"Người hùng" giữa biển khơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giữa cơn sóng dữ của bão số 7 và bão số 8 nối tiếp nhau, những người hùng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (PHTKCNHH) vẫn lao ra biển để cứu 11 thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu Vietship01 giữa biển Cửa Việt. “Nhiều lần anh em quyết tâm ra, nhưng sóng dữ cao 3-5m dồn dập không ngừng. Ra được nửa chừng thì gió to, mưa lớn lại đẩy họ quay vào, ấy vậy nhưng việc đó cứ lặp đi lặp lại mà không ai nản lòng…” - Tổng Giám đốc Trung tâm PHTKCNHH Bùi Văn Minh nhớ lại.
Anh Trần Văn Khôi và các đồng nghiệp tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải xung phong ngồi xuồng cao su ra cứu nạn tàu Vietship 01

Anh Trần Văn Khôi và các đồng nghiệp tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải xung phong

ngồi xuồng cao su ra cứu nạn tàu Vietship 01

Ngư dân vào bờ, cứu nạn ra biển

Cứu hộ, cứu nạn vốn là công việc bội phần khó khăn kèm theo hiểm nguy trùng trùng, đặc biệt là công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Những hiểm nguy khó nói thành lời, nhưng những “người hùng” của ngư dân, của thủy thủ trên những con tàu viễn dương chưa một lần chùn bước. Ông Bùi Văn Minh - Tổng Giám đốc Trung tâm PHTKCNHH cho hay, mỗi lần nhận được “tin dữ”, trong bất kể điều kiện nào thì tất cả các cán bộ vẫn vượt muôn trùng hải lý để cứu người. Riêng năm 2020, trung tâm đã cứu được hàng trăm người và hàng chục tàu thuyền gặp nạn.

Để lại nhiều ấn tượng nhất là vụ cứu nạn thành công tàu Vietship01 bị mắc kẹt trên biển Cửa Đại khi cơn bão số 7 chuẩn bị đổ bộ và bão số 8 thì đang trên đường vào bờ. Nhớ lại những giây phút khó có thể quên ấy, ông Bùi Văn Minh kể, khoảng hơn 7h ngày 8-10-2020, Trung tâm nhận thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị với nội dung: Tàu nạo vét Vietship 01 (thuộc Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Vietship) có 9 thuyền viên bị đứt neo tại vị trí phao số 5 luồng Cửa Việt và trôi ra phao số 0.

Trong khi trôi dạt, tàu Vietship 01 đã cứu vớt 2 thuyền viên của tàu Vietship TK 12 bị chìm trong khu vực trên. Như vậy, trên tàu Vietship 01 đang có tổng cộng 11 người. Ngay sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã phát thông báo hàng hải khẩn, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, các cơ quan liên quan và chủ tàu để xác minh, thu thập thông tin liên quan đến tai nạn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ và lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có mặt phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Trung tâm PHTKCNHH lên phương án giải cứu tàu Vietship 01.

“Lúc này, phương án đưa ra là cho 4 ngư dân dày dạn kinh nghiệm dùng tàu cá ra tiếp cận tàu bị nạn. Ở lần tiếp cận đầu tiên, các ngư dân đã đưa thành công 2 thuyền viên tàu Vietship 01 vào bờ. Tuy nhiên, đến lần thứ hai, do sóng to nên tàu cá đã bị lật chìm. May mắn là 3 ngư dân tàu cá kịp bám lên tàu Vietship 01, còn 1 người bơi được về bờ, tình hình hết sức căng thẳng” - ông Minh nhớ lại. Thấy vậy, anh Trần Văn Khôi và 3 đồng nghiệp tại Trung tâm PHTKCNHH khu vực II xung phong xin dùng xuồng cao su ra để cứu nạn bất chấp nguy hiểm chực chờ. Thời điểm đó, sóng gió rất to, ngay cả trực thăng cứu hộ cũng không thể mạo hiểm ra ứng cứu.

Anh Trần Văn Khôi cho biết: “Khi ấy, chúng tôi chỉ có một mục tiêu cứu người là trên hết. Lần đầu tiên, chúng tôi đưa được 2 thuyền viên về bờ. Lần vượt sóng thứ hai thì không thành công do xuồng bị sóng đánh hỏng động cơ. Tuy nhiên, tôi vẫn đề xuất thay xuồng để quay lại tiếp tục cứu nạn. Chúng tôi là những hy vọng duy nhất đối với các thuyền viên trên con tàu gặp nạn lúc đó. Đã 2 ngày qua họ phải chịu đói rét và sức đang dần kiệt dần. Chúng tôi chẳng có thời gian mà nghĩ ngợi, lúc ấy chỉ biết phải đưa các thuyền viên về bằng được”.

