp luật, ý thức phòng bệnh của cộng đồng đã cao hơn rất nhiều thì những người nuôi chó mèo cũng cần phải có ý thức cao hơn trong việc chấp hành các hướng dẫn, quy định của pháp luật, có trách nhiệm trong việc phòng chó cắn, truyền bệnh cho cộng đồng.