“Người khổng lồ” đuối sức

ANTĐ - Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (CBK) thông báo nước này và Australia vừa ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 4,5 tỷ USD trong một động thái nhằm tăng cường hoạt động thương mại cũng như giúp kìm hãm sự lên xuống thất thường của đồng tiền.
“Người khổng lồ” đuối sức ảnh 1
Đồng tiền nào sẽ cạnh tranh vai trò thống trị của đồng USD?

Là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Australia, trong năm 2013, Hàn Quốc có mức trao đổi thương mại với Australia đạt 30 tỷ USD. Theo thông lệ từ trước tới nay, các giao dịch thương mại song phương này đều thông qua đồng USD. Tuy nhiên, sự suy thoái gần đây của nền kinh tế Mỹ cũng như tỷ giá thất thường của đồng USD đã gây cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Australia khó khăn trong thanh toán.

Với thỏa thuận có thời hạn 3 năm do các thống đốc ngân hàng trung ương hai nước vừa ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Australia có thể linh hoạt hơn khi sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại. Tổng giá trị của các giao dịch này có thể lên tới 5.000 tỷ won (4,5 tỷ USD). Trong tuyên bố sau khi thoả thuận này được thông qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nêu rõ: “Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại song phương để phát triển kinh tế hai nước”.

Đây có thể coi là những bước đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, đồng USD trở thành ngoại tệ chính trên thế giới. Khởi đầu, USD chỉ là đồng tiền chính thức của Mỹ và một vài nước khác từng là thuộc địa của Mỹ. Song, cùng với sự nổi lên của nền kinh tế Mỹ, sức mạnh của USD đã khiến hàng loạt nước trụ cột cố định tỷ giá của đồng nội tệ vào USD. Được đảm bảo bằng uy tín của một cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới, đồng USD ngày càng khẳng định vai trò toàn cầu của mình, thậm chí được coi là biểu tượng cho sức mạnh vô biên của nền kinh tế Mỹ.

Chắc vai trò đó sẽ còn giữ ưu thế tuyệt đối nếu như cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu không xuất hiện, mà nơi bắt đầu của nó lại chính là quê hương của đồng USD. Sự giảm giá mạnh của USD so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác làm dấy lên những cảnh báo rằng sự suy yếu của đồng tiền này có thể gây ra bất ổn cho kinh tế thế giới và đẩy các quốc gia khác vào cuộc đua phá giá đồng tiền. Liên hợp quốc thậm chí đã phải lên tiếng kêu gọi một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu mới để chấm dứt uy thế của đồng USD. 

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thời kỳ độc tôn trong thanh toán và dự trữ của đồng USD đã kết thúc và đã đến lúc đồng USD cần phải bị thay thế bằng một loại tiền khác, có thể là euro, nhân dân tệ, bảng Anh, yên Nhật,…hay một đồng tiền mới sẽ thay thế USD và trở thành đồng tiền dự trữ mới, giống như USD đã từng thế chỗ đồng bảng Anh vào cuối thế kỷ trước. Việc Hàn Quốc và Australia quyết định dùng đồng nội tệ thanh toán một phần trong trao đổi thương mại chính là thể hiện xu hướng trên.