Người mua dâm: Không đồi bại cũng khó trong sạch

ANTĐ - "Người mua dâm có thể “trong sạch” trước pháp luật nhưng khó có thể “trong sạch” với người thân và với chính bản thân mình"... - Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chuyên gia Tâm lý, trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt nhận định.
- Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp phát hiện và triệt phá những đường dây mại dâm từ bình dân đến cao cấp. Điều đáng nói là gái mại dâm hoạt động trong các đường dây này có cả người mẫu, hoa hậu... thậm chí là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Dưới góc độ nhà tâm lý, thạc sĩ nghĩ sao về điều này?
Con người bên cạnh những giá trị cao đẹp như lương tâm, trách nhiệm thì về bản chất có khuynh hướng thiên về lợi ích, thích được sung sướng mà không phải nỗ lực nhiều. Vì vậy, nếu một cá nhân thiếu nền tảng chuẩn mực do lỗi về giáo dục đặc biệt là giáo dục gia đình sẽ là cơ hội cho phần “con” trỗi dậy. Chính vì vậy mà đạo đức, pháp luật và những chuẩn mực xã hội khác ra đời để hạn chế phần “con” trong mỗi con người.
Người mẫu hay hoa hậu thì vẫn là con người. Cho nên, việc người mẫu hay hoa hậu tham gia vào hoạt động mại dâm cũng không phải là vấn đề bất thường. Nhưng, xét về mặt đạo đức, pháp luật thì đây được xem là hành vi sai và khó chấp nhận.
Người mua dâm: Không đồi bại cũng khó trong sạch ảnh 1
Người mẫu hay hoa hậu thì vẫn là con người. Cho nên, việc người mẫu hay hoa hậu tham gia vào hoạt động mại dâm cũng không phải là vấn đề bất thường
- Thạc sĩ nghĩ thế nào khi người bán dâm là "mất nhân phẩm" và phải đưa vào trại  phục hồi. Còn người mua dâm, tức là "mua" lấy cái nhân phẩm của cô gái thì vẫn trong sạch?
Trong hoạt động mại dâm, người bán dâm có vẻ thiệt thòi vì nhiều khi bị pháp luật, các chuẩn mực đạo đức lên án. Nhưng xét trên góc độ tâm lý cá nhân thì người mua dâm sau khi xảy ra sự việc tâm lý cũng có nhiều bất ổn. Cho nên, người mua dâm có thể “trong sạch” trước pháp luật nhưng khó có thể “trong sạch” với người thân và với chính bản thân mình. 
Kế đến, nhân phẩm của một con người không thể chỉ đánh giá dựa trên tiêu chí liên quan đến hoạt động tình dục. Vì vậy, trong tương lai, cũng cần phải xem xét lại tên gọi của các trung tâm giáo dục dành cho người bán dâm nhằm tránh những nhận thức lệch, kỳ thị của xã hội dành cho họ. 
- Thực tế hoạt động mua bán dâm đã diễn ra cho thấy, có rất nhiều người có học vấn cao, quan hệ rộng nhưng họ lại bỏ tiền ra mua dâm "gái trinh". Theo thạc sĩ tại sao có điều này?
Tâm lý là người đầu tiên và những niềm tin truyền miệng liên quan đến vận hạn, sự may mắn trong công việc là nguyên nhân đứng phía sau nhiều trường hợp người thành đạt bỏ tiền ra mua dâm “gái trinh”. Tuy nhiên, không phải ai thành đạt cũng có hành xử như vậy.
Người mua dâm: Không đồi bại cũng khó trong sạch ảnh 2
Người mua dâm có thể “trong sạch” trước pháp luật nhưng khó có thể “trong sạch” với người thân và với chính bản thân mình. 
- Đa phần dư luận xã hội cho rằng, người mua dâm là những người không lành mạnh. Theo thạc sĩ có đúng không?
Nhu cầu sinh lý ở con người ai cũng có và đã là nhu cầu thì cần phải được thỏa mãn bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, cách thức thỏa mãn như thế nào thì mới đánh giá là người lành mạnh hay không lành mạnh về tâm lý. 
- Dưới góc độ tâm lý học, có nên xem hành vi mua dâm là xấu xa và đáng lên án? 
Nếu lên án thì hành vi mua dâm có bị triệt tiêu hoặc giảm bớt không? Và nếu không lên án thì mức độ phát triển của hành vi mua dâm sẽ như thế nào?
Đây là một vấn đề khó và để có câu trả lời thì không chỉ chuyên gia tâm lý mà cả xã hội cũng cần quan tâm để có được câu trả lời phù hợp.