Người mắc Covid-19 đừng khổ vì quá kiêng cữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người mắc Covid-19 rất cần năng lượng để chống lại bệnh. Những tin đồn thất thiệt, những lời khuyên kiêng cữ không đúng sẽ khiến bệnh lâu khỏi.

Vẫn có thể uống cà phê?

Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh là rất lo lắng, căng thẳng kèm theo triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ… thì việc uống đồ uống chứa nhiều caffeine gây kích thích thần kinh như cà phê sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhất là đối với những người ít có thói quen sử dụng cà phê thì càng có nguy cơ tăng biểu hiện hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh, mất ngủ… Đặc biệt, trong trường hợp người mắc Covid-19 có triệu chứng sốt, tiêu chảy… không nên uống cà phê để phòng nguy cơ mất nước. Cách tốt nhất để tăng cường thể trạng là ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, nếu có sốt nên uống nhiều nước và uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải.

Người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng và ngăn ngừa biến chứng

Người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng và ngăn ngừa biến chứng

Không nên ăn thịt gà?

Những biểu hiện đặc trưng khi mắc Covid-19 là người bệnh có sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… Nhiều người cho rằng theo quan niệm dân gian, nếu ăn thịt gà sẽ làm ho sốt tăng thêm, bệnh trở nặng. Thực tế thông tin F0 không ăn được thịt gà là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thịt gà chứa ít chất béo, trong lượng chất béo đó lại chứa hàm lượng omega-3 cao, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, trong thịt gà cũng có rất nhiều vi chất với giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là kẽm, sắt.

Kẽm là một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp tăng sức đề kháng, dễ tiêu hóa. Vì vậy, khi mắc Covid-19 không cần phải kiêng ăn thịt gà mà ngược lại, cần tăng cường thực phẩm này trong thực đơn để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, cần chú ý là cách chế biến thịt gà đối với người đang mắc Covid-19. Nên ăn những món được chế biến ít dầu mỡ và gia vị như cháo gà, súp gà, canh gà…

Nên kiêng ăn trứng?

Trứng chứa choline rất cần thiết cho hệ thần kinh, rất tốt trong trường hợp người mắc Covid-19 đang bị hội chứng sương mù não. Những người bị Covid-19 có thể ảnh hưởng tim. Trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho tim mạch. Phần lòng trắng của trứng chứa nhiều protein. Lòng đỏ trứng có chứa sắt, vitamin B2, B12 và D. Nhiều người tin rằng chỉ có lòng trắng trứng mới tốt cho sức khỏe và bỏ lòng đỏ. Lòng đỏ trứng có thể chứa hàm lượng cholesterol cao đáng kể nhưng chúng cũng rất giàu protein và selen, là những khoáng chất quan trọng. Ăn một lòng đỏ mỗi ngày là an toàn với người có sức khỏe bình thường.

Nên uống nước dừa thế nào là phù hợp?

Gần đây trên mạng có nhiều thông tin chia sẻ khác nhau về việc người bệnh Covid-19 nên hoặc không nên uống nước dừa. Vậy, nước dừa có tác dụng gì và bệnh nhân có nên uống nước dừa không? Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Nước dừa bổ mát có tính âm cao, vì thế không nên lạm dụng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2 quả. Ngoài ra, không dùng nước dừa cho người bị Covid-19 các trường hợp sau: Lạnh nhiều, ho, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu; đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh, hạ huyết áp…; người béo phì bị Covid-19 biểu hiện tiêu hóa kém, hay đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi…; người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu…

Nguyên tắc dinh dưỡng

Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Tăng cường các món ăn nóng, nước như cháo, súp… Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi khó ăn do sốt, ho, mệt mỏi... Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không sử dụng nước lạnh mà nên uống nước ấm để tránh kích thích họng gây ho nhiều hơn. Người bị Covid-19 cần kiêng món ăn chiên, rán, nướng bởi các món này sẽ gây khó tiêu, mệt mỏi thêm cho cơ thể. Nên thay thế bằng các món luộc, hấp, nấu. Nguyên tắc dinh dưỡng là cân đối và đầy đủ năng lượng, đủ các nhóm chất dinh dưỡng.