Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vì không chờ được đủ tuổi nghỉ hưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lương không đủ sống, nhiều công nhân lao động phải “cắm” sổ Bảo hiểm xã hội, chấp nhận thua thiệt rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải sinh hoạt. Các chuyên gia cho rằng, cần phải thiết kế lại quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.

Của để dành “tan thành mây khói”

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là 496.000 người, tăng so với cùng kỳ là 0,25%. Xu thế dự báo có thể còn tăng do tác động của dịch, khó khăn trong kinh tế - xã hội và biến động của thị trường lao động. Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động thường rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những trường hợp đóng dưới 10 năm. Còn theo một điều tra xã hội học, có đến hơn 61% người lao động sẵn sàng nhận bảo hiểm xã hội một lần, số kiên quyết không rút chỉ có hơn 31% và không bày tỏ ý kiến là gần 8%. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, không có tích lũy, công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm.

Người dân đến cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện các thủ tục liên quan

Người dân đến cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện các thủ tục liên quan

Bàn về nội dung này, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định tình trạng gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã diễn ra nhiều năm gần đây nhưng sau đại dịch đã có sự tăng đột biến kéo dài cho đến thời điểm này. Kết quả khảo sát về vấn đề này của Viện Công nhân và công đoàn cũng chỉ ra rằng, phần lớn người lao động đi rút bảo hiểm xã hội một lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt.

Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế cũng chỉ ra rằng, khoảng 8,3 triệu trong số 10,1 triệu người cao tuổi không được hưởng một khoản trợ cấp nào vào năm 2017, chiếm tới 83% tổng số người trên 60 tuổi. Nếu không có một chiến lược nhằm mở rộng diện bao phủ hưu trí, thì việc có ít người tham gia đóng bảo hiểm hiện nay sẽ dẫn tới diện bao phủ hưu trí hạn chế trong tương lai. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 16,4 triệu người cao tuổi có nguy cơ không có khoản trợ cấp nào. Việc người lao động sớm rời bỏ hệ thống Bảo hiểm xã hội là họ đã tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, nhất là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất… dẫn đến rủi ro trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng Bảo hiểm xã hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

Thiệt thòi nhiều quyền lợi

So sánh về quyền lợi của người rút và không rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ mất đi nhiều quyền lợi. Cụ thể, toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó không được bảo lưu, không được hưởng chế độ ốm đau, hưu trí, khám chữa bệnh. Ngay cả khi qua đời, thân nhân của họ không được hưởng chế độ tử tuất. Khi rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống Bảo hiểm xã hội, đánh mất cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn.

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, bình quân một người phải đóng tiền Bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương/năm. Khi rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước năm 2014) và 2 tháng (sau năm 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động. Rút tiền Bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội, tức là sau này không được hưởng chế độ hưu trí và chế độ bảo hiểm y tế lúc ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp, việc đã rút bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đơn cử, nhiều lao động không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do đã lỡ rút bảo hiểm xã hội một lần... Bên cạnh đó, sau khi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần giữa chừng, nếu sau này người lao động vẫn đủ thời gian hưởng lương hưu nhưng do thời gian đóng Bảo hiểm xã hội ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi về già. Mặt khác, người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nghỉ hưu sẽ được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế với quyền lợi chi trả lên đến 95% chi phí khám chữa bệnh, trong khi những người mua bảo hiểm y tế tự nguyện chỉ được hưởng tối đa 80%.

Xem xét giảm điều kiện về thời gian đóng

Theo các chuyên gia về chính sách sau 6 năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội điều này khiến nhiều lao động không chờ được đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua sẽ gây hệ lụy lâu dài với tương lai người lao động và chính sách an sinh xã hội. Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng Bảo hiểm xã hội để người lao động hưởng lương hưu.

Theo đó, dự kiến sẽ rút dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được. Bên cạnh đó, dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn. “Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%, Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc rút ngắn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội xuống 15 năm và tiến tới 10 năm có thể là một trong những biện pháp để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động ở lại lưới an sinh xã hội cần tạo niềm tin cho họ với các chính sách như hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế, đồng thời cần có giải pháp căn cơ hơn như chính sách tiền lương và các chính sách hỗ trợ khác.