Người nghèo sẽ không phải cùng chi trả viện phí

ANTĐ - Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí, nhóm người cận nghèo phải cùng chi trả 20%... Tuy nhiên, trong dự thảo Luật BHYT đang sửa đổi, người nghèo sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi những quy định này được bãi bỏ.

Người nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi dự thảo Luật BHYT sửa đổi đi vào đời sống

Tăng quyền lợi cho người bệnh

Trao đổi thông tin với báo chí chiều 19-3, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, quyền lợi của người bệnh sẽ tăng đáng kể. Đặc biệt, quy định người nghèo khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí sẽ được bãi bỏ. Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích, quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với người thuộc hộ cận nghèo… như hiện nay đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Do đó, dự thảo Luật BHYT sửa đổi quy định người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, còn đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo cũng được thanh toán 95%.

 Không chỉ người nghèo, người cận nghèo được nâng quyền lợi mà người dân bình thường nếu tham gia BHYT liên tục cũng sẽ được tăng mức chi trả viện phí. Ông Vũ Xuân Bằng cho biết, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ cao chi phí lớn…

Dự thảo cũng quy định những trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể, người thứ nhất trong gia đình đóng BHYT đúng mức phí quy định, từ người thứ 2 đến thứ 5 đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và từ người thứ 6 trở lên đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. 

Siết chặt chuyển tuyến

Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, những người bệnh đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến sẽ bị thu hẹp quyền lợi. Quy định này được đưa ra nhằm siết chặt tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến đang ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT, số tiền mà Quỹ BHYT thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt người bệnh vào năm 2010 lên 9,5 triệu lượt năm 2011 và 11,6 triệu lượt năm 2012. Theo bà Tống Thị Song Hương, lý do vì BHYT hiện đang thanh toán cho người bệnh khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến ở mức khá cao: 30% ở bệnh viện tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 70% ở tuyến huyện. Cũng vì thế mà nhiều người bệnh dù bệnh nhẹ vẫn đổ xô lên tuyến trên, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Để khắc phục hạn chế này, trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT, mức thanh toán BHYT cho người bệnh đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến sẽ giảm xuống, cụ thể là giảm mức thanh toán cho diện bệnh nhân ngoại trú ở tuyến Trung ương từ 30% xuống còn 20%.

Một điểm nhấn nữa là trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ tăng tính ràng buộc, trách nhiệm với người tham gia BHYT. Ông Vũ Xuân Bằng cho biết, hiện độ bao phủ BHYT ở nước ta đã đạt xấp xỉ 70%, tuy nhiên đối tượng tham gia chủ yếu là diện được hỗ trợ, diện bắt buộc và những người thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Với nhóm 30% còn lại là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, việc vận động tham gia rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do quy định tham gia BHYT theo “trách nhiệm” chưa có tính ràng buộc cao, các chế tài xử phạt không tham gia BHYT chưa đủ mạnh. Ông Bằng nhấn mạnh, nếu không quy định bắt buộc sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là những người khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia BHYT và như vậy chỉ người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT.

Tin cùng chuyên mục