Người mang "thần nước" về bản

ANTĐ - Ở bản Cây Sơn những đêm lễ hội người già lại kể cho con cháu nghe về một huyền thoại xa xăm. Chuyện rằng: bản ta có nghìn nóc nhà có vạn con trâu, nương đồi xanh tốt đi mãi không hết. Nhưng một ngày kia quái vật phun lửa thiêu đốt thành tro. Nó cắm vòi sâu vào lòng núi hút kiệt khô cả giọt nước cuối cùng. Cây cối úa tàn, mùa màng tan tác...

Bản làng héo dần trong cơn khát và tiếng than khóc ơi hời. Bỗng trên cao một vị thần hiện xuống, vung tay khoét núi, nhổ cây khơi lên dòng nước ngọt lành tràn trề, reo vọng khắp núi rừng. Người Sán Dìu từ đây no ấm sinh sôi. Huyền thoại đó hôm nay đã hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật ở bản Cây Sơn. Vị thần khơi nguồn nước ngọt lành ấy không phải ở trên trời mà là một ông già thọt chân trong bản. Ông Bẩy "kênh" - người dẫn “thủy thần” lên núi cho bà con lập nghiệp sinh cơ.

Hiện hữu giấc mơ trên núi

Từ thành phố Thái Nguyên về bản Cây Sơn xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) chỉ có 10 km nhưng đường đi thật khó nhọc bởi những ngọn đèo chót vót cao cứ trùng điệp đến nản lòng… Chơi vơi trong màn sương quanh đồi là những khu nhà tản mát, heo hút bên từng bậc ruộng khô cằn. Chiếc xe Minks gầm một tiếng rồi bật lên bờ dốc hiểm trở đến dựng tóc. Dưới con đường dẫn xuống chân dốc là một thung lũng xanh ngăn ngắt với những vạt ngô, cánh đồng đỗ tương và đồi chè đẹp đến ngẩn ngơ. 

Người đồng hành giới thiệu đây bắt đầu là đất của Cây Sơn. Và ngay trước mắt tôi là một quả đồi bị xẻ đôi, hút sâu như vết cưa khổng lồ, khoe màu vàng rượi. Dưới nó là dòng kênh xanh biếc réo lên những âm thanh đầy sinh lực cuồn cuộn theo lòng máng bê tông chảy vào bản. Theo  lũ trẻ con hò nhau chạy dọc bờ nước là đám người đang tưng bừng nhảy múa bên những bó lúa vàng ươm chất thành đống. Tay ai cũng hua một cây rơm kết cầu kỳ thành hình ngọn chùy lớn. Xung quanh là những đống củi khô chất cao. Rượu, thịt lợn, bò, gà xếp đầy trên những chiếc bàn gỗ. Anh cán bộ tên Sơn bảo:  Lễ hội cầu mưa đó. Bình thường ngày 1-5 âm lịch mới có. Năm nay có nước, bản được vụ lúa mùa đầu tiên với gần 10 tấn nên lễ được dời đến cuối năm và thay vì cầu mưa, là hội mừng vụ lúa mới… 

Một cô gái có nước da trắng hồng chưa dứt cơn say múa hát nói: "bây giờ nhiều hội lắm vớ!"… Nước về người ta đua nhau xây bể, đào ao, cải tạo vườn đồi, xây dựng chuồng trại. Nhà ông Hòa mua ba chục mét ống nhựa với chiếc cu-le bơm nước để tưới cho cả vườn chè rộng nghìn mét. Anh Huy sắp cưới vợ cũng lặn lội lên huyện cả tuần làm giấy tờ mua 2 ha đồi để trồng ngô vì nước bây giờ "dào dạt" quanh đồi mà!.. 

Cây Sơn ngày trước không biết miếng cá là gì nay thì đẹp trời người ta cũng gọi nhau bắt dưới ao lên uống rượu. Ngoài vườn đã có thêm  con gà, con ngan, con vịt cùng đẻ trứng, cho thịt. Trưởng bản Đặng Văn Tuấn nhẩm tính: Năm nay Cây Sơn có thêm 20 ha đất canh tác được đưa vào sử dụng, 5ha chè được gieo mầm. Năng suất lúa tăng gấp đôi vụ trước. Nếu tính riêng lượng lương thực đã thu hoạch thì năm nay sản lượng bình quân đầu người gấp hai lần trước đây. Đó là chưa kể đến những mầm cây no nước đang hứa hẹn những mùa bội thu. Người Cây Sơn quen vật lộn với miếng ăn nay đã nhìn thấy cuộc sống ấm no, giàu có cận kề. Tất cả như một giấc mơ. Giấc mơ mà dòng nước xanh ngắt cắt núi, xẻ đồi đã đem về cho họ. 

