Người Hà Nội tiêu thụ hải sản bình thường

ANTĐ - Dạo một vòng qua các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, Linh Lang, Ngọc Hà… sáng 3-5, chúng tôi nhận thấy, tuy sức mua hải sản giảm nhẹ, song các tiểu thương vẫn tỏ ra khá lạc quan.

Người Hà Nội tiêu thụ hải sản bình thường ảnh 1

Hải sản vẫn được bày bán tại các chợ và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Tại các chợ trên, giá các loại hải sản khá ổn định: ngao 20.000 đồng/kg, cá nục 50.000 đồng/kg, tôm sú từ 250.000-450.000 đồng/kg tùy loại, tu hài 350.000 đồng/kg, cua bể từ 350.000-450.000 đồng/kg. Theo một số tiểu thương kinh doanh hải sản tại chợ Thành Công, mấy hôm trước, nhiều người lo ngại khi ăn hải sản nhưng hôm nay lượng người mua đã tăng trở lại. Tại quầy bán hải sản trong chợ Ngọc Hà sáng 3-5, bà Đỗ Thị Phương (ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, trong gia đình bà, mọi thành viên đều thích đồ biển nên đây là món ăn hầu như không thể thiếu trong bữa cơm của gia đình.

Trong mấy ngày nghỉ lễ, để có bữa ăn tươi, bà Phương đã đi chợ mua cua, tôm biển, ngao về làm lẩu hải sản. “Lúc đầu khi nghe tin hải sản chết hàng loạt ở tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận, tôi cũng khá lo lắng về chất lượng mặt hàng này bày bán tại chợ. Nhưng sau khi con trai tôi đi công tác ở khu vực đó về cho biết, thực tế không giống như những lời đồn thổi trên mạng xã hội, nhiều người dân trong đó vẫn tắm biển, ăn hải sản bình thường nên tôi đã yên tâm hơn. Theo tôi, để đảm bảo quyền lợi của các hộ khai thác, kinh doanh hải sản và người tiêu dùng, chính quyền các địa phương, ban ngành liên quan cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ chất lượng hải sản đầu ra, cho đóng dấu hải sản đảm bảo chất lượng như kiểm dịch thú y, đồng thời xử lý nghiêm những người cố tình thông tin phóng đại sai sự thật, gây hoang mang dư luận” - bà Phương đề xuất.

Cho dù đến thời điểm hiện tại, một số gia đình vẫn tỏ ra thận trọng khi sử dụng hải sản, song theo Thạc sỹ Nguyễn Khương - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá mà bỏ qua loại thực phẩm này. Điều quan trọng là khi mua hải sản, người tiêu dùng cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết đồ biển tươi ngon với hàng ôi thiu, nhiễm độc.

Cụ thể, khi mua cua biển nên chọn con có lớp vỏ bên ngoài có màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Với tôm hùm, những con còn tươi ngon là tôm có càng xanh trong, vỏ tươi bóng. Tôm he còn nhảy, có màu hồng trắng, mắt xanh là tôm ngon. Với các loại cá, khi mới đánh bắt lên mắt còn tươi, trong, mang cá có màu đỏ tươi, không bị thâm đen. Khi dùng tay ấn nhẹ vào mình cá, thấy thịt đàn hồi trở lại là còn tươi. Khi mua mực, nên chọn mực còn đầu dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. 

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Khương, hải sản bị nhiễm độc sẽ có mùi lạ như mùi dầu hôi, mùi hắc… Đặc biệt, cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, có những con còn có đốm đỏ và nhiều vết xây xước trên cơ thể.