Người mê sưu tầm báo chí cổ

ANTĐ - Nếu ai một lần có dịp gặp Tạ Thu Phong hẳn sẽ thấy anh là một người đặc biệt. Đặc biệt nhất có lẽ là cái cách anh chọn niềm đam mê cho mình, rồi đến việc phải đánh đổi nhiều thứ quý giá như thời gian, sự nghiệp… để “nuôi” niềm đam mê ấy - sưu tầm những đầu báo, những số báo cổ, xưa của Việt Nam lẫn thế giới. Để làm gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để có câu trả lời về một công việc mà chính nhân vật đặt tên cho nó là “gã thủ thư đầu thai”. 
Người mê sưu tầm báo chí cổ ảnh 1

CÁI LÝ CỦA NGƯỜI SƯU TẦM

Thực ra, chuyện về những người sưu tầm, “chơi” sách cổ quả không thiếu, nhưng dày công tìm tới những tờ báo cổ xưa thì chắc hẳn là không quá nhiều. Thường thì người ta giữ sách cũ chứ mấy ai cất báo cũ để đọc lại trừ những bài báo liên quan hoặc thật sự cần thiết cho bản thân.

Thế mà với Tạ Thu Phong thì những số báo, đầu báo, càng cũ càng được anh sưu tầm, trân trọng và nâng niu; mà theo anh “việc bảo quản những đầu báo để lưu giữ theo thời gian khó hơn rất nhiều sách cũ”. Tôi đã từng nghe ai đó nói đại ý rằng, mỗi tờ báo chỉ tồn tại trong có 24 giờ, ngày mai lại những số báo mới, ngồn ngộn những thông tin mới xuất hiện, phủ lấp những “giá trị” của ngày hôm qua. Nhưng với Tạ Thu Phong, anh đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

“Chuyện gì cũng có nguyên do của nó, có lẽ giờ cũng có thể đúc kết lại được rằng niềm đam mê sưu tầm sách, báo cổ xưa có từ nhỏ, nó xuất phát từ thói quen đọc sách báo của những thành viên trong gia đình tôi. Và việc đưa đẩy tôi đến với cái thú này một cách chuyên tâm cũng phải hơn 10 năm trước rồi, khi ấy tôi đã đi tìm khắp nơi 1 tờ báo Thiếu niên mà ngày nhỏ được bố mua cho đọc nhưng không thấy. Phải mất tận 4 năm sau tôi mới tìm ra được tờ báo gắn bó với tuổi thơ của mình. Và trong hành trình đó vô tình cho tôi bắt gặp rất nhiều các tờ báo cũ, nó cuốn hút tôi kỳ lạ bởi chính “số phận” của chúng”, Tạ Thu Phong nhớ lại - Và hành trình sưu tầm báo cũ của anh bắt đầu từ đấy. 

Sau đó Tạ Thu Phong thi đỗ khoa Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội, quãng đời sinh viên cũng chính là thời gian anh tiếp tục với đam mê sưu tầm sách báo cũ của mình. “Như kẻ bị hớp hồn, ngoài giờ học trên giảng đường, tôi thường lân la tới những cửa hàng sách, báo cũ trên đường Láng, Hà Nội. Đi mòn chân trên những con đường ở Hà Nội, tôi nhận ra một thực tế rằng, những cuốn sách, tờ báo thường bị “quăng quật” rất đáng thương.

Chính người bán sách, báo cũng không ý thức được họ đang sở hữu một kho tri thức quý của nhân loại, có lẽ vì họ đang bận với việc kiếm miếng cơm manh áo. Chứng kiến điều đó, xót xa, tôi bắt đầu tiết kiệm tiền, đi làm gia sư để mua sách, báo cũ”, anh Tạ Thu Phong chia sẻ. Sau này khi tốt nghiệp ra trường, đã có vị trí cao trong một doanh nghiệp nhưng anh đã chấp nhận từ bỏ tất cả theo nghiệp luật sư để chủ động hơn về thời gian cho niềm đam mê của mình. Tạ Thu Phong tâm sự: “Đến khi ra trường, tôi vẫn tiếp tục với đam mê sưu tầm sách báo cổ, điều đó đã khiến tình yêu, thời gian, ý chí với của tôi dành cho những lĩnh vực khác bị san sẻ. Nếu theo đuổi sự nghiệp đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, tôi biết đó là cơ hội để có thể tiến xa hơn trong tương lai nhưng nếu quyết định toàn tâm toàn ý cho công việc, tôi sẽ không có cơ hội chăm chút cho tủ sách của mình, thứ vốn rất nhạy cảm với khí hậu, côn trùng ở Việt Nam”…


