“Người ngay phải sợ kẻ gian”

ANTĐ - Sau nhiều năm gồng mình chống đỡ trước nạn sách giả và cả lịch bloc giả, mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam đã công bố sẽ dán tem chống giả kỹ thuật số cho lịch bloc, mùa lịch 2012. Với công nghệ này, nhiều người tự tin “Tem không thể làm giả”, song cũng còn đó không ít băn khoăn về hiệu quả thật sự của nó. Bởi tương tự như sách, nhiều người tiêu dùng rõ ràng biết là giả mà vẫn mua.

Trong khi chưa có cách chống in lậu hiệu quả, người tiêu dùng được khuyên “hãy tự bảo vệ mình”


Kỳ vọng vào một con tem

Tem chống lịch giả do Công ty CP Công nghệ chống giả (DAC) sản xuất, loại tem này chủ yếu dựa trên việc quản lý cơ sở dữ liệu. Mỗi con tem  khi được sản xuất ra có mã số riêng, được in chìm sau lớp tráng bạc (hệt như thẻ cào điện thoại, hay xổ số cào). Người tiêu dùng, khi mua lịch chỉ việc cào lớp bạc phía trên, nhắn dãy số kể trên về tổng đài là có thể biết ngay lịch mà mình vừa mua thật hay giả. Và để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng lịch bloc thật, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra phòng chống in lậu, làm giả lịch bloc, Hội Xuất bản còn phối hợp với Cục Xuất bản và đơn vị sản xuất tem mở chương trình “Quay số trúng thưởng đối với khách hàng sử dụng lịch bloc năm 2012” (từ 15-11-2011 đến 31-1-2012). Sau khi gọi điện hoặc nhắn tin, mã số in trên tem về tổng đài, người tiêu dùng sẽ nhận được một mã số dự thưởng, giải thưởng này lên tới 55 triệu đồng, được công bố sau khi mùa lịch kết thúc.

Đại diện Cục Xuất bản, Hội Xuất bản và Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam khẳng định, đây là biện pháp chống giả ưu việt nhất hiện nay. Ngay sau khi tem chống hàng giả kỹ thuật số được công bố rộng rãi, nhiều NXB đã lên tiếng nghi ngại xung quanh việc sản xuất cũng như quản lý cơ sở dữ liệu, mã số tem… Cũng có một số NXB tỏ ra hoài nghi về thao tác kiểm tra thật giả “phiền phức” này. Lâu nay, sở dĩ các loại sách giả, lịch lậu vẫn “sống vui, sống khỏe” là bởi sách lậu đã thực sự “cạnh tranh” được với sách thật ngoài thị trường. Với lịch bloc giả, hay một cuốn sách giả nếu được in ấn rõ ràng, bắt mắt, nội dung đàng hoàng, giá lại rẻ hơn sách thật đến vài chục phần trăm thì nhiều người mua sẽ chuyển sang dùng sách… lậu. Lúc đó, con tem kỹ thuật số chống giả kia liệu có còn được quan tâm?

Mệt mỏi chống in lậu

Việc phát minh và áp dụng con tem kỹ thuật số vào việc phòng chống in lậu chỉ là giải pháp tạm thời, kiểu “xây nhà từ nóc”. Cái mà những người làm sách chân chính mong muốn là cần giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Chúng ta đã và đang có cả một hệ thống luật được cho là hoàn thiện về xuất bản, in ấn và phát hành, nhưng sao in lậu vẫn cứ tràn lan? Đến nỗi sách thật phải sợ sách giả, “người ngay phải sợ kẻ gian”, loay hoay nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để tự bảo vệ mình, để giúp người tiêu dùng, bạn đọc sàng lọc sản phẩm thật trong mớ hỗn độn những thật giả ngoài thị trường. Trong khi, những thứ giả kia đáng ra phải được ngăn chặn từ khi chúng mới manh nha hình thành.

Còn nếu người tiêu dùng và bạn đọc trót mua phải lịch giả hay sách giả thì phải xử trí ra sao? Ông Nguyễn Kiểm - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Việt Nam cho biết, nếu phát hiện lịch giả trong mùa lịch 2012, người mua cần mang sản phẩm đó đến trình báo các cơ quan có trách nhiệm, gửi về Hội Xuất bản hay Cục Xuất bản, hai đơn vị này sẽ xử lý theo pháp luật…Và sau một hồi giải thích các thủ tục kiện tụng lòng vòng, ông Nguyễn Kiểm kêu gọi “người tốt đoàn kết lại, tẩy chay hàng giả”.

Nhiều năm qua, Công ty Sáng tạo Trí Việt đã thuê thám tử, theo dõi nhiều nhà sách và cả các cơ sở in, chuyên nhắm vào những sách đắt hàng của Trí Việt mà làm lậu, khiến cho công ty này “thiệt đơn thiệt kép”. 

Sau gần 2 tháng thuê thám tử theo dõi đường đi nước bước của một cơ sở in tại Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Hà Nội, chiều 12-11, theo đơn tố cáo của Trí Việt, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở in này và thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách, trong đó nhiều nhất là ba tựa “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” và “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt”.

Theo ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt, tại Hà Nội, có cả trăm tựa sách của Trí Việt bị in lậu, và đây không phải lần đầu tiên bắt quả tang sách do Trí Việt nắm bản quyền “được” in lậu rộng rãi, bởi chỉ tháng 4 và tháng 5-2011 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 14 đã bắt được một lượng sách giả lớn tại một số nhà sách trên đường Láng. Sau rất nhiều lần chịu ấm ức, lần này xem ra Trí Việt quyết tâm làm cho ra nhẽ, bằng cách mời luật sư và chính thức khởi kiện.

Song không phải ai cũng có tiềm lực như Trí Việt để tuyên chiến dài hơi với sách lậu. Như Công ty sách Bách Việt chẳng hạn, thời gian đầu, Ban giám đốc của Công ty còn cử người đi mua sách về để nghiên cứu, đối chiếu xem sách thật và sách lậu có những điểm chênh lệch nào, rồi thông báo trên website,  facebook của Công ty để độc giả của mình nhận biết. Nhưng dần dần với tốc độ ra sách mỗi ngày một nhiều, cách in lậu cũng mỗi ngày một tinh vi và đẹp dần hơn thì Bách Việt không thể làm mãi theo cách đó nữa. Thay vì phổ biến cho độc giả, Công ty chọn cách tạo sự phân biệt cho chính cách nhà phát hành, phân tích cho họ hiểu độ chênh giữa bán sách lậu và sách thật như nào, độc giả sẽ đánh giá về thương hiệu cửa hàng ra sao…

đồng thời đề ra những chính sách chiết khấu hợp lý hơn với từng khu vực, làm biển bảng cho các nhà sách có phát hành sách của mình. Thông qua đó, khách hàng cũng nhận biết được mua sách ở nhà nào thì có sách thật, mua sách ở nhà nào thì sẽ mua phải sách lậu, thêm vào đó còn các chương trình quà tặng, khuyến mãi tùy theo từng đợt…

Trong khi chờ đợi một hệ thống luật đủ sức răn đe và một cơ chế nghiêm khắc hơn về vấn nạn in lậu như hiện nay thì cách của Công ty sách Bách Việt xem ra là cách “tự bảo vệ” mình tốt nhất.