Những ngày tháng khát

Ông lão Quy, người già nhất bản nhướn cặp lông mày bạc che đôi mắt đục mờ chậm rãi kể: Nhìn xem, Cây Sơn ở vào chỗ xung quanh ồ ồ những nước. Thế mà đỉnh lũ năm xưa cao chưa từng thấy thì nước cũng còn cách chân đồi này 15 mét nữa. Ngày ngày nhìn những đứa trẻ cõng can nước to hơn người oằn lưng leo dốc, nhìn những bông lúa, bắp ngô còi cọc, lép khô mà không biết "then" (trời) giận người đến bao giờ. Có mùa thiếu nước, ngày Tết cả bản chia nhau từng can, về nhà lại phân ra từng chai, quý hơn máu… Cả năm chỉ canh tác đúng một vụ. Năm nào nhiều mưa thì cả bản vẫn phải chịu 3 tháng thiếu ăn. Cứ mười năm thì ba năm không trồng cấy được gì. Vụ lúa mùa thì đồng ruộng hoàn toàn bỏ hoang, khô cằn nứt nẻ.

  

Khỏe như cây sắn, cây ngô cũng chỉ trồng mười thu một, đói thì người dân lên rừng chặt củi đem xuống chợ đổi gạo. Năm năm gần đây quá nửa bản toàn là lao động chính đi đào vàng thuê trong Quảng Nam, Đà Nẵng. Đói nghèo lay lắt vây lấy phận người, nhưng tập quán của người Sán Dìu là sống bám sườn núi và không du canh nữa nên giọt mưa vẫn là hạt ngọc của "then". Muốn “then” cho thì phải cầu.

Năm nào Cây Sơn cũng làm lễ cầu mưa. Cả bản góp tiền mua lợn, gà, xôi… để cho thày mo khấn. Trưởng bản Đặng Văn Tuấn kể: "Lời khấn đau đớn lắm: "Then ơi! hãy bí sủi cui bí theng thông xeng háo. Bí son dèo nhin đỡ khổ…" (trời ơi! hãy cho nước về để đồng ruộng tốt tươi. Để người Sán Dìu đỡ khổ…). Nhưng nước của “then” mãi không cho đủ cái ăn cái uống. Người ta thì thào rủ nhau bỏ bản đi làm thuê, bỏ học vào rừng đào củ, hái rau. Cả bản chỉ có năm người học hết lớp bảy. Trường học mỗi ngày một vời xa với trẻ em Cây Sơn.

Năm 2007 “trên tỉnh” có dự án đào kênh và xây trạm bơm cho xã Linh Sơn. Đào kênh ở đây là xác định phải xẻ đôi hai quả núi lớn nhất vùng. Đồi cao đất rắn, nơi đây có loại đất đồi mà người dân còn gọi là đá non. Cuốc xẻng bổ vào quằn cả lưỡi. Sau vài tháng khởi công cũng chẳng đào được bao nhiêu. Lòng người chán nản. Dự án thất bại, bỏ lại một cái xác trạm bơm trống rỗng và vài đoạn mương nông choèn…

Anh Đỗ Văn Long cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Linh Sơn là vùng đất cao nhất của mạch địa chất chạy dọc sông Cầu. Bản Cây Sơn toàn đồi núi gồ lên như yên ngựa nên nước thiếu trầm trọng. Việc đưa nước về đây không chỉ tốn kém về kinh phí mà còn rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, địa hình…

 Câu chuyện vị thần đem nước về Cây Sơn tưởng chừng mãi mãi chỉ là huyền thoại.

Thần của bản

Nhưng Cây Sơn có một vị "thần" đem nước về  thật. Đó là người đàn ông có gương mặt phúc hậu, mái tóc bết và quần áo bộ đội cũ bạc màu giản dị. Với đôi chân tập tễnh của người dị tật bẩm sinh trông thật khó nhọc của mình, ông đã đưa "mẹ nước" từ huyền thoại về với Cây Sơn. Tên ông là  Đặng Văn Bẩy, dân tộc Sán Dìu và cũng là người con của bản Cây Sơn này.

