Phú Yên:

Người nghèo khó tiếp cận khu tái định cư

ANTĐ - Hiện đã có khoảng 80 hộ nhận được tiền hỗ trợ, xây nhà kiên cố, số còn lại do chưa đáp ứng điều kiện của dự án nên chưa thể di dời do hoàn cảnh khó khăn.
Để ổn định đời sống nhân dân trong mùa mưa lũ, huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) đã xây dựng hai khu tái định cư, di dời 99 hộ dân trong vùng lũ quét thuộc xóm Gò Cốc và xóm Trường, thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2) đến nơi ở mới. Hiện đã có khoảng 80 hộ nhận được tiền hỗ trợ, xây nhà kiên cố, số còn lại do chưa đáp ứng điều kiện của dự án nên chưa thể di dời do hoàn cảnh khó khăn.

Mong muốn được đến nơi ở mới

Từ năm 2009-2011, huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) xây dựng và đưa vào sử dụng khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu và số 2 thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2) với mục đích di dời 99 hộ dân vùng trũng thấp, ven sông suối có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. Trong đó, khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu có tổng kinh phí 2,4 tỉ đồng, bố trí chỗ ở cho 27 hộ, mỗi hộ 300m2 đất. Ông Nguyễn Tấn Lanh, một trong những hộ xây nhà kiên cố đầu tiên tại khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu cho biết, so với nơi ở cũ, nơi ở mới rộng rãi, cao ráo hơn, đường xá đi lại thuận lợi. Sau khi xây nhà trị giá 25 triệu đồng, tôi được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng nên cũng bớt khó khăn.  

Nhiều hộ nghèo, cố gắng xây nhà tạm tại khu tái định cư,
với mong muốn được nhận tiền hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết

Hiện tại khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu mới chỉ có 17 hộ đã xây dựng nhà cấp 4 kiên cố, sinh sống và sản xuất ổn định, mỗi được nhận 10 triệu đồng. Còn 10 hộ chưa được nhận tiền hỗ trợ do không có tiền xây nhà theo quy định. Để “đối phó” với yêu cầu đòi hỏi của dự án, từ cuối năm 2011 đến nay, hầu hết các hộ trên đã xây dựng nhà tranh tre, mái lợp tôn, với mong muốn tha thiết sớm được nhà nước hỗ trợ tiền để xây nhà kiên cố, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, như hộ ông Mạnh Ngọc Ảnh và Đào Văn Khải.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết, hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 70%, trong 99 hộ ở hai khu tái định cư, có đến 50% thuộc diện nghèo. Còn 19 hộ chưa xây được nhà nên không được nhận tiền hỗ trợ, hầu hết là hộ nghèo, trong đó khoảng 50% có nhà ở tạm, đời sống khó khăn. Ông Hùng cho biết thêm, theo quy định, các hộ dân phải tự tìm vốn xây nhà mới và được các ngành chức năng kiểm tra, thẩm định đạt tiêu chuẩn quy định mới được nhận tiền hỗ trợ 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo người dân, để xây được căn nhà kiên cố có diện tích khoảng 20m2 phải mất ít nhất 15 triệu đồng. Số tiền trên đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn là vô cùng lớn. Theo ông Hùng, để dự án tái định cư vùng lũ đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có nhà ở mới kiên cố, nên kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo và hỗ trợ di dời. Hiện nay địa phương đang rất nỗ lực vận động số hộ còn lại tìm mọi nguồn lực có thể để xây dựng nhà, chuyển đến khu tái định cư trong tháng 9 tới.

Nơi ở mới… yên, nhưng chưa ổn

Tại khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, giao thông đi lại thông thoáng, đường dây hạ thế chạy ngang trước cửa ngõ nhà dân, cung cấp điện thắp sáng ổn định. Đất rộng, người dân xây nhà mới khang trang, nhiều nhà có diện tích từ 50-70m2, vườn tược xanh tươi, chuồng trại cao ráo cách xa nhà ở.

Những ngôi nhà tạm bằng nhà tranh tre lợp mái tôn

Anh Nguyễn Tấn Lanh, xây nhà từ tháng 7-2011 phấn khởi cho hay, cuộc sống tại khu tái định cư mới vô cùng yên ả, bà con yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nước sạch không ổn định, lại có màu vàng nên chỉ dùng để tắm giặt, trong khi đó nhà nước thu với giá 4.000 đồng/m3 nên ít người sử dụng. Đã vậy, nước thường xuyên bị mất, có khi kéo dài từ 2-3 ngày nên nhiều gia đình phải đào giếng để sử dụng. Gia đình tôi cũng phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng, đào giếng sâu gần 10m mới có nước dùng.

Quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vợ chồng bà Lê Thị Thảo thuê lại căn nhà xây, mái lợp tôn có diện tích chừng hơn 10m2 chật chội, nóng bức của bà Trần Thị Năm ở khu tái định cư số 1 thôn Kỳ Đu được gần một tháng, với giá 150.000 đồng/tháng. Bà Thảo cho hay, vợ chồng tôi dùng nhờ vào giếng nước của các hộ xung quang để tắm giặt, còn ăn uống phải mua nước bình, vì khi đun sôi, nước giếng ngả màu xẫm nên ngại sử dụng.

Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, công trình nước sinh hoạt thôn Triêm Đức được xây dựng từ năm 2005, cung cấp nước sinh hoạt cho 150 hộ dân. Tuy đã được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần nhưng hiện đã xuống cấp. Do nhu cầu thực tế, hiện tại có khoảng 500 hộ sử dụng nước từ công trình này dẫn đến quá tải. Mặt khác, do nước nhiễm phèn, chưa đảm bảo chất lượng nên nhiều người không dám dùng trong ăn uống. Để duy trì công trình hoạt động, bình quân hàng năm địa phương phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để duy tu, sửa chữa.