Người gửi tiền cho Công ty Khải Thái có đòi được tiền không?

ANTĐ - Ngày 14-10, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã công bố kết quả bước đầu của chuyên án Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc huy động vốn kinh doanh vàng tài khoản.

Người gửi tiền cho Công ty Khải Thái có đòi được tiền không? ảnh 1Cơ quan điều tra khám xét Công ty Khải Thái

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện Công ty Khải Thái có hành vi kinh doanh trái phép bằng hình thức huy động vốn thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư nên đã thu thập tài liệu đấu tranh. Qua điều tra, công ty này thành lập vào tháng 11-2011, được điều hành bởi Hsu Ming Jung, tên tiếng Anh là Saga (người Đài Loan).

Bằng vỏ bọc là một doanh nghiệp kinh doanh vàng tài khoản làm ăn phát đạt, Khải Thái liên tục mở chi nhánh tại các tòa nhà văn phòng hạng sang và tuyển dụng hàng trăm cộng tác viên. Sau khi qua đào tạo ngắn hạn, các cộng tác viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm những người có khả năng tài chính, dụ dỗ họ gửi tiền để công ty đầu tư kinh doanh và được hưởng lãi suất cao (từ 3%-3,5%/tháng, tương đương 36% – 42%/năm). Bằng chiêu thức này, công ty đã huy động được 478 tỷ đồng của các nhà đầu tư ủy thác. Thế nhưng Khải Thái không đầu tư kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào mà chỉ lấy tiền người sau trả lãi cho người trước và rút tiền ra để chiếm hưởng.

Ngày 1-10, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tiến hành phá án, đồng loạt thực hiện lệnh khám xét tại 3 địa điểm của Công ty Khải Thái, bắt khẩn cấp 6 đối tượng gồm: Hsu Ming Jung, Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc; Đoàn Thị Luyến, Giám đốc điều hành trụ sở chính; Đinh Thị Hồng Vinh, Giám đốc điều hành Văn phòng Long Biên (Hà Nội); Tăng Hải Nam, Giám đốc điều hành Văn phòng Cầu Giấy (Hà Nội); Trịnh Hòa Bình, kế toán trưởng. Qua khám xét, lực lượng chuyên án đã thu giữ hơn 56 tỷ đồng tiền mặt và một lượng lớn ngoại tệ chưa kiểm đếm, 4 tỷ đồng trong tài khoản phong tỏa, 3 ô tô Mercedes và nhiều thùng tài liệu, tang vật có liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.

Ngày 11-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tích cực truy xuất dữ liệu trong các máy tính của công ty và tập hợp tài liệu có liên quan để sớm làm rõ số lượng người tham gia đầu tư, lượng tiền mà các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt; đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ các đối tượng khác có liên quan.

Vấn đề cần trao đổi là những người gửi tiền cho Công ty Khải Thái có vi phạm pháp luật không? Có đòi được tiền đã gửi không?

Công ty Khải Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công ty Khải Thái nhận tiền của người gửi mà không đầu tư vào một hoạt động kinh doanh sinh lời nào, chỉ lấy tiền người sau trả lãi cho người trước và rút tiền ra để cá nhân chi tiêu, hưởng thụ, chuyển tiền ra nước ngoài là hành vi lừa đảo. Vấn đề là người ham lợi nhắm mắt gửi tiền cũng có lỗi. Lãi suất tiết kiệm của các Ngân hàng hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng dao động từ 7% tới dưới 9%/năm, tức là mỗi tháng chưa được tới 1%. Với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay với các doanh nghiệp cao nhất cũng chỉ 12% mà ngân hàng còn tìm đỏ mắt không ra khách hàng vay tiền. Vậy thì tại sao Công ty Khải Thái phải chi cho người gửi tiền tới 36-42%/năm? Chỉ một câu hỏi đơn giản này cũng đã thấy Công ty Khải Thái chỉ lừa thôi? Tin vào những kẻ lừa đảo, mất tiền là đúng thôi. Nguyễn Thị Hiền (Thanh Lương, Hà Nội)

Người gửi tiền cho Công ty Khải Thái không có lỗi

Với những hiểu biết về kinh doanh của mình, tôi cho rằng người gửi tiền cho Công ty Khải Thái không có lỗi. Họ cũng không cần biết Công ty Khải Thái dùng tiền của họ cho việc gì. Đây là hành vi ủy thác tài chính, là hoạt động cho Công ty Khải Thái vay tiền lấy lãi, có cam kết trách nhiệm, có hợp đồng kinh tế. Công ty Khải Thái phải trả cả tiền gốc và tiền lãi cho những người gửi tiền. Pháp luật phải bảo vệ người gửi tiền. Nếu công ty Khải Thái không trả được tiền, cơ quan nào cấp phép cho Công ty Khải Thái hoạt động phải có nghĩa vụ đền bù cho người gửi tiền. Cấn Văn Hà (Quốc Oai, Hà Nội)

Chơi sàn vàng tài khoản là hoạt động theo thỏa thuận dân sự


Kinh doanh trên sàn vàng tài khoản cũng như ngoại hối Forex là hoạt động phổ biến trên thế giới. Người chơi sàn vàng có thỏa thuận các nguyên tắc chơi với chủ sàn vàng. Đó là thỏa thuận dân sự hợp pháp. Người chơi sàn vàng, sàn ngoại tệ tài khoản, không vi phạm pháp luật. Vì vậy tiền của họ không bị tịch thu. Những tài sản thu được của Công ty Khải Thái phải trả cho người còn có tiền gửi tại đó. Đồng thời, các cơ quan pháp luật có trách nhiệm thu hồi toàn bộ số tiền công ty này đã chuyển ra nước ngoài để trả cho người gửi tiền. Chắc chắn, người gửi tiền, người tham gia kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh ngoại tệ trên sàn ngoại hối Forex không bị xử lý trước pháp luật. Khuất Bá Nham (Thạch Thất, Hà Nội)

Bình luận của luật sư 

Hành vi nhận tiền gửi của hàng nghìn người, không đầu tư kinh doanh mà dùng tiền đó trả lãi, chuyển ra nước ngoài và phục vụ nhu cầu cá nhân, không có khả năng khắc phục hậu quả là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can là đúng các quy định pháp luật. Để trả lời câu hỏi: Những người gửi tiền cho Công ty Khải Thái có đòi được tiền gửi không? chúng ta cần tìm hiểu các quy định pháp luật về đầu tư tài chính, kinh doanh tài chính. Về hành vi nhận tiền ủy thác đầu tư, trước hết, cần khẳng định Công ty Khải Thái có giấy phép kinh doanh. Ngành nghề kinh doanh của họ là tư vấn và đầu tư. Có thể hiểu đơn giản: Uỷ thác đầu tư: nhiều người muốn đầu tư gián tiếp nhưng không biết nên đầu tư vào doanh nghiệp nào thì có thể nhờ các tổ chức tài chính. Hợp đồng uỷ thác đầu tư thường có kỳ hạn một vài năm, bên có tiền sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn hoặc bằng lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng, ngoài lợi nhuận cam kết đó, nếu việc đầu tư sinh lợi nhiều thì khoản lợi hơn dự kiến đó sẽ được chia giữa bên có tiền và tổ chức thực hiện đầu tư. Lợi nhuận được trả hàng năm, không thể chấm dứt hợp đồng rút vốn trước hạn. Đơn vị nhận ủy thác đầu tư chịu trách nhiệm bảo toàn vốn và trả lãi theo kỳ hạn hợp đồng. 

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các họạt động đầu tư. Như vậy, việc một doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện, hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty Khải Thái không đáp ứng các quy định đó, vì vậy hoạt động nhận ủy thác đầu tư của công ty này là trái pháp luật. Tuy nhiên Công ty Khải Thái không tiết lộ cho khách hàng về việc không được phép nhận ủy thác đầu tư, cho nên những người gửi tiền cho công ty Khải Thái tin vào lời thuyết phục gạ gẫm của các nhân viên tư vấn đầu tư của Công ty Khải Thái mà gửi tiền. Thêm nữa, pháp luật cũng không cấm hành vi cho vay lấy lãi, nếu lãi suất không vượt quá 10 lần lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Chính bởi lý do đó, những người gửi tiền cho Công ty Khải Thái để lấy lãi không vi phạm pháp luật. Cũng bởi Công ty Khải Thái hoạt động nhận ủy thác đầu tư trái pháp luật và không có cơ quan quản lý Nhà nước nào cấp phép cho công ty này nhận ủy thác đầu tư, vì vậy không có cơ quan Nhà nước nào có trách nhiệm bù đắp cho người gửi tiền tại Công ty Khải Thái. Những người gửi tiền chỉ nên hy vọng được trả lại một phần tiền từ số tiền và tài sản thu được của Công ty Khải Thái. Số tiền đó chưa đến 70 tỷ đồng, chưa bằng 15% số tiền mà công ty này huy động của những người gửi tiền. Tài sản thu được của Công ty Khải Thái sẽ được xử lý như với một công ty phá sản, giải thể với ưu tiên đầu tiên là thanh toán những khoản giải quyết với pháp luật, các khoản chi cho giải thể, phá sản công ty, sau đó mới đến các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. Sau những khoản đó, phần tài sản còn lại mới dành cho các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Với những quy định pháp luật như vậy, số tiền còn lại để dành cho những người gửi tiền có thể coi như là không còn và coi như khả năng lấy lại tiền của những người gửi tiền là bằng không.

Về hành vi mở sàn vàng, tham gia kinh doanh ngoại hối Forex nếu Công ty Khải Thái có tham gia thì đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo thông tư số 17 ngày 29/6/2010, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài trước ngày 31/7/2010. Tất cả các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng hết hiệu lực kể từ ngày 1/8/2010. Về kinh doanh ngoại hối, theo Điều 36 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam, nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối là: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác. Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được phép. Như vậy, việc kinh doanh sàn vàng và ngoại hối Forex (nếu có) của Công ty Khải Thái là việc vi phạm các quy định pháp luật. Những người tham gia kinh doanh vàng tài khoản và ngoại hối Forex trên các sàn do Công ty Khải Thái tổ chức (nếu có) cũng là vi phạm các quy định pháp luật. Và các khoản tiền tham gia các giao dịch vàng, ngoại tệ trái pháp luật sẽ bị tịch thu. Tùy theo mức độ vi phạm, những người tham gia kinh doanh vàng tài khoản và ngoại hối sẽ bị xử lý, mức thấp nhất sẽ là xử phạt hành chính, cao hơn sẽ bị truy tố. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội )