Người dở tính

ANTĐ - Người dở tính là người không bình thường. Hình như làng nào cũng có một người như thế. Cơ quan nào cũng có một người như thế. Và nếu vùng nào quá hiếm hoi, rồi cũng có một người như thế đến ở hoặc ghé qua. Nói theo các nhà tâm lý học, đó là những người luôn làm cho những người chung quanh mình đột ngột tăng huyết áp. Ở Mỹ, người ta đã thống kê được rằng, cứ trong số mười người thì có một người làm cho chín người kia đột ngột tăng huyết áp. Tỷ lệ người không bình thường của nước Mỹ văn minh thật là cao.

Hồi còn nhỏ, tôi nhớ có một người dở tính thường xuất hiện ở làng tôi. Anh không phải người làng. Làng anh ở bên kia sông, nổi tiếng về nghề đan võng cói, làng Phú Hậu. Anh thường đến làng tôi trong bộ quần áo bà ba màu nâu sẫm, đầu đội chiếc mũ lá rộng vành cũ kỹ, chân đi đất và tay cầm một chiếc cần câu. Miệng anh lúc nào cũng nhai trầu, thỉnh thoảng anh nhổ toẹt xuống chân một bãi nước trầu đỏ quánh, rồi đưa bàn tay quẹt ngang miệng, lau. Hễ thấy anh xuất hiện đầu làng là thấy trẻ con kéo đến xem, rồi bất thần, chúng chạy tóa ra khỏi anh như một đàn vịt. Đấy là lúc anh giơ cần câu lên, múa một điệu võ và hét lên một câu như người ta hát tuồng. Lũ trẻ vừa sợ anh, vừa thích trêu chọc anh. Sau khi thấy anh thôi múa võ, đi đến mép ruộng lúa nước, ngoặc một con nhái vào lưỡi câu, lũ trẻ lại mon men đến gần:

- Này lũ trẻ con… nghịch… ngợm… ơm… ngợm.

Anh lại hét lên theo một điệu hát tuồng trong khi co chân lên ngang bụng và tay múa động tác võ. Trẻ con hốt hoảng bỏ chạy bán sống bán chết. Khi quay lại nhìn, thấy anh đang giật giật cần câu trên ruộng lúa.

Anh đi câu từ đám ruộng đầu làng đến đám ruộng cuối làng, nhưng suốt buổi, chẳng được con cá nào. Anh lội xuống con mương ven ruộng, bới đất bùn ngăn lại, tát nước để bắt cá. Trẻ con lấy đất ném xuống, bùn nước bắn tung toé, lấm bê bết quần áo của anh. Người làng gọi anh là anh Nhiêu Chí. Trẻ con cứ hét tên anh lên bất cứ thấy anh ở chỗ nào trong làng:

- Nhiêu Chí ơi… Nhiêu Chí…

Đến trưa, cái đói làm anh nhớ bữa, và anh ghé vào các nhà cạnh đường.

- Ông bà thương con, cho con xin bát cơm - Anh nói giọng đau khổ.

Người ta cho anh khi thì bát cơm với mấy quả cà, khi thì dăm củ khoai luộc. Anh không ăn ngay, mà bỏ vào cái giỏ mang theo. Khi cái giỏ đã xách nặng tay, anh đi ra gốc đa làng, lấy thức ăn từ giỏ ra ăn. Xong, anh lại ghé vào một nhà nào đấy xin nước uống. Nhà nào không cho, anh dọa: 

- Ông tưởng tôi sợ ông lắm đấy phỏng? - Vừa nói, anh vừa vung cần câu múa một điệu võ. Múa xong, anh cười một tiếng nửa hài hước, nửa chua chát. Rồi đi sang nhà khác. Anh hay ghé vào nhà tôi xin ăn. Nhà tôi gần đường. Bố mẹ tôi hay cho anh các thức ăn, và tôi thì thường giấu mấy củ khoai to, bỏ vào túi áo anh.

Có lần, anh hỏi mẹ tôi:

- Bà có mua võng không?

- Nhà anh Nhiêu đan võng à? - Mẹ tôi hỏi.

- Mẹ con đan nhiều võng lắm. Võng nhà bà đứt quá rồi. Võng mẹ con đan tốt lắm.

Mẹ tôi nghe nói thế, gửi tiền anh mua võng. Nhiêu Chí không cầm tiền.

- Mai mang võng đến, con sẽ lấy tiền - Anh nói.

Ngày hôm sau, anh Nhiêu chí mang võng đến. Từ đó, anh mua giùm võng cho nhiều người làng.

Bẵng đi rất lâu, không thấy anh Nhiêu Chí đến làng, trẻ con mất đi một thú vui. Có lúc chúng đứng đầu làng, ngóng về phía bên kia bờ sông. Thấy một người nào đó vác cần câu đi ngoài đồng, một đứa kêu lên: "Nhiêu Chí chúng mày ơi". Rồi cả lũ bỏ chạy giạt đi như là anh Nhiêu Chí đến thật. Nhưng anh Nhiêu Chí không đến, không bao giờ đến làng tôi nữa. Người lớn bảo anh đã chết ốm. Có người lại bảo mới gặp anh đang lang thang ở một huyện khác, xa lắm.

Tôi bỗng mong anh Nhiêu chí còn sống, còn lang thang ở một nơi nào đó.