Người khắc bút cuối cùng trên phố Đinh Tiên Hoàng

ANTĐ - Thời chưa xa lắm ấy, bút máy là một trong 4 phụ kiện trang sức của trai trẻ, gồm: “bật lửa, kính, bút, đèn pin”. Để rồi, có hẳn một nghề kiếm sống được gọi là nghề khắc bút. Trải qua bao năm, giữa bao bộn bề, vội vàng của thời đại máy tính, vẫn còn đó một người khắc bút, kiếm sống chậm rãi trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng.

Người khắc bút cuối cùng trên phố Đinh Tiên Hoàng ảnh 1

Những năm xa xưa

Đinh Tiên Hoàng là con phố không dài nhưng có vị trí vô cùng đẹp, nằm giữa Thủ đô, sát ven bờ Hồ Gươm. Vì thế phố chỉ có 1 bên dãy nhà, chủ yếu là các cơ quan quan trọng mà người Hà Nội đã quá quen như Nhà thông tin, Bưu điện Hà Nội, Công viên Lý Thái Tổ, Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Văn hóa - thể thao, Sở điện lực, Nhà hát múa rối Thăng Long và xen vào đó là những nhà dân cũng nổi tiếng không kém như Phở Thìn, Nhà thuốc Cứu Thế năm xưa…

Con phố này chứng kiến biết bao đổi thay của Thủ đô và đất nước. Phố Đinh Tiên Hoàng cũng tự hào với nhiều thứ đã trở thành kỷ niệm đẹp của người Hà Nội như bức tranh Bác Hồ bế em bé cùng hình ảnh chim bồ câu trắng biểu tượng của hòa bình. Rồi chiếc đồng hồ lớn nhất Hà Nội với tiếng nhạc đặc trưng vào các thời điểm 6h, 12h, 18h mà nay ít ai còn nghe thấy vì âm thanh xe quá ồn. Rồi ven hồ Gươm với Tháp Hòa Phong sót lại của một ngôi chùa cổ từng là trạm chờ tàu điện với hình ảnh ông cụ mù ngồi bán sáo trúc và kim băng. Tháp Bút với 3 chữ “Tả Thanh Thiên” mà tương truyền đúng 5h sáng ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, bóng của đầu bút lông sẽ đổ đúng vào nghiên mực trên Đài Nghiên ở cổng đền Ngọc Sơn.

Những năm xa xưa ấy, tối tối tại Phương Đình của đền Bà Kiệu, Sở Văn hóa còn mang vô tuyến đen trắng ra đó đặt cho dân mang ghế ra ngồi xem, còn ban ngày những người làm nghề khắc bút ngồi đó kiếm sống. Thời ấy, người ta viết bằng bút máy, cứ hết mực lại tự bơm vào. Các thương hiệu bút máy ngày ấy nổi tiếng như Trường Sơn, Hồng Hà, sang hơn nữa thì là bút Kim Tinh của Trung Quốc. Mực viết thì có mực Cửu Long với màu xanh sẫm viết nhanh khô và mực để lâu không bị “chết”.

Người khắc bút cuối cùng trên phố Đinh Tiên Hoàng ảnh 2

Có một thời

Có một thời, phố Đinh Tiên Hoàng có khoảng hơn hai chục người làm nghề khắc bút kiếm sống. Họ ngồi rải rác từ cổng Bưu điện Bờ Hồ đến đền Bà Kiệu và tận bến tàu điện. Khắc bút khá đơn giản, người thợ có một chiếc dùi nhọn bẻ cong đầu. Dùng đầu nhọn vạch lên vỏ bút máy cho xước theo những hình hoặc chữ. Chủ yếu là chữ “Kỷ niệm” rồi thêm ngày tháng năm.

Khéo hơn thì khắc chữ lồng kiểu thiếp cưới ngày xưa. Có người thì thích khắc hình nhưng cũng chỉ đơn giản là đôi chim hòa bình đang tung cánh. Sau khi khắc xong thì lấy cục phấn màu miết vào cho bột phấn chui vào các kẽ xước để lại những hình, chữ rất đẹp trên thân bút. Khi chủ nhân bút dùng nhiều mờ hình thì lại lấy phần mầu miết lên, hình và chữ lại đẹp như cũ.

Hồi ấy, ngực áo chàng trai nào cũng có một chiếc bút máy đẹp với nắp nhựa và chiếc cài hình mũi tên bằng kim loại vàng chóe hoặc màu kền. Nhiều câu chuyện còn thêu dệt rằng để thiết kế ra chiếc mũi tên cài bút đó là bí mật của quốc gia đã phát minh ra vì nó không bao giờ gỉ.

Cái thời của mực Cửu Long với bút Hồng Hà đó người ta kén chọn cả ngòi bút Kim Tinh một hai hạt gạo, hạt gạo to thì nét chữ to, hạt gạo nhỏ thì nét chứ thanh, đỡ tốn mực. Rồi ruột bút là loại ruột gà bơm mực như bơm xe đạp. Thời đó, đang viết mà hết mực lại ngửa chiếc bút xin mực của người bên cạnh. Trước khi xin còn hỏi “anh dùng mực gì” để chọn. Nếu không đúng loại mực mình đang dùng thì tối đó sẽ phải bơm hết mực ra rồi dùng nước ấm để rửa thật sạch nếu không sẽ “chết” mực, bút viết mực xuống không đều.

