Người hùng thầm lặng cứu hàng nghìn người Do Thái trong Thế chiến 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào tháng 6-1940, một nhân viên kinh doanh người Hà Lan, kiêm nhiệm Lãnh sự ở Lithuania, đã cấp thị thực giả cho những người tị nạn Do Thái để trốn khỏi châu Âu, trước nguy cơ diệt chủng của Đức quốc xã. Nhưng mãi đến bây giờ câu chuyện về “người hùng” ấy - ông Jan Zwartendijk - mới được kể.
Ông Jan Zwartendijk cùng hai con lớn Edith và Jan ở Kaunas, Lithuania năm 1940

Ông Jan Zwartendijk cùng hai con lớn Edith và Jan ở Kaunas, Lithuania năm 1940

Người vô danh

Đó là người đã giúp cứu sống nhiều người Do Thái hơn cả nhà công nghiệp người Đức Oskar Schindler - nhân vật lừng danh trong Thế chiến 2. Nhưng trong khi những hành động dũng cảm của Schindler được cả thế giới ngưỡng mộ nhờ một bộ phim đoạt giải Oscar, thì ít ai hay rằng một nhân viên kinh doanh người Hà Lan mang tên Jan Zwartendijk đã giúp hàng nghìn người Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc xã.

Gần đây, một cuốn sách của nhà văn nổi tiếng người Hà Lan Jan Brokken đã khôi phục tên tuổi cho Zwartendijk và những người cùng chí hướng với ông. Họ từng đoàn kết để “lách luật” và giúp hàng nghìn người Do Thái bị mắc kẹt trong cuộc diệt chủng. “The Just”, xuất bản bằng tiếng Anh trong năm 2021 kể loại câu chuyện mà trung tâm là Zwartendijk cùng nhà ngoại giao Nhật Bản Chiune Sugihara. Họ đã ứng biến một con đường thoát hiểm từ Lithuania (hay còn gọi là Litva, nằm ở Đông Âu tiếp giáp biển Baltic, nằm giữa Latvia và Nga) đến cảng Tsuruga của Nhật Bản và hơn thế nữa. Hơn 10 ngày vào mùa hè náo loạn năm 1940, hai người đàn ông đã cấp “thị thực” cho 2.139 người. Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 6.000 - 10.000 người có thể đã trốn thoát, vì mỗi người đàn ông đều đi kèm với phụ nữ và trẻ em.

Đáng nói, trong lịch sử Nhật Bản, nhà ngoại giao Sugihara đã trở thành một anh hùng dân tộc. Tên tuổi của ông được đưa vào trong chương trình giảng dạy phổ thông của Nhật Bản và có đến 3 bảo tàng ghi dấu công lao. Nhưng cái tên Zwartendijk thì gần như đã bị lãng quên. Con trai út của Zwartendijk sống ở Litva hồi nhỏ và không biết gì về hành động của cha mình cho đến khi 30 tuổi. Hiện giờ người con trai ấy - ông Rob Zwartendijk (81 tuổi) - sống ở thị trấn Blaricum, phía Bắc Hà Lan. “Cha tôi chưa bao giờ nói về câu chuyện của mình trong thời kỳ đó. Và bất cứ khi nào nó được khơi lên, ông lại bảo: “À, điều đó không quan trọng lắm. Mọi người ai cũng sẽ làm như vậy nếu họ ở vị trí như cha” - ông Rob Zwartendijk kể.

Đài tưởng niệm ông Jan ông Zwartendijk ở Kaunas

Đài tưởng niệm ông Jan ông Zwartendijk ở Kaunas

Sáng kiến giúp người tị nạn

Jan Zwartendijk trở thành một nhà ngoại giao một cách tình cờ. Khi Thế chiến 2 nổ ra vào năm 1939, ông là người đứng đầu chi nhánh của hãng Philips ở Kaunas (khi đó là Thủ đô của Lithuania), chuyên bán radio, máy hát và bóng đèn. Cuộc sống rất tốt đẹp, ông có gia đình hạnh phúc, viên mãn với 3 đứa con. Là một nhân viên đáng tin cậy của công ty, Zwartendijk được Chính phủ Hà Lan đề nghị kiêm nhiệm vị trí Lãnh sự ở Kaunas do viên lãnh sự trước đó bị nghi ngờ có thiện cảm với Đức Quốc xã. Với mong muốn hỗ trợ một số công dân Hà Lan, Zwartendijk sớm đứng trước một sự lựa chọn nguy hiểm. Ông sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn Do Thái đến gõ cửa nhà ông. Họ đã chạy đến Lithuania sau cuộc xâm lược của quân phát xít vào nước láng giềng Ba Lan vào tháng 9-1939.