ĐAM MÊ  “NHẶT NHẠNH” TRI THỨC XƯA 

Người mê sưu tầm báo chí cổ ảnh 2

Tôi chưa thể hình dung ra được rằng để sống với niềm đam mê, để nuôi dưỡng tình yêu cho sách báo cổ của mình, anh phải “cắt xẻo” thời gian thế nào thì được anh đáp lại bằng một ví dụ: “Chuyện những người bạn nhắn tin cho tôi với nội dung: “Một gia đình đang định thanh lý sách báo cũ, có thời gian thì đến ngay nếu không họ bán đồng nát đấy” xảy ra thường xuyên. Có hôm từ Phú Thọ về đến Hà Nội khi đồng hồ đã điểm 21h30’ tôi lại tức tốc lên đường chỉ sợ những bảo vật quý sắp bị biến mất. Vừa “phi” lên xe là tôi phải gọi điện cho người bạn báo tin: “Cứ bảo họ đừng bán, tôi sẽ đến ngay trong đêm và sẽ mua chúng với giá không phải là đồ đồng nát”. 22h30’ có mặt, lần đó thật may mắn tủ sách vẫn còn, tôi lựa chọn những cuốn sách báo quý để đem về bổ sung cho bộ sưu tập của mình.

Những không phải lần nào đi cũng đem lại kết quả như mong muốn, nhiều tủ sách khi tôi đến chúng đã trở thành đồng nát hoặc giấy vụn rồi”. Anh bảo những chuyến đi đột xuất thế này đã kéo dài hơn 20 năm và trở nên quen thuộc, thiếu thì thấy trong người khó chịu bứt rứt lắm. Nhớ lại một kỷ niệm khác, anh Tạ Thu Phong kể: “Trong một lần đến thăm họ hàng, vô tình có người làm vỡ tấm gương treo tường. Tâm niệm của người Việt Nam coi rằng đó là điểm không may, cả nhà đều buồn bã nhưng riêng tôi lại sững sờ, vui mừng như kẻ “khùng”. Tôi phát hiện ra trong đống đổ vỡ đó có 1 tờ báo nhìn vừa quen, vừa lạ. Đó là tờ “Đông Pháp Thời Báo”, một tờ báo quý hiếm có từ năm 1929 thế kỷ trước, tôi nhận ngay ra vì nó có kích thước rất đặc biệt. Tờ báo có khổ rộng, một chiều lên đến 90cm, nó được sử dụng làm tấm lót gương như cách ngày xưa các cụ vẫn hay dùng. Vừa ngại, vừa mừng, tôi xin phép người họ hàng đó để mang tờ báo về”. 

Có thâm niên sưu tập báo cổ, trải qua nhiều vui buồn trong thú chơi, để có nhiều tờ báo cổ, quý hiếm là cả một hành trình gian nan của Tạ Thu Phong. Hiện nay anh sở hữu trên 10.000 số báo và hơn 1.000 đầu báo, trong đó 1 trong những tờ cổ nhất là Gia Định báo xuất bản số đầu năm 1865. Nhẩm tính lại những đầu báo của mình, Tạ Thu Phong nhắc đến một số tờ như Phụ Nữ Tân Văn, Nam Phong tạp chí, Nông Cổ Mín Đàn, Khai hóa Nhật báo của Bạch Thái Bưởi, tờ Thực nghiệp dân báo, Tràng An báo, Ngày nay, Phong hóa, Tri tân, Văn mới… Đam mê, có thể đánh đổi sự nghiệp để có được những tờ báo quý hiếm nhưng theo Tạ Thu Phong: “Để trở thành một nhà sưu tập ngoài đam mê còn cần có kiến thức, thời gian và kinh tế. Người đọc báo đơn thuần chỉ khai thác nội dung thông tin mà tờ báo đem lại.

 Đối với người sưu tập, chúng tôi còn tìm hiểu các lĩnh vực khác như lịch sử xuất bản, quá trình in ấn; công việc này đòi hỏi kiến thức sâu, tích lũy trong thời gian dài. Chẳng hạn nói đến Tạp chí Văn - Sử - Địa, người sưu tầm phải biết đó là cơ quan ngôn luận của Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa được thành lập theo Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 1-12-1953. Ban nghiên cứu này xuất bản Tạp chí Sử ký - Địa lý - Văn học, mục tiêu là từng số tạp chí sẽ mang một chuyên đề về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ý tưởng đó chỉ thực hiện được 2 số thì phải hủy bỏ. Kể từ số 3, tạp chí đổi tên Văn - Sử - Địa. Tạp chí Văn - Sử - Địa tồn tại được 5 năm từ tháng 6-1954 đến tháng 1-1959 với 48 số và trên 400 bài nghiên cứu.

