Người giúp việc hưởng lương thấp vì thiếu kỹ năng

ANTĐ - Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường lao động trở nên sôi động với nhu cầu giúp việc gia đình tăng cao. Đây là lúc người sử dụng lao động sẵn sàng mở hầu bao nhưng người giúp việc lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Người giúp việc hưởng lương thấp vì thiếu kỹ năng  ảnh 1Được đào tạo các kỹ năng, lao động giúp việc sẽ dễ có việc làm ổn định hơn

Khách hàng khó tính, nhân viên dễ dãi

Đứng trước nhu cầu thuê người giúp việc ngày càng tăng, đặc biệt là các gia đình công chức thu nhập cao, bà Đặng Phương Anh, Trưởng phòng bán hàng Công ty TNHH JupViec.vn cho biết, doanh nghiệp này thường xuyên mở các khóa đào tạo nhân viên để nâng cao năng lực làm việc. “Một nhân vật khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật của Hà Nội đã trở thành khách hàng đặc biệt của công ty bởi độ khó tính của chủ nhà. Vài hạt bụi trên phào tường hay toilet chưa trắng tinh… cũng khiến vị chủ nhà này phản ánh đến công ty. Không chỉ yêu cầu cao về công việc, chủ nhà còn đòi hỏi rất chặt chẽ về tác phong, cách ứng xử của nhân viên, không chuyên nghiệp là xử lý tại chỗ đồng thời phản hồi với doanh nghiệp” – bà Phương Anh cho biết. Tuy nhiên, khi đã thỏa mãn thì ngay lập tức vị khách hàng này trở thành kênh giới thiệu khách hàng mới rất hiệu quả cho doanh nghiệp. Điều này, có lợi cho cả doanh nghiệp và nhân viên nhưng vấn đề là không có nhiều người lao động đạt được yêu cầu như vậy.

Mới đây, trong đề tài “Đánh giá năng lực làm việc của lao động giúp việc gia đình trên địa bàn TP Hà Nội - Ngụ ý cho đào tạo nghề”, nhóm sinh viên Trần Minh Trang, Đỗ Mỹ Linh, Nguyễn Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Anh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố khảo sát 120 người sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, người lao động coi mức lương là một yếu tố để tạo động lực cho công việc của họ. Tùy vào mức lương như thế nào, người giúp việc sẽ cố gắng làm tốt hay không tốt thay vì chủ động tự trang bị năng lực tốt để đáp ứng công việc với mức lương dành cho lao động có kỹ năng.

Nhu cầu đào tạo bài bản kỹ năng giúp việc

“Phần lớn người làm trong lĩnh vực này suy nghĩ khá đơn giản, chỉ coi đây là công việc tạm thời, không có ý định nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, với nhu cầu trong năm 2014 lên đến 4.000 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, 150 nhân viên làm việc hết công suất, suy nghĩ của nhiều người đã thay đổi” – bà Đặng Phương Anh cho biết. Cũng theo bà Đặng Phương Anh, trước đây doanh nghiệp yêu cầu  người lao động tham gia đào tạo ngắn hạn một tuần trước khi nhận việc thì hầu hết mọi nhân viên đều không đồng ý với lý do đi học thì không có lương. Đến nay, với việc được trả nửa ngày lương trong thời gian đào tạo, cộng với nhận thức rõ hơn về khả năng thu nhập cao nếu trình độ tốt, nhiều nhân viên đã tự nguyện tham gia các khóa huấn luyện bổ sung trong quá trình làm việc.

Nhấn mạnh về những kỹ năng cần có của lao động giúp việc, chị Trần Minh Trang, đại diện nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài trên cho biết, những yêu cầu đầu tiên mà người giúp việc cần đáp ứng để chủ nhà tin tưởng và có thể tăng lương là: thật thà, trung thực, lễ phép, nghiêm túc, kỷ luật, không có hành vi cười đùa quá trớn, không tham gia vào việc riêng của chủ nhà, không phát ngôn bừa bãi, có ý thức tiết kiệm cho chủ nhà, có thái độ tiếp thu khi chủ nhà góp ý, tận tâm với công việc, không “đứng núi này trông núi nọ”, dám chịu trách nhiệm, có ý thức ăn ở sạch sẽ, gọn gàng, sống hòa đồng với hàng xóm, không gây xích mích, cãi cọ.

Đi sâu vào chất lượng lao động giúp việc, nhóm nghiên cứu này chỉ ra khoảng trống lớn kiến thức với đa số người giúp việc là cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, các bệnh lý cơ bản thường gặp ở người già, kiến thức căn bản về sơ cứu và cấp cứu, kỹ năng sử dụng các đồ điện tử và thiết bị hiện đại, kỹ năng thương thuyết và mua sắm, đặc biệt là ý thức tiết kiệm cho chủ nhà và ý thức dám chịu trách nhiệm.

Đề xuất được nhóm của Trần Minh Trang đưa ra là Hà Nội cần quan tâm nghiên cứu đánh giá cụ thể về trình độ năng lực hiện tại của lao động giúp việc gia đình nhằm cung cấp các dữ liệu về nhu cầu đào tạo cho các trường dạy nghề hoặc trung tâm giới thiệu việc làm. “Cần thành lập các Trung tâm đào tạo chuyên nghiệp và giới thiệu việc làm cho lao động giúp việc gia đình. Trung tâm sẽ là nơi đứng ra tổ chức các khóa đào tạo cho người lao động giúp việc về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có khi tham gia hoạt động giúp việc và cấp chứng chỉ nghề chuyên nghiệp để người giúp việc có thể tự tin với công việc và nâng cao mức thu nhập của mình” – chị Trần Minh Trang nhấn mạnh.