Trải qua bao nhiêu năm, Bưu điện Bờ Hồ với dòng chữ bằng đèn neon giờ bị thay bằng tấm biến VNPT Hà Nội. Sở điện lực cũng thành Tổng công ty. Phương Đình đền Bà Kiệu đã thành tượng đài cảm tử 30 năm nay và giờ có thêm màn hình lớn chiếu các hình ảnh về Hà Nội. Nhà thuốc Cứu Thế nổi tiếng năm nào giờ không biết là số nhà nào nữa. Tháp Bút vẫn còn đó nhưng đã bị những bụi tre đằng ngà, cây vô ưu che nên chẳng ai kiểm nghiệm xem ngày Tết Đoan Ngọ bút có chấm vào nghiên mực nữa không?

Thế nhưng, một ngày đầu năm, du xuân ra đền Ngọc Sơn, nhìn thấy gốc đa già nghìn tuổi bên đền Bà Kiệu vẫn thấy một ông cụ dáng người nhỏ bé, làn da sạm đen nhưng đỏ au. Ông già Lê Văn Quý nhà ở Phúc Tân đã làm nghề khắc bút đến hơn nửa thế kỷ nay. Thời xa xưa, khi đền Bà Kiệu vẫn còn đình Trấn Ba đặt tấm bia ghi công A Lịch Sơn Đà La, ông lấy nơi này làm nơi kiếm tiền sinh sống mà nuôi 6 đứa con, 3 trai 3 gái. Những năm thời chiến tranh, cái gì cũng thiếu thốn và người ta không thể tích trữ hay mua thứ gì nhiều, ngay từ tờ giấy để viết thư. Vợ chồng ông Quý có một chiếc xe cút kít bày đủ loại giấy báo, bưu ảnh, bút lông, mực tàu… ngồi bán ngay cạnh đền Bà Kiệu nơi gốc đa già mà kiếm sống. 

Hồi ấy, nghề khắc bút kiếm sống khá dễ dàng. Hai vợ chồng với 6 đứa con của ông đã sống qua thời thiếu thốn bao cấp đó bằng những nét khắc bút tài hoa. Cứ đều đều, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, ông có mặt ở gốc đa già với tấm biển nhỏ “Khắc bút máy”. Những đứa con của ông cũng theo chân bố mẹ ra phụ giúp bán hàng và lớn lên ngay ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Chị Hương, con gái thứ ba của ông giờ cũng ra trông xe máy cùng bố, anh Sơn con trai thứ tư thì chụp ảnh cho khách đoàn du lịch cũng ven hồ Gươm. Chị Hương nhớ lại hồi nhỏ ban ngày đi học, rồi ra phụ giúp bố mẹ. Cứ tối thứ bảy, chủ nhật lại cầm 1 viên gạch ra đình Trấn Ba xem vô tuyến.

Năm tháng dần trôi, nghề khắc bút dần mai một vì ít người còn dùng bút máy. Ông Quý vẫn kiếm sống bên gốc đa già mấy trăm tuổi, tranh thủ trông xe máy cho khách, rồi thi thoảng vẫn có khách thuê khắc bút để giữ làm kỷ niệm hay mới đây nhiều người thuê ông khắc thỏi son, hộp phấn xịn để làm quà tặng. Người vợ của ông đã mất năm ngoái khi gần 90 tuổi. Còn ông cũng không minh mẫn, ông không nhớ rõ mình bao nhiêu tuổi, khi thì ông nói ông 83, lúc thì mới hơn 70 nhưng chị Hương con gái ông thì nhớ trong giấy ghi bố sinh năm 1927 còn mẹ sinh năm 1929. Ba bố con hàng ngày vẫn gắn bó bên gốc đa già, chậm rãi kiếm tiền cho dù cuộc sống thời hiện đại đang hối hả. Nếu những ngày lễ, tết, trông xe máy cứ phải hai mươi, thậm chí năm mười nghìn 1 xe máy thì bố con ông vẫn chỉ lấy năm mười nghìn thôi.

Ngày đầu xuân Bính Thân, du khách đi vãn cảnh quanh hồ Hoàn Kiếm, bắt gặp ông Quý vẫn ngồi đó không biển hiệu, không mời chào. Chỉ những ai biết thì thuê ông khắc chữ. Đồ nghề của ông vẫn là chiếc dùi bẻ cong nhọn đầu, nét khắc vẫn sắc, vẫn bay bướm và rất Hà Nội. Thực ra, nghề khắc bút máy vẫn còn vài người trên phố Hàng Quạt, Tố Tịch nhưng trên phố Đinh Tiên Hoàng chỉ còn ông Quý là người khắc bút máy cuối cùng.