ƯỚC MƠ VỀ MỘT HIỆU SÁCH BÁO “ĐẲNG CẤP”  

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, bên kia cầu Long Biên, “góc” làm việc cũng như không gian sưu tầm Tạ Thu Phong nép bên bờ sông Hồng. Bên tách trà, Tạ Thu Phong kể lại cho tôi những ký ức về một thời báo chí cổ: “Báo xưa rất quý, một tờ báo rất mỏng chỉ từ 2 đến 8 trang. Thông tin cũng rất trung thực chứ không giật gân, câu khách như bây giờ. Chẳng hạn như một tin quảng cáo, ngôn ngữ được thể hiện trên mặt báo như sau: “Nhung đen toàn tơ là thứ hàng quý giá rất khó phân biệt. Bỏ ra bốn, năm chục đồng trong lúc kinh tế này mà bị nhầm thì bực mình biết mấy. Vậy trước hết hãy đến so sánh nhung của tiệm chính BOMBAY - Hàng Khay, là nơi các bạn hàng đã tặng là rừng nhung thì dù sao cũng không nhầm vì đủ các hạng”.

Đồng thời, báo chí cổ được trình bày rất đẹp vì thời đó chúng đều do các họa sĩ nổi tiếng trình bày, có thể kể đến một số tên tuổi nổi tiếng như Pham Văn Đôn, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... Ngoài ra, chất liệu giấy của báo chí xưa cũng đa dạng từ giấy gió, giấy rơm đến giấy bản; mỗi chất liệu giấy lại gắn với một giai đoạn lịch sử riêng của báo chí cũng như lịch sử của đất nước.

“Trước năm 1945, báo chí Việt Nam chủ yếu sử dụng giấy của Pháp, đặc điểm của loại giấy này là có màu ngà vàng, mỏng và bóng. Từ năm 1946-1954 xuất hiện một loại giấy báo mới là giấy rơm và giấy bản. Giấy rơm được làm từ tre, nứa và cả từ rơm. Loại giấy này được làm thủ công, không được tẩy trắng, bề mặt sù sì và đôi khi còn giữ nguyên lại những cọng rơm trên giấy. Trong giai đoạn 1954-1960, báo chí Việt Nam chủ yếu sử dụng giấy của Trung Quốc vì năm 1950 chúng ta đặt quan hệ ngoại giao với quốc gia này. Đặc điểm của giấy Trung Quốc là mềm, xốp và trắng.

 Phải đến năm 1978, Trung Quốc không tài trợ giấy cho Việt Nam nữa thì chúng ta mới sử dụng giấy trong nước sản xuất. Bắt đầu là những tờ giấy của các nhà máy in như Lửa Việt, Bãi Bằng, Việt Trì... Giấy thời đó được gọi là giấy bao cấp, chúng có đặc điểm là đen, khó lên màu nên báo thời này rất xấu”. Câu chuyện cứ vậy tiếp diễn, như gợi “đúng mạch”, Tạ Thu Phong đắm chìm trong thế giới các câu chuyện của báo chí cổ xưa: “Chẳng biết kiếp trước mình có phải là gã thủ thư đầu thai hay không nhưng mỗi khi nhìn thấy hiệu sách, báo cũ là không thể rời ra được.

Mục tiêu cuối đời không phải là khoe với thiên hạ nhà cao cửa rộng, xe đẹp, cũng chẳng phải để trở thành ai đó, chỉ mong sẽ là một gã thủ thư đích thực trong một hiệu sách báo “đẳng cấp” mà thôi. Ước vậy mà để biến thành hiện thực là một nhiệm vụ không hề dễ dàng”. Trước lúc chia tay, Tạ Thu Phong chia sẻ về “con đường” của mình rằng, anh không đủ sức để vừa yêu báo cổ vừa chăm chút cho sự nghiệp của mình; anh chấp nhận đi vào con đường sưu tầm báo chí cổ xưa, tìm kiếm và gìn giữ tri thức của nhân loại dù đã phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sự nghiệp; tuy nhiên, điều xuất phát từ tình yêu dành cho những trang báo cổ chưa bao giờ làm anh hối hận, bởi nghề chơi nào chẳng lắm công phu.