Công an Hà Nội chuyển hóa ý kiến tâm huyết của nhân dân để thực thi tốt nhiệm vụ (3)

Người đứng đầu phải nêu gương

ANTD.VN - Công tác Công an muốn phát huy hiệu quả, phong trào người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc muốn thực sự mạnh, thì hơn ai hết, người chiến sỹ Công an phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ bản thân; và phải luôn thấy được sức mạnh của nhân dân trong thế trận giữ gìn an ninh trật tự.

Trong nhiều cuộc họp, hội nghị toàn lực lượng Công an Thủ đô, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đều nhấn mạnh: Cấp ủy, chỉ huy đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, làm gương cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) học tập noi theo; phải thực hiện đồng bộ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình kết hợp với kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.

Người đứng đầu phải nêu gương ảnh 1Hội nghị “Lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân” được các đơn vị Công an Hà Nội tổ chức sinh động

Thấy được tồn tại, khuyết điểm để khắc phục, vươn lên

Ngày 3-1-2017, Giám đốc CATP Hà Nội ký ban hành Kế hoạch số 399 “Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ”. Kế hoạch này là chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc đối với công tác xây dựng lực lượng Công an Thủ đô.

Có thể thấy trong những năm qua, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị, Công an các quận, huyện, thị xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu và triển khai có hiệu quả các mặt công tác Công an, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước; xây dựng hình ảnh đẹp của người CBCS Công an Thủ đô trách nhiệm, tận tụy, vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ. 

Tuy nhiên, CATP cũng đã hết sức thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vẫn còn một bộ phận CBCS thiếu tu dưỡng rèn luyện, chưa tự giác chấp hành kỷ cương, kỷ luật, tình hình sai phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn… Từ thực tế tình hình đó, Kế hoạch số 399 đã ra đời với một trong những mục tiêu quan trọng: Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và từng CBCS phải quyết tâm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, tồn tại, hạn chế, xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ được CATP chú trọng với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với kiểm điểm hàng năm, được tiến hành đồng thời từ CATP đến cấp phường, đồn, đội, trạm. 

Cùng với những hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân, hay mô hình “Hộp thư tiếp nhận ý kiến nhân dân”, thì công tác kiểm điểm, phê và tự phê được thực hiện theo tiêu chí chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Cấp trên và người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo.

Người đứng đầu phải nêu gương ảnh 2CAQ Hai Bà Trưng vào các điểm ngập úng, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân

Trách nhiệm, hiệu quả trong từng vị trí, công việc

Theo đánh giá của lãnh đạo các cấp, trong thời gian triển khai Đề án 106 của Bộ Công an và Nghị định số 01 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Công an Hà Nội là một trong những đơn vị, địa phương có công tác chuẩn bị chu đáo, với bộ máy, đội ngũ sẵn sàng bắt tay triển khai hiệu lực, hiệu quả ngay theo mô hình mới.

Công tác chuẩn bị hết sức cần thiết đó xuất phát từ sự chủ động, đặc biệt tầm nhìn chiến lược của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP. Một “bộ máy” vận hành hiệu quả chỉ có thể có được từ những “thiết bị”, “vị trí” gắn kết, trôi chảy, linh hoạt.

Liên tiếp trong năm 2017, Giám đốc CATP ký Quyết định triển khai 2 Đề án hết sức quan trọng. Đó là Đề án “Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ chỉ huy cấp Đội, Công an phường, thị trấn, đồn, trạm thuộc CATP giai đoạn 2017-2019 (viết tắt là Đề án số 1, ban hành ngày 17-4). Và Đề án “Nhận xét, đánh giá cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy cấp phòng; Công an quận, huyện, thị xã và tương đương thuộc diện Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc CATP quản lý” (viết tắt là Đề án số 2, ban hành ngày 29-5).

Đây không chỉ là những chủ trương, chỉ đạo mang tính “xương sống” của Công an Hà Nội đối với công tác xây dựng lực lượng, mà còn được các cấp lãnh đạo đánh giá cao bởi sự sáng tạo, tính tiên phong, dám nghĩ, dám làm.

Với đội ngũ chỉ huy cấp đội, phường, CATP đã nhìn nhận cụ thể: Vừa trực tiếp quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch công tác của CATP đến CBCS trong đơn vị; vừa trực tiếp hướng dẫn CBCS thực hiện nhiệm vụ chính trị và các biện pháp công tác Công an; cũng là nguồn cán bộ kế cận trong lộ trình, quy hoạch bồi dưỡng đào tạo, giao việc thử thách để bổ nhiệm chức vụ cao hơn khi có yêu cầu về công tác cán bộ.

Chính vì thế, Đề án số 1 đặt mục tiêu phát hiện nhân tố điển hình ở từng hệ, lĩnh vực, địa bàn, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo, giao việc thử thách, tạo nguồn cán bộ kế cận lâu dài. Song bên cạnh đó, sẽ kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho thôi chức vụ đối với chỉ huy làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, giảm sút về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.

“Mục tiêu của Đề án số 1 là xây dựng được đội ngũ chỉ huy trong sạch, vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, có ý thức phấn đấu vươn lên nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao…”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết.

Sự thẳng thắn, quyết liệt, minh bạch hướng tới không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức của CATP là những tiêu chí nổi bật trong Đề án số 2. Thông qua Đề án này, CATP sẽ có được bức tranh toàn cảnh, cụ thể về thực trạng cơ cấu, chất lượng thực chất của từng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Phòng, Công an quận, huyện, thị xã. Từng vị trí sẽ bộc lộ được ưu điểm, tồn tại, và từ đó, CATP đưa những cán bộ có năng lực phẩm chất vào quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, thử thách để tạo nguồn kế cận lâu dài; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy có “tâm”, có “tầm”, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu trong công tác, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra…

Chọn công tác tổ chức bộ máy, cán bộ để đột phá, ngày càng hoàn thiện; mở rộng những mô hình, biện pháp để tranh thủ ý kiến đóng góp, sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của nhân dân… đó là “con đường” mà Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đang “đi”, với đích đến là giá trị bình yên vì Thủ đô, vì từng mái ấm gia đình.

“Chỉ huy đơn vị phải chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ chiến sĩ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, phải có phương pháp giáo dục, rèn luyện khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo chỉ huy, khắc phục tình trạng quan liêu, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân”.

Trung tá Đinh Tuấn Thành (Trưởng CAQ Thanh Xuân, Hà Nội) 

“Quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, các hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân, hay công tác kiểm điểm, phê và tự phê mà CAH tổ chức đều xác định rõ: Không hạn chế, né tránh việc chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm. Điều quan trọng là qua ý kiến đóng góp của nhân dân, qua nội dung kiểm điểm, tự phê, từng cán bộ chiến sĩ thấy được tồn tại của mình để khắc phục, sửa chữa”.

Thượng tá Bùi Nam Hải (Phó trưởng CAH Gia Lâm, Hà Nội)