Người giữ lại “hồn” Trung thu cổ

ANTĐ - Khác với mọi người, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) đã bắt đầu chuẩn bị đón Tết Trung thu từ tháng 6 âm lịch. Chị là người cuối cùng trong làng vẫn còn theo đuổi cái nghề đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ mà tổ tiên, cha ông đã truyền lại: nghề làm đồ chơi Trung thu.

Qua bao nhiêu năm, đèn ông sao của chị Tuyến vẫn được làm theo lối cổ do các cụ truyền lại

Yêu nghề từ tấm bé

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hậu Ái nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, từ nhỏ, chị Tuyến đã có niềm đam mê với những chiếc đèn ông sao, đèn cù, những “ông Tiến sĩ”, “ông đánh gậy” … Từ khi còn rất nhỏ, chị Tuyến đã được các cụ trong nhà dạy cho cách xếp giấy, cách cắt, dán để phụ giúp bố mẹ chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho ngày rằm Trung thu.

Đến nay, chị Tuyến đã là đời thứ 4 của gia đình theo đuổi cái nghề đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự tỉ mỉ này. Đồ chơi Trung thu của nhà chị rất được khách hàng ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến về mẫu mã để sinh động và hấp dẫn hơn nhưng kết cấu vẫn phải giữ nguyên theo lối cổ như những gì mà các cụ đã dạy. Ví như chiếc đèn ông sao của nhà chị: Toàn bộ các quy trình từ chẻ tre, uốn, ghép, cắt dán họa tiết… đều được làm thủ công. Cán đèn được chọn từ những que tre to hơn ngón tay cái. Khung đèn được ghép từ những thanh tre, thanh nứa to, đều nhau, buộc lại cẩn thận bằng dây thép. Vững chãi và chắc chắn như vậy nên đèn nhà chị Tuyến không cần phải thêm một đoạn tre dài, uốn cong thành hình tròn để cố định như những chiếc đèn ông sao mà mọi người thường thấy, chơi xong Trung thu năm nay, đem cất đi đến sang năm vẫn chơi được tiếp. Đèn ông sao của gia đình chị Tuyến cũng đơn giản chỉ có một màu đỏ, được trang trí các loại hoa văn trên các cánh sao chứ không có nhiều màu sắc như các loại đèn bán ngoài thị trường. Chị cho biết: “Cụ nhà tôi dạy rằng: màu đỏ tượng trưng cho màu cờ Việt Nam nên không thể thay thế. Giấy kính đỏ cũng bền màu hơn, không dễ bay như các màu khác. Khi thắp nến, nó sẽ cho ánh sáng đẹp hơn, lung linh hơn”.

Ngoài những loại đèn cổ truyền của dân tộc như: đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, đèn kéo quân… chị còn sáng tạo thêm các loại đèn mới như: đèn con hươu, con cá, con tôm, làm sinh động thêm các loại đồ chơi dân gian và phát triển trí tưởng tượng phong phú của trẻ. Chị Tuyến cho biết: “Mỗi thứ đồ chơi trong dịp Tết Trung thu đều mang một ý nghĩa khác nhau. Đèn con thỏ là dựa vào tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8; đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người dân Việt Nam…”. Đặc sắc nhất trong số các loại đồ chơi Trung thu cổ truyền, có lẽ phải kể đến ông “Tiến sĩ giấy”. Mỗi bộ gồm có 3 nhân vật: một “ông Tiến sĩ” (quan) ngồi giữa và 2 “ông đánh gậy” (lính) ở hai bên. Dù chỉ là đồ chơi cho con trẻ nhưng “Tiến sĩ giấy” cũng được các cụ nhà ta phân thành “cấp bậc”. Bộ to được gọi là “Ông nghè” còn bộ nhỏ chỉ được gọi là “Tiến sĩ”; những ông mặc áo màu đỏ sẽ có tước vị cao hơn những ông mặc áo xanh. Sau khi phá cỗ trông trăng, ông “Tiến sĩ giấy” sẽ được rước vào bàn học của trẻ, mang theo nguyện vọng của các vị phụ huynh, mong cho con em học tập giỏi giang, đỗ đạt cao. Đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ đem hóa vàng, đưa ông “Tiến sĩ giấy” về trời.

Gian nan tìm “đệ tử” 

Đang say sưa với những câu chuyện vui trong khoảng thời gian gia đình chuẩn bị cho Tết Trung thu, chị Tuyến bỗng bồi hồi nhớ lại gian hàng của gia đình mình năm xưa trong phiên chợ huyện. Gian hàng mái lá treo bên ngoài mấy ông đánh gậy lơ phơ trong gió, bên trong bày mấy ông nghè, ông tiến sĩ trên bàn lúc nào cũng là “tâm điểm” của những đứa trẻ trong những buổi chợ phiên tháng 8. Chị Tuyến kể lại: “Đến phiên chợ ngày 13 tháng 8, đứa nào mà bố mẹ quên không mua đồ chơi là ấm ức cả tháng. Hơn chục năm về trước, đồ chơi truyền thống rất thịnh hành, nhưng càng ngày càng bị mai một bởi sự “tấn công” của đồ chơi ngoại”. Tốn nhiều công sức, thời gian làm ra mà đồ chơi chẳng bán được bao nhiêu, anh em của chị Tuyến đâm ra chán nản rồi từ bỏ. Cái nghề truyền thống của làng, của gia đình cũng vì thế mà mai một dần. Đến nay, cả làng chỉ còn mình chị vẫn cố gắng theo đuổi vì cái niềm vui thích của bản thân mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ cầm trên tay món đồ chơi truyền thống do chính tay mình làm ra. Khi được hỏi về việc truyền nghề để tiếp tục duy trì cái truyền thống đáng quý này, chị Tuyến ngậm ngùi chia sẻ: “Nghề này ngồi lâu, đau lưng, đau tay, thu nhập cũng chẳng được là bao nên đến giờ, tôi vẫn chưa tìm thấy người nào nối nghiệp. Giá kể như có ai kiên trì muốn học, tôi cũng sẵn sàng truyền lại hết cho họ để duy trì cái nghề của cha ông”. 

Một bộ “Tiến sĩ giấy” hoàn chỉnh

Từ năm 2002, chị đã được Viện bảo tàng Dân tộc học đặt hàng và mời chị ra Hà Nội mỗi dịp Trung thu để bán và hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống. Nhìn những đứa trẻ say mê cắt dán rồi trầm trồ thích thú với những món đồ tự tay mình làm ra, chị vừa xúc động vừa tự hào vì đã đưa một phần nhỏ bé trong văn hóa dân gian đến cho các cháu. Gần 10 năm đi hướng dẫn vào mỗi dịp Trung thu, chị tâm sự: “Trẻ con bây giờ vẫn còn rất yêu thích và hứng thú với các loại đồ chơi truyền thống. Tuy nhiên, chúng thiếu đi một người hướng dẫn. Các ông bố, bà mẹ cũng quên mất không kể cho con cái nghe  sự tích gắn với những chiếc đèn. Có lẽ, vì không hiểu được ý nghĩa nên trẻ con bây giờ mới thờ ơ với đồ chơi truyền thống như vậy”.