Người lớn cũng phải học

ANTĐ - Hai “hot girl” bị xử phạt hành chính sau khi thách thức nhau qua facebook lôi kéo hàng trăm người tò mò đến quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ xem giải quyết mâu thuẫn gây mất trật tự ở khu vực trung tâm Sài Gòn. Một sinh viên tung lên mạng clip cô giáo tự xưng “cung bọ cạp” mắng chửi học viên rất phản giáo dục, khiến cả triệu người biết chuyện, gây dư luận xôn xao. Hai sự việc dù có khác biệt, nhưng có một điểm chung đều liên quan đến những thanh niên trẻ tuổi bột phát.

Thanh niên là lứa tuổi có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý, hình dáng bên ngoài giống như người lớn nhưng về mặt tâm lý xã hội có thể vẫn còn chưa hoàn thiện. Họ luôn muốn và luôn có khát vọng bày tỏ và khẳng định mình. Chính vì vậy, tự bên trong, những nhân cách trẻ đã xảy ra sự mất cân bằng rất lớn mà nếu không hiểu - không thông cảm - không giúp đỡ họ kịp thời, sẽ rất dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. 

Các em có thể bị ngộ nhận về khả năng của mình. Bởi thế, người ta thường nói một cách giàu hình ảnh là người trẻ tuổi hay tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, là nhân vật có tầm quan trọng nhất, mọi người nên suy nghĩ và hành động như mình. Do đó, những thất bại nho nhỏ, những xích mích vụn vặt, những bức xúc khó coi, mà họ gặp phải đều có thể làm tổn thương, chạm tự ái, dễ dẫn đến những hành vi nông nổi, bột phát khó lường. Mặt khác, do ít trải nghiệm, thiếu kiến thức xã hội nên sự đánh giá người khác của các em khá cực đoan - cứng nhắc, đó là điều đương nhiên.

Người trẻ cũng dễ tỏ rõ thái độ với những người mà tự họ cho là không đúng, không tốt.Cũng bởi vậy, nếu ai cũng hiểu rõ những người trẻ, có cư xử đúng mực, tôn trọng và biết lắng nghe, thì có lẽ, đã không có chuyện cô giáo “cung bọ cạp” nạt nộ, ăn miếng trả miếng với học viên trẻ tuổi. Bởi thế, giáo dục luôn mang trong mình những sứ mệnh cao cả. Giáo dục được những người trẻ thành công dân tốt, thành những người có ích cho gia đình và xã hội, khó thay. Ngay cả người lớn cũng phải học kỹ năng xử lý tình huống với những người trẻ, để có thể giúp người trẻ vượt qua những bế tắc cuộc đời, tự tin định hướng và trưởng thành lành mạnh. Còn ngược lại, hậu quả xã hội sẽ là khôn lường.

Sứ mệnh cao cả của giáo dục không chỉ dừng lại ở những giờ giảng đầy hứng khởi cho học sinh, không chỉ dừng lại ở những giờ học “chất ngất” kiến thức, mà còn là những ứng xử đúng mực, gương mẫu của người lớn ở ngoài đời. Qua đó, người trẻ học để biết, học để làm người, học để chung sống trong xã hội.