Trong Thế chiến tranh 2, Lithuania là mặt trận giằng co giữa Hồng quân Liên Xô và Đức Quốc xã, nhưng trong gần 10 tháng, Kaunas là một thành phố tự do. Được mệnh danh là “Casablanca của phương Bắc”, đó cũng là mảnh đất trú ẩn của nhiều người tị nạn. Được một vài người tị nạn gợi ý, Zwartendijk đồng ý ghi vào hộ chiếu của họ dòng chữ “Không cần giấy thông hành” để đến đảo Curaçao (thuộc vùng Caribe của Hà Lan). Điều này đúng về mặt kỹ thuật, nhưng lẽ ra phải thêm chi tiết rằng cần có sự cho phép của Thống đốc quản lý hòn đảo này. Zwartendijk cho rằng, sẽ không có ai xác minh việc chấp thuận cho người lên hòn đảo nhỏ bé không mấy tên tuổi đó. Thực tế đúng như vậy. Thị thực giả này đã mở ra cánh cửa để nhiều người rời đi. Được trang bị “Thị thực Curaçao”, những người tị nạn Do Thái liên hệ với ông Sugihara hoặc chính quyền Xô Viết để đăng ký thủ tục quá cảnh. Tin đồn về “quý ngài bán radio Philips” bắt đầu lan rộng.

Dù sống cách nhau chưa đầy 300m nhưng quả thực, ông Zwartendijk và Sugihara chưa bao giờ gặp nhau. Đôi khi họ nói chuyện qua điện thoại và ông Sugihara kêu gọi đồng nghiệp người Hà Lan làm chậm việc cấp thị thực. Trong khi Zwartendijk viết thị thực bằng bút máy và con dấu mực xanh, Sugihara lại “sáng tác” bằng bút mực và bút vẽ tốn nhiều công sức hơn.

Cả 2 đều gặp rủi ro rất lớn. Sự liều lĩnh của họ đã thu hút sự chú ý của cảnh sát khi có một hàng dài người xếp hàng bên ngoài văn phòng hãng Philips kiêm vai trò là Lãnh sự quán Hà Lan. Vào một buổi tối, một sĩ quan cảnh sát tới thăm ông Zwartendijk và lệnh cho binh lính chặn vỉa hè bên ngoài. Cáo buộc Zwartendijk gây nguy hiểm cho an toàn công cộng, viên sĩ quan đe dọa sẽ đóng cửa Lãnh sự quán ngay lập tức. Vị Lãnh sự Hà Lan đề nghị tặng một chiếc dao cạo điện hoàn toàn mới mà công ty đã giới thiệu vào năm 1939. Thấy thiết bị quá hay, viên cảnh sát để Zwartendijk tiếp tục.

Khi Zwartendijk quay trở lại Hà Lan bị Đức Quốc xã chiếm đóng vào tháng 9-1940, ông hoàn toàn giữ bí mật việc đã làm. Năm 1964, ông thậm chí còn bị Bộ Ngoại giao Hà Lan khiển trách sau khi một tờ báo đưa tin về “Thiên thần xứ Curaçao” bí ẩn. Có lẽ các lãnh đạo thời điểm ấy cảm thấy xấu hổ vì không có được hành động dũng cảm như ông Zwartendijk.

Ông Zwartendijk rất tức giận về sự khiển trách này, nhưng ông cũng bị dằn vặt vì không biết những người đã trốn thoát nhờ thị thực Curaçao của mình giờ đây sống chết thế nào. Con trai của ông nghĩ cha mình không dám nói ra vì sợ rằng không ai có thể sống sót trong thời loạn lạc ấy. “Chắc hẳn ông ấy nghĩ rằng hầu hết những người này đều không sống nổi. Ông lo rằng có thể đã đẩy họ đến chỗ chết”.

