Người khuyết tật không lấy được dấu vân tay vẫn được cấp Căn cước công dân gắn chip

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về sự chia sẻ giúp đỡ của nhiều cá nhân đối với một chàng trai khuyết tật, phải về quê vì cha tai biến nhưng không đủ tiền, không làm giấy tờ tùy thân nên đã cầu cứu giữa sân bay...

Sau lời cầu cứu của chàng trai, nhiều người có mặt tại thời điểm đó đã nhanh chóng quyên góp tiền giúp anh mua vé máy bay và còn dư một chút làm lộ phí về quê từ sân bay Tân Sơn Nhất. Với Giấy chứng nhận khuyết tật do UBND xã cấp, chàng trai này đã được lên máy bay đúng giờ quy định.

Câu chuyện trên đã kết thức có hậu, song qua sự việc này, không ít người vẫn băn khoăn về thông tin chàng trai đưa ra “em là người khuyết tật, không có đôi bàn tay, nên không làm chứng minh nhân dân được" và đặt câu hỏi: Việc cấp CCCD cho người khuyết tật được quy định ra sao?

Về đối tượng cấp CCCD, Theo Luật Căn cước công dân, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD. Số thẻ CCCD là số định danh cá nhân. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định.

Như vậy, những người khuyết tật về tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể vẫn được cấp CCCD.

Những người khuyết tật vẫn được làm CCCD gắn chíp như bình thường

Những người khuyết tật vẫn được làm CCCD gắn chíp như bình thường

Về việc thu thập vân tay khi làm CCCD, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái. Trường hợp nếu không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

Ngoài ra, điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016 của Bộ Công an quy định về trình tự thủ tục cấp CCCD cũng nêu rõ, cán bộ cơ quan quản lý CCCD chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD in trên phiếu thu nhận thông tin và thẻ CCCD.

Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay. Trường hợp ngón tay bị cụt, khoèo, dị tật, không lấy được vân tay thì cán bộ quản lý CCCD ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Với những trường hợp người khuyết tật ở tay không thu được vân tay thì cán bộ quản lý CCCD sẽ ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó trên phiếu thu thập thông tin và thẻ CCCD.

Thực tế cho thấy, trường hợp khi lăn dấu vân tay để làm CMND hay CCCD mà không thể thấy được dấu vân tay thì mục dấu vân tay sẽ được đánh dấu “x”.

Lúc này cơ quan công an sẽ tiến hành định danh bằng những đặc điểm nhận dạng khác. Pháp luật hiện nay không có quy định nào bắt buộc là phải lăn tay được thì mới được làm CMND và CCCD.