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, anh Khôi cùng 3 đồng nghiệp lại lên xuồng cao su vượt sóng dữ tiến ra khu vực tàu Vietship 01 gặp nạn. “Thời điểm anh Khôi và 3 đồng chí khác xung phong tiếp tục ra biển cứu người, cấp lãnh đạo chúng tôi cũng hết sức tâm tư và băn khoăn. Tính mạng con người ai cũng đáng quý như nhau. Chiếc xuồng mong manh giữa sóng dữ, trời vẫn mưa xối xả như muốn nhấn chìm tất cả. Hình ảnh ấy chúng tôi không thể nào quên” - ông Minh nói.

“Cuộc chiến” với sóng dữ, gió bão càng gấp rút hơn khi chiều muộn 10-10-2020, vì kiệt sức, 1 thuyền viên trên tàu Vietship 01 đã bị sóng đánh mất tích. Tối cùng ngày, trực thăng cứu hộ dù rất cố gắng tiếp cận vị trí con tàu gặp nạn nhưng cũng chỉ thả được dây neo và lương thực tiếp tế. Sau đó, thời tiết quá tồi tệ khiến việc cứu hộ, cứu nạn phải tạm dừng. “Đến sáng 11-10, với nỗ lực của trực thăng, 6 thuyền viên tàu Vietship 01 đã được kéo lên đưa vào bờ an toàn. Ngoài ra, có 2 thuyền viên khác đã tự bơi được vào bờ và được Đặc công Hải quân tiếp cận. Đây thực sự là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi” - ông Minh tâm sự.

“Anh hùng biển cả” cũng có lúc ngậm ngùi

Không chỉ tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân hay thuyền viên gặp nạn trên biển, những cán bộ của Trung tâm PHTKCNHH còn tham gia các cuộc cứu nạn quốc tế và được đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm PHTKCNHH khu vực III kể về vụ cứu hộ, cứu nạn tàu Xin Hong (quốc tịch Panama) khiến ông và nhiều anh em áy náy khôn nguôi.

Sự việc xảy ra vào lúc 16h30 ngày 17-12-2020, Trung tâm PHTKCNHH Việt Nam nhận được thông tin con tàu này gặp nạn, trên tàu có 15 thuyền viên (11 thuyền viên Trung Quốc và 4 thuyền viên Việt Nam). Tàu phát tín hiệu lần cuối tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) và sau đó mất liên lạc. Thời điểm ấy gió Đông Bắc cấp 7-8, giật cấp 9, sóng cao trên 5m.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm PHTKCNHH điều tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm PHTKCNHH khu vực III) tại Vũng Tàu khẩn trương ứng cứu. “Bất chấp sóng to, gió lớn, ngay trong đêm 17-12, chúng tôi vượt biển đến đảo Phú Quý. Cán bộ tìm kiếm cứu nạn tàu SAR 413 đã chiến đấu với sóng dữ cứu được 11 người. Tuy nhiên đã có 2 người chết và 2 người mất tích” - ông Cẩm ngậm ngùi. Ghi nhận sự trách nhiệm đầy nhiệt huyết của các thành viên Trung tâm PHTKCNHH khu vực III, đầu tháng 12-2020, Tổ chức Hàng hải thế giới đã gửi Thư khen thuyền trưởng tàu SAR 413.

Ông Cẩm cũng chia sẻ thêm một kỷ niệm khó quên khi các cán bộ của trung tâm tham gia cứu nạn 11 người đi trên tàu Đại Hải Phát 17 khi họ bị mắc cạn tại Trà Vinh. “Thời điểm chúng tôi nhận được tin thời tiết rất xấu, biển động mạnh, sóng cao kèm gió Đông Bắc cấp 6-7. Tối 20-11-2020, nước tràn vào hầm máy, tàu Đại Hải Phát 17 không còn khả năng điều động cũng như hư hỏng hết phương tiện liên lạc. Quá trình tàu bị sóng dập đã khiến một số thủy thủ bị thương, tinh thần các thuyền viên hoang mang cực độ. Trong bối cảnh đó, tàu SAR 413 đã có mặt kịp thời, cứu nạn thành công toàn bộ 11 người trên tàu Hải Phát. Đến sáng 21-11, chúng tôi và các thuyền viên đã về Vũng Tàu an toàn” - ông Cẩm cho hay.

Tuy vậy, vị lãnh đạo Trung tâm PHTKCNHH khu vực III cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những vụ cứu nạn không mấy suôn sẻ khi vẫn có những thủy thủ mãi mãi mất tích trên biển. Trước đại dương, con người vô cùng mong manh và nhỏ bé, nhất là trong những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Thậm chí ngay cả trong việc cứu hộ, cứu nạn giữa biển khơi, chưa bao giờ những người đi ứng cứu dám chắc chắn về sự an toàn cho chính họ.