Năm 1976, các nhà nghiên cứu đánh giá rằng, 95% người tị nạn Do Thái có giấy tờ của Zwartendijk đã sống sót sau chiến tranh. Nhưng thông tin này đến được với nhà Zwartendijk chỉ 1 ngày sau đám tang của ông.

Ghi nhận và vinh danh

Chắc chắn, đối với những người tị nạn Do Thái, thị thực Curaçao không phải là tấm hộ chiếu dễ dàng để tự do mà chỉ là sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu đau đớn mới. Trong số này, gia đình Do Thái Abraham Liwers đã phải chịu đựng những năm tháng khốn khổ nhất trong đời. Khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, hai vợ chồng cùng cô con gái chạy trốn khỏi quê hương Będzin, nơi ông chồng sở hữu một nhà máy sản xuất phụ tùng xe đạp.

Sau nhiều tháng chạy trốn và một ngón chân bị mất vì tê cóng, Abraham cuối cùng đã đến được Kaunas, nhưng vợ và con gái ông đã bị thất lạc và sau đó đưa đến một trại ở Urals (Liên Xô cũ). Khi Abraham Liwer đến được Vladivostok, liên tục trong 2 tháng, ngày nào ông cũng đến văn phòng NKVD (Dân ủy nội vụ Liên Xô) để thỉnh cầu tìm vợ con mình. Cuối cùng thì gia đình họ đoàn tụ, đến Nhật Bản rồi sau đó định cư ở New York.

Đối với Liwer-Stuip, người đã viết nên lịch sử gia đình Liwer dài 1.200 trang, cả 2 ông Zwartendijk và Sugihara đều đóng một vai trò to lớn trong việc cứu sống ông bà và dì của cô. “Tìm hiểu thông tin về Sugihara thì dễ, nhưng tôi không thấy tài liệu về ông Zwartendijk. Sự không công bằng khiến tôi xúc động. Tôi liên tục tự hỏi, tại sao người này lại nổi tiếng đến vậy còn người kia lại hầu như không được biết đến. Tôn vinh một người và bỏ quên người còn lại, đó không phải là lịch sử thực sự” - Liwer-Stuip nói với tờ Observer.

Ông Sugihara qua đời vào năm 1986, hai năm sau khi được công nhận danh hiệu cao quý nhất dành cho những người đã mạo hiểm mọi thứ để cứu sống người Do Thái. Nhưng phải đến năm 1997, gia đình Zwartendijk mới được trao vinh dự này. Tại Hà Lan, vào năm 2018, cuốn sách của Brokken ra đời như một lời xin lỗi chính thức tới gia đình Zwartendijk, mô tả lời khiển trách năm 1964 là “hoàn toàn không phù hợp”.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Stef Blok đã ca ngợi 2 ông Zwartendijk và Sugihara đã có hành động phi thường, chịu nhiều rủi ro cá nhân để cống hiến hết mình cho nhân loại. Cuốn sách của Brokken đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thành phố Kaunas đã vinh danh ông Zwartendijk bằng một đài tưởng niệm trước văn phòng hãng Philips. Ở đài tưởng niệm đó, treo lơ lửng giữa những thân cây hình xoắn ốc là 2.139 cuốn hộ chiếu. Đến tối, những cuốn hộ chiếu nhiều màu lấp lánh giữa màn đêm.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Stef Blok đã ca ngợi 2 ông Jan Zwartendijk và Chiune Sugihara đã có hành động phi thường, chịu nhiều rủi ro cá nhân để cống hiến hết mình cho nhân loại. Thành phố Kaunas đã vinh danh ông Zwartendijk bằng một đài tưởng niệm trước văn phòng Philips. Ở đài tưởng niệm đó, treo lơ lửng giữa những thân cây hình xoắn ốc là 2.139 cuốn hộ chiếu. Đến tối, những cuốn hộ chiếu nhiều màu lấp lánh giữa màn đêm.