Gần 50 năm sống cực nhọc trên mảnh đất cỗi cằn, ông Bẩy cũng thuộc lòng câu chuyện về vị thần nọ. Song ông vẫn nghĩ rằng con người cũng có thể đưa được nước về bản.

Ông được biết chính sách bê tông hóa kênh mương của trên vẫn còn đó. Cái khó là người ta ngại kênh đi qua đất, làm mất vườn nhà mình, ngại bỏ tiền, tốn sức. Và cái sợ nhất là điều ấy khó quá, con người làm sao được. Cái trạm bơm hoang còn sờ sờ đấy thôi. Cán bộ nghe ông nói cũng chỉ cười trừ.   

Đầu năm 2009, ông Bẩy quyết định tự tổ chức họp dân bàn làm kênh. Dân kêu không có vốn góp. Ông cà nhắc đạp xe hỏi đường xuống ngân hàng. Thập thò  ngoài cổng cả ngày, đến khi bảo vệ hỏi, ông mới dè dặt trình bày. Họ cho vay 40 triệu. Ông ôm về đặt ở chái nhà họp dân lần nữa. Đàn ông trai tráng bỏ đi làm thuê hết, sức đâu mà làm? Ông vén quần chìa cái chân tong teo: "Què như thằng Bẩy còn dám mà...". Rồi ông đi thuê người vẽ sơ đồ để đào con kênh vượt núi ngắn nhất, thuận lợi nhất. Ông đạp xe tìm gặp cán bộ Phòng Nông nghiệp Đỗ Văn Long nhờ hướng dẫn xây dựng đề án. Đề án hoàn thành dự tính phải đào con kênh dài 1km xuyên qua hai ngọn đồi. Đào, xây xong lại phải đổ bê tông làm nắp đậy và san lấp đất như cũ. Kênh sẽ chảy ngầm trong lòng núi. Dự toán tổng chi phí là gần 200 triệu đông, Nhà nước hỗ trợ 80 triệu, dân đối ứng 80 triệu, trong đó có cả công đào đất và san lấp. UBND xã làm chủ đầu tư, ông Bẩy cùng bà con dân bản trực tiếp thi công và cũng chính ông là người giám sát. 

Ngày 8-2-2009 khởi công. Ông cùng vợ và hai con hợp sức với những người còn lại của bản bạt đồi xẻ núi. Từ đấy cái bóng nghiêng nghiêng, nhọc nhằn của ông gắn liền với sườn núi trập trùng sương nắng. Gian nan nhất là xẻ đôi hai sườn đồi Cột Mốc và Vành Thúng. Ở đây phải đào sâu tới 5m. Đất đồi đen và cứng, thứ đá mềm năm xưa đã làm sụp đổ dự án đào kênh của Nhà nước. Dân bản phải dùng xà-beng, cuốc chim để nạy bổ từng phân. Vừa đào vừa bắc cầu dốc nghiêng ngang mặt kênh để đội đất lên. Nhiều lúc gian khổ người ta nản, nhưng cảm cái chí của người đàn ông tàn tật mà không ai nỡ bỏ. Sau gần nửa năm đào xúc với hàng nghìn ngày công của hơn 10 người bản Cây Sơn con kênh đã hình thành. Những phần sức người không làm nổi ông Bẩy lại đạp xe thuê máy xúc đi vòng đường Bắc Ninh lên làm nốt. Tất cả phải khẩn trương chạy đua với mùa mưa nếu không kịp tất cả sẽ thành con số không.   

Ngày 20-5-2009 công trình hoàn thành. Khởi động máy bơm, bật nắp cánh cống, dòng nước xối xả tuôn trào, lũ trẻ con nắm tay nhau hò reo chạy đuổi theo dòng nước. Cả bản đổ lao xuống kênh té nước nhảy múa và uống rượu mừng.  Trên những gương mặt đen xạm, nước kênh, rượu, mồ hôi và nước mắt chảy chan hòa. Tên người nông dân già Đặng Văn Bẩy được đặt cho con kênh. Vậy mà giờ đây mỗi khi ai nhắc tới ông lại giật mình, bẽn lẽn xua tay: "công của Đảng, Nhà nước và bà con dân bản mình đấy. Tôi tàn tật làm được gì!".