Người gửi tiền không bị ảnh hưởng

ANTĐ - Sáng 2-11, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Phóng viên ANTĐ đã phỏng vấn ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, ĐBQH tỉnh Thái Bình, một số vấn đề liên quan đến dự án luật này.

Lợi ích của người gửi tiền sẽ được đảm bảo ở mọi ngân hàng

- PV: Đơn vị nào được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý bảo hiểm tiền gửi hiện nay, thưa ông?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Ngân hàng Nhà nước quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

- PV: Như vậy không khác nhau là mấy giữa Ngân hàng Nhà nước với các Ngân hàng Thương mại?

- Khác chứ, trước đây Chính phủ quản lý, nay là Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm.

- PV: Sao không phải là một đơn vị nào đó ngoài ngành Ngân hàng chịu trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi, thưa ông?

- Không được, bởi lẽ toàn bộ vấn đề bảo hiểm tiền gửi liên quan trực tiếp đến hoạt động Ngân hàng và chính sách tiền tệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải quản lý. Chúng ta cần hiểu rằng, vấn đề gì liên quan đến chính sách tiền tệ và các hoạt động của tiền tệ đều do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

- PV: Đặt giả thiết trong trường hợp Ngân hàng Thương mại bị phá sản, thì bảo hiểm tiền gửi sẽ bồi thường cho người gửi theo hình thức nào?

- Lấy ví dụ tiền gửi tiết kiệm tư nhân, khi Ngân hàng đăng ký phá sản hoặc chưa phá sản nhưng đổ vỡ tài chính, thì phải giải quyết chi trả cho người gửi. Nếu mất khả năng thanh khoản và người gửi đến rút tiền ào ào nhưng thiếu tiền, thì bảo hiểm đứng ra chi trả.

- PV: Bảo hiểm sẽ trả như thế nào, thưa ông?

- Bảo hiểm trả theo mức hạn định là 50 triệu đồng, nếu tiền gửi dưới 50 triệu đồng thì trả tự do và chi trả hết. Nếu trên 50 triệu đồng thì phải dãn thời gian để trả dần, chứ cùng một lúc thì số lượng tiền không đáp ứng được. Tinh thần là trả hết, nhưng mức trả đợt đầu bao nhiêu do Thủ tướng quyết định, tùy theo tình hình kinh tế và khả năng đáp ứng của ngân hàng để đảm bảo quyền lợi của người gửi.

- PV: Bảo hiểm tiền gửi vàng và USD hiện nay có hợp lý không, thưa ông?

- Nếu Nhà nước thực hiện cơ chế quản lý đồng vàng mới và chính sách quản lý ngoại hối mới là không cho gửi bằng ngoại tệ và vàng, thì quy định này hợp lý. Còn nếu cho gửi bằng vàng và Nhà nước đứng ra nhận và Ngân hàng công nhận thì phải có bảo hiểm. Giả sử không có bảo hiểm thì phải có lộ trình, giải thích và hướng giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người gửi.

- PV: Trong trường hợp cùng một lúc nhiều Ngân hàng Thương mại bị “sập” hoặc phá sản, thì khả năng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước có đáp ứng được không?

- Ngân hàng Nhà nước phải điều hành quản lý hợp lý với từng trường hợp và không thể tồn tại nữa mới cho phá sản, chứ không phải cứ đăng ký phá sản là phá sản ngay. Có nhiều cách giải quyết như tăng vốn điều lệ, thay công nghệ hay thay cán bộ quản lý...

- PV: Như vậy, liệu có phát sinh vấn đề cùng một lúc nhiều Ngân hàng không có khả năng thanh khoản cho người gửi, và chỉ một số Ngân hàng được thanh toán?

- Không bao giờ có trường hợp đó xảy ra và nếu có thì phải giải quyết một cách đồng bộ, có hệ thống. Phải phân loại xem lỗi ở đâu, khuyết điểm ở khâu nào để giải quyết nguyên nhân, chứ không phải giải quyết theo kiểu cào bằng, một nguyên nhân là trả tiền bảo hiểm.

- PV: Vậy, lợi ích của người gửi tiền có được đảm bảo?

- Người gửi không bao giờ bị ảnh hưởng, bất luận gửi vào Ngân hàng nào khi lâm sự Nhà nước đều phải có trách nhiệm.

- PV: Xin cảm ơn ông!