Người không có tên trong di chúc vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố mẹ tôi sinh được 4 người con. Gần đây ông bà lập di chúc phân chia di sản cho các con nhưng tôi không được nhận bất kỳ tài sản gì. Xin luật sư phân tích giúp tôi về việc phân chia di sản không phụ thuộc vào di chúc? Dương Văn Thọ (Hà Nội)
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo khoản 1, Điều 644, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, thì những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Nghĩa là nếu bạn dưới 18 tuổi hoặc đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động, thì kể cả bố mẹ bạn viết di chúc nhưng không để lại di sản cho bạn, bạn vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế. 2/3 của một suất thừa kế được hiểu như sau: Chẳng hạn bố mẹ bạn có 400.000.000 đồng và có 4 người con. Nếu chia thừa kế theo pháp luật, mỗi người con được 100.000.000 đồng. Trong trường hợp bạn dưới 18 tuổi, mặc dù bố mẹ bạn viết di chúc không để lại 100.000.000 đồng cho bạn, thì bạn vẫn được hưởng khoảng hơn 66.000.000 đồng (bằng 2/3 của 100.000.000 đồng). Còn nếu bạn đã thành niên (đủ 18 tuổi) và có thể tự mình lao động như những người bình thường, thì bạn sẽ không được hưởng di sản theo di chúc của bố mẹ.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Giả sử di chúc bố mẹ bạn lập không tuân thủ các điều kiện của một di chúc hợp pháp, như lập di chúc trong lúc không minh mẫn, sáng suốt hoặc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc trái quy định của luật… thì di chúc đó không được pháp luật công nhận. Khi đó bạn có quyền thỏa thuận với những người anh chị em của mình để thống nhất chia đều phần di sản của bố mẹ để lại hoặc khởi kiện ra Tòa án, đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản.