Người lưu giữ quá khứ bằng hình ảnh

ANTĐ - “Có những lần mừng đến nỗi suốt đêm không ngủ được khi vô tình tìm được một tấm hình quý giá. Lúc nhỏ, từ khi mới 9-10 tuổi tôi đã rất yêu thích những bức ảnh. Sau này, khi đã trưởng thành tôi vô tình có được những bức ảnh có giá trị lịch sử và cũng từ đó, mới có ý thức sưu tầm. Việc sưu tầm ảnh và những bức ảnh đến với tôi là một cơ duyên…”.

Những cuốn sách ảnh được lấy trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Khắc Cần

Sử gia cũng phải thán phục

Trong căn phòng nhỏ trên gác hai của một ngôi nhà cũ tại số 90 đường Lê Duẩn, với cả bốn bề là những tủ sách, kệ sách lớn nhỏ, một chiếc bàn ở chính giữa dùng tiếp khách đến chơi và chiếc sập gụ làm nơi nghỉ ngơi ở góc phòng. Tất cả đều nhuốm màu thời gian. Không gian nhỏ hẹp và hoài cổ ấy chính là nơi sinh sống của nhà sưu tập ảnh, bưu thiếp Nguyễn Khắc Cần.

Sinh năm 1933, là một “hàn sỹ” gõ đầu trẻ, quê Phú Xuân, Bình Định, Nguyễn Khắc Cần ham mê nghiên cứu, sưu tầm,  sách, ảnh và bưu thiếp. Với ông, việc sưu tầm nằm ngoài sự nghiệp, bởi ông không phải là nhà nghiên cứu, cũng không công tác trong các viện hay bảo tàng mà đơn giản bởi vì “Ảnh chính là những minh chứng lịch sử không cần giải thích. Mỗi bức ảnh đều có câu chuyện riêng của nó và bản thân câu chuyện đó đã là một phần của quá khứ và lịch sử rồi”.

Kết quả của hơn 30 năm sưu tầm, biên tập và tự nghiên cứu của mình, nhà sưu tầm Nguyễn Khắc Cần đã cho ra cả chục đầu sách mà ngay cả các sử gia, các nhà nghiên cứu văn hóa phải lấy làm ngạc nhiên và thán phục. Những đầu sách ảnh có giá trị như: “Việt Nam qua 700 hình ảnh” (1992); “Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ (1994); “Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp” (1997); “Việt Nam cuộc chiến 1858-1975” (1999); “Bách khoa toàn thư Hà Nội - Việt Nam” (2000); “Văn hóa Việt Nam qua bưu ảnh cổ” (2001); “1000 hình ảnh Hà Nội-Việt Nam xưa” (2010)… Ông cho biết, sắp tới sẽ xuất bản thêm: “Người chiến binh cuối cùng của Phong trào Cần Vương”; “Hà Nội phố phường và sự kiện”; “Triều Nguyễn”;

Được cựu Tổng thống Mỹ tặng 1 xe sách

Trong căn phòng giản dị, ông chậm rãi kể về những cuốn sách ảnh của mình, với ông “con đường lịch sử sẽ đưa những cuốn sách của tôi đến người nhận mà không cần địa chỉ” -  Đó là khi ông nói về cuốn sách của mình, cuốn sách “Việt Nam cuộc chiến 1858 – 1975”. Kết thúc cuốn sách là bức ảnh đám cưới của đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Peter Peterson và cô Vy - Lê người Australia gốc Việt. Chính cuốn sách này, ông đã gửi tặng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2010, khi ông tới thăm Việt Nam, những hình ảnh trong cuốn sách đã thay lời cho cả hai dân tộc, nói lên  thông điệp hòa bình. “Một ngày cuối năm, có một bưu tá đến gõ cửa và yêu cầu tôi xuống đường nhận bưu phẩm. Khi xuống tới nơi tôi đã rất bất ngờ bởi bưu phẩm là cả một xe thư chở đầy sách, những cuốn sách có giá trị từ chính cựu Tổng thống Bill Clinton gửi tặng kèm bức thư cảm ơn thể hiện sự đánh giá rất cao của vị cựu tổng thống Mỹ dành cho cuốn sách của tôi” - Ông vui vẻ khi nói về cuốn sách quý của mình.

Trong kho ảnh mà ông Nguyễn Khắc Cần may mắn được sở hữu, có nhiều bức ảnh quý, và ông coi đó là những bảo vật vô giá. Đó là những bức ảnh vị Tổng đốc Hoàng Diệu, Tổng đốc cuối cùng của Hà Nội cưỡi voi dẫn quân lính đi trước điện Kính Thiên. Hai bức ảnh này đến với ông như một cơ duyên, đầy ngẫu nhiên và hết sức tình cờ. “Đó là lần một người bạn mang đến cho tôi một đống sách vở, bưu ảnh cũ bởi biết tôi thích sưu tầm. Tôi lục trong đống đồ cũ này và phát hiện có hai tấm bưu ảnh cũ với dòng chú thích bằng tiếng Pháp, vị Tổng đốc cuối cùng của thành Hà Nội. Tôi mừng quá. Bức ảnh chụp Tổng đốc Hoàng Diệu cưỡi voi che 4 lọng đi trước điện Kính Thiên, phía sau là binh lính tùy tùng. Hai tấm ảnh vô cùng giá trị này chính là minh chứng duy nhất bằng hình ảnh về vị Tổng đốc cuối cùng của thành Hà Nội”- ông Nguyễn Khắc Cần chia sẻ. Nhà sử học Dương Trung Quốc khi được xem hai tấm ảnh này đã ngẩn người bởi chính ông đã từng xem một tiêu bản của hai bức ảnh này trong một cuốn sách ảnh của Pháp, nhưng lúc đó ảnh không chú thích rõ ràng nên ông không biết đó là tấm ảnh gì. 

Trong căn phòng nhỏ của nhà sưu tập Nguyễn Khắc Cần hiện đang lưu giữ khoảng 7 vạn tấm ảnh, tranh vẽ và bưu ảnh cổ. Những hình ảnh lưu giữ lịch sử, văn hóa của Việt Nam được ông sưu tầm, biên tập và sau đó in thành những cuốn sách có giá trị. Ông cho biết thêm: “Với mỗi cuốn sách, chỉ riêng việc biên tập và sắp xếp để có thể in thành một tác phẩm sách có giá trị phải mất 3-4 năm, đấy là còn chưa kể đến quãng thời gian sưu tầm cho đủ số lượng ảnh phù hợp và việc bảo quản những bức ảnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam là vô cùng khó khăn”. Chính vì vậy mà ông cũng từng tặng rất nhiều những tài sản sách, ảnh quý giá của mình cho các bảo tàng, các thư viện, nơi có điều kiện bảo quản và lưu giữ tốt hơn. Bởi theo ông: “Giá trị của những bức ảnh này là không thể nào tính được”.